Aa

Những dự án giao thông trọng điểm cần đẩy nhanh trong năm 2020

Thứ Sáu, 03/01/2020 - 06:10

Bộ Giao thông vận tải vừa được yêu cầu cần đẩy mạnh tiến độ ở các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2020 như cao tốc Bắc - Nam phía đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành,...

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 hôm nay, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được của ngành giao thông, phải kể đến những hạn chế tồn tại trong công tác xây dựng, hoàn hiện thể chế khi chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn như dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Tiến độ thi công tại một số dự án còn chậm như các dự án đường sắt đô thị, các dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận...

Đặc biệt là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sau nhiều lần lùi tiến độ, đến nay vẫn chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Phó thủ tướng chỉ ra, tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất chưa được xử lý dứt điểm. Giao thông đường thủy nội địa chưa được chú trọng, nút thắt khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa được xử lý. Việc kết nối giao thông giữa các khu vực kinh tế còn hạn chế, đầu tư giao thông cho khu vực miền núi phía bắc còn chậm.

Ngoài ra, về các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông theo hình thức PPP, do thay đổi hình thức đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước nên tiến độ triển khai chậm.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020. Ảnh: Bộ Giao thông vận tải.

Một số công trình, dự án còn để xảy ra các khiếm khuyết về chất lượng gây dư luận không tốt như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai; tình hình an ninh trật tự tại một số trạm thu phí BOT vẫn còn nhiều phức tạp, gây khó khăn trong công tác triển khai thu phí hoàn vốn các dự án; tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng (BOO1, BOO2) không hoàn thành theo chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung, thực hiện nghiêm túc 8 nhiệm vụ trong năm 2020.

Đầu tiên, phải có chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết số 01, 02 năm 2020 của Chính phủ; thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ kho vận (logistics) Việt Nam đến năm 2025.

Thứ hai, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Thứ ba, lập các quy hoạch giai đoạn 2021- 2030 gồm quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng biển, càng hàng không, sân bay, đường thuỷ nội địa… gắn với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm; quy hoạch các ngành, địa phương.

Thứ tư, tập trung thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án đã có nguồn vốn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành.

Trong đó, đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, sớm khởi công các dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông và các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách; khởi công dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành;

Kịp thời giải trình với Hội đồng thẩm định nhà nước về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để sớm báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư; phối hợp chặt chẽ với TP. Hà Nội và TP.HCM thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, đặc biệt phải sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đến nay vẫn chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình. Trong đó, chú trọng việc chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát.

Thứ sáu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cuối cùng, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, người lao động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Một số công trình dự kiến khởi công năm 2020

8 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP gồm các tuyến Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.

Tổng mức đầu tư 8 dự án này dự kiến hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Hiện các dự án đang sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trong nước. Năm 2020 sẽ tiến hành đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công. Các dự án dự kiến hoàn thành năm 2022.

Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được khởi công vào tháng 1 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng bằng vốn ngân sách, dự kiến hoàn thành năm 2023. Dự án là một phần của cao tốc TP.HCM - Cần Thơ thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam, có vai trò quan trọng tăng năng lực giao thông qua sông Tiền và kết nối cao tốc TP.HCM - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Cầu có chiều dàu 6,6km và được thiết kế tốc độ 100 km/h, đồng bộ với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Trên tuyến còn có 4 cầu nhỏ và 2 nút giao thông lớn.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư dự án dự kiến 4.919 tỷ đồng. Dự án sẽ khởi công trong năm 2020 và hoàn thành vào năm 2023, cùng thời điểm cầu Mỹ Thuận 2.

Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Chiều dài khoảng 23km, hầu hết nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và một phần thuộc huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp).

Điểm đầu được kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 và điểm cuối tại nút giao Chà Và thuộc thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), kết nối với cầu Cần Thơ.

Cải tạo hạ tầng đường sắt Bắc - Nam: Quốc hội đã phê duyệt đầu tư, cải tạo hạ tầng đường sắt Bắc - Nam với 7.000 tỷ đồng vào năm 2018, từ nguồn vốn dự phòng đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu để các dự án có thể khởi công năm 2020, dự kiến hoàn thành năm 2021.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top