Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và trước kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Hà Nội khóa XV sáng 29/11, ông Hoàng Trung Hải cùng các đại biểu Quốc hội thành phố thuộc đơn vị bầu cử số đã làm rõ một số vấn đề cử tri nêu, trong đó có dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và 3 tuyến đường chậm tiến độ (đường Vành đai 2,5, đường Tôn Thất Tùng kéo dài và đường Vương Thừa Vũ kéo dài).
Đáng chú ý, về vấn đề triển khai Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng nêu rõ: Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư có trách nhiệm chính thuộc phía Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (đơn vị tổng thầu).
Liên quan đến tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận Thanh Xuân, các cử tri kiến nghị các bộ, ngành và UBND thành phố cần sớm nghiên cứu phương án và có cơ chế đặc thù trong việc triển khai duy tu, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận và thành phố.
Ngoài ra, các cử tri cũng nêu kiến nghị về tiến độ các dự án triển khai qua địa bàn phường gồm dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Định Công qua Đầm Hồng đến đường sông Tô Lịch (nhưng đến nay mới làm xong đoạn Định Công đến Đầm Hồng); dự án đường Tôn Thất Tùng kéo dài (mới hoàn thành cắm mốc); dự án đường Vương Thừa Vũ kéo dài (hiện chưa triển khai) gây khó khăn cho đời sống người dân trong sinh hoạt hàng ngày.
Đặc biệt, một số cử tri cũng nêu ý kiến đề nghị thành phố nên kiểm soát chặt hơn nữa chất lượng các nguồn nước, không để xảy ra tình trạng như ô nhiễm nguồn nước sông Đà như đã xảy ra trong thời gian qua, cũng như có phương án đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho người dân trên địa bàn Thủ đô.
Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, ông Hoàng Trung Hải đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề, cụ thể là 3 tuyến đường chậm tiến độ (đường Vành đai 2,5, đường Tôn Thất Tùng kéo dài và đường Vương Thừa Vũ kéo dài).
Ông Hoàng Trung Hải cho biết, ban đầu các dự án này được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP), nhưng sau đó do vướng mắc về thủ tục, cơ chế của hình thức đầu tư này nên thành phố buộc phải dừng lại, chuyển hướng sang hình thức đầu tư khác.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách chỉ có khả năng đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản, nên các dự án này bị chậm trễ. Hiện nay, thành phố đang khắc phục bằng cách xác định mức độ ưu tiên để đầu tư từ nguồn ngân sách, kết hợp với kêu gọi các nguồn đầu tư xã hội hóa.
"Về việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi các quận nội thành, qua rà soát, hiện có 117 cơ sở sản xuất ở 12 quận không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường cần di dời. Nhưng đây là vấn đề rất khó khăn, vì nếu cho doanh nghiệp tự chuyển đổi thì dễ xảy ra vi phạm về quy hoạch; nếu không thì thành phố phải có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp.
Về quản lý chung cư, toàn thành phố hiện có 2.598 chung cư với gần 900.000 người dân đang sinh sống. Nhằm huy động cả hệ thống chính trị tham gia giải quyết các vấn đề liên quan, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, để giải quyết vấn đề này" , Bí thư Hoàng Trung Hải thông tin thêm.
Đề cập đến những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ông Hoàng Trung Hải đã nhận lỗi với cử tri vì chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và sự phát triển của đô thị.
Ông Hải cũng khẳng định: "Nếu không có tuyến tàu điện ngầm, tuyến đường sắt trên cao thì không có cách nào giải thoát được vấn đề ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, cơ chế, pháp lý để triển khai, đẩy nhanh các dự án này cũng còn nhiều vướng mắc".