Những ghi chú lý thú về hình ảnh con trâu trong văn hoá Việt
2021 là năm Tân Sửu, đứng đầu trong 5 năm được mang tên con trâu. Xin chọn ra đây một số ghi chú lý thú liên quan đế hình ảnh con trâu trong tâm thức và văn hóa Việt.
- Trâu, tên chữ là Sửu, là Ngưu, là con giáp thứ hai trong 12 con giáp, tức 12 địa chi. Can Sửu là âm và chỉ kết hợp được với 5 can âm trong 10 thiên can là Tân, Quý, Ất, Đinh, Kỷ để thành 5 năm mang tên con trâu của một vòng hoa giáp 60 năm là: Tân Sửu, Quý Sửu, Ất Sửu, Đinh Sửu, Kỷ Sửu.
- Người phương Đông đã phát hiện và đặt tên cho 4 chòm sao 28 ngôi trên bầu trời, gọi là nhị thập bát tú. Hai ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Huyền Vũ của nhị thập bát tú là sao Ngưu và sao Đẩu. Bác Hồ viết thơ:
"Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu, Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy"
đã ví khí thế quân đội ta lên cao tới cả vũ trụ, nơi có chòm sao ấy.
- Con trâu là nguồn sức kéo quan trọng cho việc cày bừa và thu hoạch thóc lúa trong canh tác nông nghiệp nước ta từ xa xưa. Nhà nước phong kiến rất quan tâm tới việc bảo vệ nguồn sức kéo này. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu: "Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật".
- Con trâu xuất hiện trong văn hóa Việt từ rất sớm. Khảo cổ học phát hiện nhiều tượng trâu bằng đất nung ở di chỉ Đình Chàng, có niên đại cách đây hơn 3.000 năm. Tranh khắc lễ hội trâu đã có trên mặt trống đồng Bắc Lý, Hiệp Hòa, thời kỳ đầu dựng nước.
- Nhiều chuyện cổ tích có hình ảnh con trâu, như: Kể về sự tích con trâu, cái nốt dưới cổ con trâu, giải thích tại sao trâu đen bò vàng, chuyện con trâu bay, “Trí khôn của ta đây”… Trong các truyền thuyết lịch sử, có truyền thuyết trâu vàng ở hồ Tây gắn với sự tích con sông Kim Ngưu thơ mộng thời xa xưa.
- Trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hình ảnh con trâu được sử dụng để nói đến mọi vấn đề của cuộc sống người dân, từ nghề nghiệp đến tình duyên, từ quan trường đến xóm thôn, từ xum họp tới chia ly, từ thủy chung đến phản trắc, từ sang giàu đến nghèo hèn... Hình ảnh con trâu trong các thành ngữ cũng dùng nhiều để nhắc nhở về đạo đức, việc ăn ở cho chuẩn mực hay truyền đạt những kinh nghiệm trong canh tác và chăn nuôi…
- Bài ca dao mở đầu bằng câu:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra bờ ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công”…
rất phổ biến, được nhiều người biết đến nhất, nội dung là nói về tình cảm đối đãi như bạn thiết của người nông dân với con trâu.
- Trong hội họa dân gian, con trâu sống động trong nhiều dòng tranh dân gian. Tết đến, người dân hay mua các bức tranh Đông Hồ như “Chăn trâu thổi sáo”, “Chăn trâu thả diều” mang khát vọng yên bình, no ấm để treo trong nhà.
- Huyền sử gắn với con trâu rất đẹp là chuyện Đinh Bộ Lĩnh cùng các cậu bé ở Hoa Lư cưỡi trâu, ngắt cờ lau tập trận để hun đúc ý chí. Đinh Bộ Lĩnh sau này đã đứng lên dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi Đinh Tiên Hoàng đế, lập ra triều đại nhà Đinh.
- Thời Lý, đạo Phật thành quốc giáo, tại chùa Phật Tích ở Bắc Ninh xây giữa thế kỷ XI, có đắp tượng trâu to như trâu thật, đặt trên đài sen. Trước đó, có tượng trâu tạc bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh) to như con nghé. Sau này, hình tượng con trâu còn được chạm khắc nhiều tại các đình, chùa vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ.
- Nhiều làng quê ở miền Bắc và miền Trung ăn tết trâu và làm lễ tiến trâu, gọi là Lễ Tiến Xuân Ngưu, chọn tháng Chạp là tháng Sửu. Con trâu thuộc hành thổ, theo thuyết ngũ hành tương khắc thì thổ khắc thủy, chống được lạnh giá, nên làm con trâu được nặn bằng đất để làm lễ tống tiễn giá lạnh, cầu cho cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.
- Hình tượng con trâu cũng đi vào kiến trúc, xây dựng nhà cửa, như người dân tộc Sán Chay ở miền núi phía Bắc xây nhà theo mô hình một con trâu thần.
- Con trâu là con vật linh thiêng, được tôn sùng trong tín ngưỡng của một số dân tộc, có nơi thờ tụng, hương khói hoặc đón rước biểu tượng, hình nộm con trâu trong những lễ hội truyền thống.
- Hình ảnh cặp sừng trâu gợi liên tưởng tới mặt trăng hình lưỡi liềm, là một biểu tượng tín ngưỡng của nền văn minh nông nghiệp theo quan niệm từ xa xưa tới gần đây.
- Hình ảnh con trâu được chọn làm biểu tượng cho thể thao Việt Nam và con trâu vàng là linh vật của SAE Games 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003.
- Đã thành truyền thống, lễ hội chọi trâu được tổ chức để phục vụ nhu cầu vui thú và náo nhiệt của con người. Người ta nhắn gửi với nhau:
“Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về”.
- Trong văn chương Việt Nam cận và hiện đại có hai cuốn tiểu thuyết cùng mang tên “Con Trâu”. Cuốn thứ nhất của Trần Tiêu, xuất bản năm 1938, cuốn thứ hai của nhà văn Nguyên Văn Bổng, in năm 1952. Hình ảnh con trâu cũng thành thi tứ trong nhiều bài thơ từ thời trước cho đến hiện đại.
- Bộ phim “Mùa len Trâu” phỏng theo các truyện ngắn nổi tiếng “Một cuộc biển dâu”, “Mùa len Trâu” của nhà văn Sơn Nam được Nguyễn Võ Nghiêm Minh dựng thành phim nhựa, rất ấn tượng với khán giả qua những hình ảnh thật đẹp về những đàn trâu hùng vĩ di chuyển trên đồng cỏ.
- Con trâu hiện nay đã không còn là nguồn sức kéo và gắn bó với sản xuất nông nghiệp như thời xưa nữa. Câu dân gian báo hiệu sự kết thúc vai trò nặng nhọc của con trâu, mở đầu cho thời máy móc làm thay qua hình ảnh chiếc máy cày màu đỏ, lại khá hài hước: “Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”.
- Làng nghề truyền thống Đọi Tan chuyên làm trống ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, đã có lịch sử tồn tại và phát triển hơn 1000 năm. Trống Đọi Tam có tang làm bằng gỗ mít, mặt bưng da trâu, đã vang lên trầm hùng từ làng quê lên thành dàn trống hội nơi thành phố. Tiếng trống ấy sẽ còn vang mãi cùng những lễ hội truyền thống và hiện đại trên đất nước ta.
- Con trâu không kéo cày nữa thì trở thành một nguồn đầu tư để nuôi lấy sữa, lấy thịt, lấy da cho ngành công nghiệp thuộc da… Hình ảnh con trâu sẽ còn mãi mãi gắn bó với đời sống của người Việt. Năm mới 2021, năm Tân Sửu, với nghĩa là một con trâu mới mẻ, thanh tân, mang đến cho chúng ta nhiều kỳ vọng mới mẻ về những điều tốt đẹp sẽ đến!