Aa

Những dòng sông "chết" giữa Thủ đô: "Phù phép" thế nào để hồi sinh?

Thứ Bảy, 28/07/2018 - 06:01

Sông Cầu Đá nước đen kịt, sông Nhuệ “oằn mình” dưới hàng tá rác thải, sông Tô Lịch bốc mùi hôi thối nồng nặc, tự bao giờ những dòng sông lại trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô?

Từ xưa đến nay, như một chân lý, những dòng sông đã trở thành linh hồn của Thủ đô. Sông ngòi chảy quanh, len lỏi, nồng nàn hơi thở của thành phố. Tuy nhiên hiện nay, nhiều con sông của Hà Nội đang "chết" dần từng ngày do ô nhiễm, rác thải. Mới đây, trong Nghị quyết số 11-NQ/TU  Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành đã chỉ đạo rõ phải tập trung làm “sống dậy” 4 dòng sông ô nhiễm nặng (sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy). Liệu sau Nghị quyết này, Thủ đô có thể "phù phép" những dòng sông đã sống mòn được hồi sinh? Vì sao sau bao nhiêu lần hô hào quyết tâm cứu lấy các dòng sông thì tình trạng ô nhiễm lại càng trở nên nghiêm trọng?

Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về vấn đề này. Xin giới thiệu các chuyên gia: PGS.TS Bùi Quốc Lập, Trưởng khoa Môi trường, Đại học Thuỷ Lợi; PGS.TS Phạm Hùng Cường, Trưởng bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội và Nhà văn Đỗ Phấn.

Thực hiện: Đỗ Linh.

PV: Thưa nhà văn Đỗ Phấn, Hà Nội có lẽ là thành phố có nhiều con sông nhất ở Việt Nam, một nhà văn đã từng ví “Hướng nào Hà Nội cũng sông”, vậy thưa ông, những dòng sông có ý nghĩa như thế nào với đô thị Hà Nội?

Nhà văn Đỗ Phấn: Không phải ngẫu nhiên Hà Nội có nhiều dòng sông chảy quanh mình như thế, chính tổ tiên chúng ta đã chọn Hà Nội - nơi có nhiều sông ngòi - để định đô.

Đó là lựa chọn của đức vua Thái Tổ Lý Công Uẩn. Người xưa luôn chọn địa thế để làm những trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Câu thành ngữ “Nhất cận thị, nhị cận giang” chắc hẳn còn ra đời trước cả Thái Tổ Lý Công Uẩn, đó môi trường sống lí tưởng của người Việt xưa nay.

Tiền nhân chọn vùng đất có nhiều sông ngòi với lý do về mặt chiến lược, xây dựng một kinh đô vững bền. Con sông như một cỗ máy điều tiết nước nôi dùng cho canh tác nông nghiệp. Hạn thì lấy nước vào đồng. Úng thì tháo nước ra sông. Sông còn là một ngư trường quan trọng với những người sống gần nó và sống ngay chính trên mặt nước. Vài chục năm trước thôi vẫn còn rất nhiều ngư phủ chài lưới trên sông. Họ coi sông là nguồn thu nhập chính.

Đặc biệt hơn, con sông còn là đường giao thông cực kì quan trọng. Trước khi có những phương tiện giao thông khác thì thuyền bè là lực lượng vận tải chính. Đó là phương tiện vận tải thuận tiện bậc nhất bởi tâm lí người Việt thường ngụ cư ở những vùng châu thổ của các con sông. Nói cách khác, nơi nào có sông là nơi ấy có người Việt cư trú.

 PV: Vâng, như nhà văn Đỗ Phấn vừa nhận định, những dòng sông chính cũng như linh hồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến, nhưng dường như, nhiều dòng sông hiện nay lại đang trở thành nỗi ám ảnh vì sự ô nhiễm, nhiều người gọi đó là những dòng sông chết. Nhà văn nghĩ sao về điều này?

Nhà văn Đỗ Phấn: Đó là một thay đổi không thể tránh khỏi khi dân số tăng lên gấp bội phần. Ta nhớ ngày tiếp quản Thủ Đô 1954 Hà Nội chỉ có chừng 30 vạn người. Giờ đây con số ấy chính là dân số của quận Hai Bà Trưng.

Riêng tôi vẫn nghĩ, người Hà Nội bây giờ đã có ý thức gìn giữ những dòng sông của mình hơn trước rất nhiều. Tuy thế, do dân số nhiều lên kéo theo những người vô ý thức cũng nhiều lên. Và sông ngòi ngày một mất đi. Ngày xưa người ta cũng thỉnh thoảng ném xác súc vật và rác rưởi xuống sông nhưng vì ít người nên dòng sông vẫn có thể tự điều tiết được. Giờ thì dòng sông không còn đủ sức nữa. Nó không đủ nước để cuốn trôi mọi thứ rác rưởi đã đành, những thứ được vứt xuống sông cũng ngày một nhiều lên.

Có những dòng sông trong phố đã trở thành nỗi kinh hoàng của dân phố vì độ ô nhiễm. Sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch và những chi nhánh của nó luôn bốc mùi và dày đặc muỗi. Kết quả là ta đã phải hi sinh hạ ngầm khá nhiều sông trong phố. Những đoạn sông phía đường Tô Hoàng, Hào Nam v.v…Ngay cả con sông cạnh nhà tôi có tên tuổi hẳn hoi là sông Kẻ Khế cũng đã hoàn thành việc hạ ngầm.

Mất đi những dòng sông là mất đi một bề dày văn hóa có lịch sử ngàn năm của Thủ Đô. Những tên đất, tên người gắn với dòng sông trở thành lạ lẫm. Những sự kiện lịch sử trên sông sẽ làm người đời sau khó hình dung ra được. Hơn thế, ta mất đi sự cân bằng của địa lí. Giờ thì chỉ cần một trận mưa trung bình Hà Nội đã có thể bị ngập lụt. Mới chỉ dăm chục năm trước thôi, mùa mưa bão tháng 7 vẫn còn thấy trên sông Tô Lịch cơ man những nhà bè cất vó suốt ngày đêm. Giờ thì rất ít ai ở Hà Nội còn dám ăn cá bắt lên từ dòng sông ấy.

PV: Với hiện thực đó, ngày 13/06/2018, trong Nghị quyết số 11-NQ/TU  được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành đã chỉ đạo rõ phải tập trung làm “sống dậy” 4 dòng sông ô nhiễm nặng (sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy). Các chuyên gia nghĩ như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Bùi Quốc Lập: Mặc dù việc bảo vệ môi trường nói chung cũng như môi trường nước nói riêng đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, thể hiện qua việc Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác này. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nước như hiện nay chúng ta đã có: Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Tài nguyên nước 2012...

Về mặt cơ cấu, tổ chức, chúng ta đã hình thành bộ máy quản lý môi trường nói chung từ Trung ương đến địa phương. Ở Trung ương chúng ta có Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành khác cũng có các bộ phận chức năng quản lý môi trường ngành. Cấp địa phương cũng có các sở/phòng tương ứng. Tuy nhiên, thực trạng công tác bảo vệ môi trường nói chung của chúng ta cũng còn rất nhiều hạn chế.

Nhà văn Đỗ Phấn: Quyết tâm ấy của thành phố là một nỗ lực lớn tuy muộn nhưng hi vọng sẽ thành hiện thực. Việc dọn dẹp ô nhiễm ở 4 dòng sông ấy trên địa bàn Hà Nội hoàn toàn có thể làm được. Nhưng nguồn nước của 4 dòng sông ấy là thứ chúng ta không thể chủ động. Biến đổi khí hậu khiến cho mực nước các dòng sông đều cạn. Nhất là những dòng sông có khởi nguồn không nằm trong lãnh thổ của chúng ta.

PGS.TS Phạm Hùng Cường: Mới từ chỉ đạo của thành phố mà để nhận định thì hơi khó. Từ khâu chỉ đạo, sẽ còn phải lập kế hoạch, chuẩn bị ngân sách... Muốn các dòng sông  hồi sinh thì quan trọng nhất là chúng ta khôi phục đc chất lượng nước. Hiện nay các trạm xử lý thu gom của Hà Nội chưa được xây dựng đầy đủ. Ví dụ như hiện nay từ Bắc đến Nam chỉ có 1 trạm xử lý Yên Sở. 

PV: Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, thời gian qua, không ít lần Thủ đô đã quyết tâm làm sạch các dòng sông tuy nhiên tình hình không được cải thiện, nếu không nói, các con sông ngày càng trở nên ô nhiễm hơn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là vì sao?

PGS.TS Bùi Quốc Lập: Để cho tình trạng các nguồn nước sông trong nội thành bị ô nhiễm gia tăng có mấy nguyên nhân cơ bản: Do hầu hết các đô thị của chúng ta đều có hệ thống hạ tầng thoát nước cũ kỹ, lạc hậu, thậm chí một số nơi không có. Mặt khác sức ép dân số lên các đô thị ngày càng tăng (do dân số phát triển tự nhiên cũng như di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị), nước thải phát sinh ngày càng lớn, gây nên tình trạng quá tải cho hệ thống thoát nước đô thị.

Do vậy, nước thải đô thị không qua thu gom, xử lý ngày càng tăng, đổ thẳng ra các sông, hồ, làm cho tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn.v.v. Do ý thức bảo vệ môi trường của cả người dân, thậm chí 1 bộ phận cán bộ làm trong ngành bảo vệ môi trường thiếu kiến thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trương nước nói riêng.

PGS.TS Phạm Hùng Cường: Các con sông ở nội thành Hà Nội vốn không có nguồn cấp, mà thực chất chỉ lấy từ nước mưa. Chức năng của sông nội đô hiện nay là chứa nước thải của thành phố. Chính vì không có nguồn nên cũng chẳng có lượng nước sạch cấp cho các con sông như sông Tô Lịch, Kim Ngưu. Đơn cử như sông Tô Lịch, việc cải tạo trên bờ rất đẹp. Tuy nhiên, nguồn nước vẫn rất đen vì phải chứa nước thải của Thành phố.

PV: Ở Hàn Quốc, Cheonggyecheon cũng từng trở thành nỗi ám ảnh của nguyời dân Seoul vì sự ô nhiễm, tuy nhiên, sau đó chính quyền đã “phù phép” từ một dòng kênh đen thành máy điều hòa khổng lồ đem lại hơi thở mát dịu cho Seoul. Vậy theo PGS.TS Bùi Quốc Lập, vì sao Hàn Quốc thành công với phương pháp này, liệu có thể áp dụng ở Việt Nam hay không?

PGS.TS Bùi Quốc Lập: Thực ra những biện pháp mà người Hàn Quốc đã làm như bạn đề cập không phải là những gì quá cao siêu. Đó chính là việc thực hiện những biện pháp quyết liệt và triệt để đi kèm với việc đầu tư thỏa đáng cho công tác cải tạo dòng sông. Tôi nghĩ, nếu chúng ta có quyết tâm như Hàn Quốc  và quan tâm đầu tư xứng đáng cho công tác bảo vệ môi trường thì chúng ta cũng có thể hoàn toàn làm được như Hàn Quốc.

PV: Thành phố đang có chủ trương làm “sống dậy” 4 dòng sông ô nhiễm nặng (sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy), theo các chuyên gia có những biện pháp gì để làm “sống dậy” dòng sông?

PGS.TS Bùi Quốc Lập: Để làm sạch các dòng sông, có các biện pháp kỹ thuật cơ bản như có thể pha loãng nước bị ô nhiễm trong sông bằng cách bơm thêm nước sạch vào sông để tăng khả năng tự làm sạch của sông, sử dụng các kỹ thuật như sục khí để bổ sung ô xy hòa tan cho nước sông, sử dụng các biện pháp sinh học như dùng các cây thủy trúc, sử dụng các chế phẩm sinh học.v.v.

Ở Nhật Bản, người ta có công nghệ làm gạch sinh thái để lát đáy các con sông, các viên gạch sinh thái này sẽ có tác dụng kích thích khả năng phân hủy sinh học các chất ô nhiễm trong nước sông để sông dần tự sạch. Đó là một số các biện pháp kỹ thuật cơ bản để cải thiện và xử lý nước sông bị ô nhiễm. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể phải có các nghiên cứu khoa học và chi tiết mới có thể đưa ra các biện pháp giải quyết phù hợp. 

Do vậy, muốn làm “sống dậy” 4 con sông này của Hà nội, theo tôi một trong những biện pháp cơ bản là chúng ta phải kiểm soát được các nguồn thải đổ vào sông hồ, có các biện pháp để tăng cường khả năng tự làm sạch của sông, hồ như lắp đặt các bơm sục khí, sử dụng các kỹ thuật sinh thái như dùng các thực vật thủy sinh để xử lý nước ô nhiễm, các chế phẩm vi sinh.v.v. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường nước các sông, hồ.

PGS.TS Phạm Hùng Cường: Phải tách đường ống nước mưa và đường ống nước thải riêng, thì lúc đấy sông mới sạch được. Còn bây giờ nước thoát chung và chảy vào phía Nam, bơm ra sông Hồng. Chúng ta cần làm kinh phí để tách hai nguồn nước này ra.

Việc tách nước mưa ra khỏi đường ống nước thải đòi hỏi một kinh phí rất lớn. Chắc có lẽ, Thành phố dần dần từng bước mới có thể giải quyết được. Hà Nội cũng như hầu hết các đô thị ở Việt Nam hiện nay đều thoát nước chung. Các đô thị khác, quãng đường của các nhiệt thoát nước xử lý ngắn còn Hà Nội từ phía Bắc thoát xuống phía Nam lại rất xa, đến 20 cây số nên phải thoát vào những con sông, kênh mương nhỏ, trở thành cống lộ thiên nên rất ô nhiễm.

Bên cạnh đó, nếu có thể khắc phục bằng cách mình làm nhiều các trạm xử lý, phân tán ở trong nội đô thì cũng giảm bớt được lượng nước ô nhiễm chảy lộ thiên một quãng dài. Việc xây các trạm xử lý nước thải ở trong nội đô khó khăn ở vấn đề quỹ đất, công nghệ chưa hiện đại vẫn có thể có bùn ở các bể lắng, bể lọc. Tất cả chúng ta vẫn chưa thực hiện được mà trông chờ vào nguồn nước dồn đến tận Yên Sở rồi xử lý.

Nhà văn Đỗ Phấn: Ý thức là vấn đề quan trọng nhất. Những tác động bằng kĩ thuật hiện nay chỉ đang là việc nhằm cứu vãn những sơ suất hoặc cố tình của thị dân đối với dòng sông của mình. Sông lớn bị hút cát, sông nhỏ bị xả thải cần có những chế tài nghiêm khắc răn đe. Người Hà Nội chỉ cần khi ra sông thả cá ngày ông Công ông Táo mà cầm cái túi ni lông của mình về thôi đã là có ý thức. Tiếc thay đến cả việc ấy cũng chưa làm được. Những việc to tát hơn là các đại gia xây dựng ồ ạt xây những chung cư ngút trời như thế nhưng chưa thấy ai “xây dựng” một dòng sông mới ở những khu như vậy. Có chăng chỉ lấp bớt sông đi để lấy đất xây nhà. Tổ tiên chúng ta hàng nghìn năm trước đã đào hẳn một con sông Đuống. Con sông đào ấy đã không ít lần đi vào thơ ca trong lịch sử với lòng tự hào yêu quí vô bờ.

Xu thế cống hoá những dòng sông nhỏ trong phố là tất yếu. Thế nhưng, còn những dòng sông tương đối lớn như sông Tô Lịch, Kim Ngưu vì lưu lượng nước lớn, cống hoá không giải quyết được. Nếu để nó lộ thiên, ta phải có cách bảo quản, giữ gìn, vệ sinh, khơi thông dòng chảy.

Với chúng ta bây giờ, việc gìn giữ những con sông còn lại không phải là câu chuyện kêu gọi tinh thần tự giác. Thậm chí phải là luật pháp, phải có những khung hình phạt, chế tài nặng để xử ai xâm phạm đến những dòng sông. Không chỉ riêng việc anh xâm phạm đến nó mà chất tải lên nó quá nhiều. Nhiều năm nay sông Kim Ngưu, Tô Lịch người ta chất tải lên những chung cư quá lớn, đưa đến hệ luỵ tất yếu là nước thải, thậm chí không chỉ nước thải sinh hoạt mà là nước thải sản xuất, công nghiệp, chất thải rắn. việc xả thẳng ra những dòng sông như thế gây ô nhiễm 1000 lần hơn mấy túi ni lông, túi rác.

Sông ngòi là bài toán khó, đòi hỏi những người có trách nhiệm lớn quan tâm. 

Xin cảm ơn các chuyên gia!

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top