“Cây” phát điện gió
Nói tới điện gió, người ta thường nghĩ tới những tua-bin phát điện dựa vào sức gió, được lắp tại những nơi có tiềm năng lớn về gió. Nhưng các nhà khoa học Pháp lại có cách nghĩ khác, làm khác. Kết quả cuối cùng, một loại tua-bin phát điện giống như một cây to đã được chế tạo thành công, sản xuất điện không phát ra tiếng ồn.
Trong hình dáng một cây xanh, “nhà máy” phong điện này có 72 tua-bin tí hon, được lắp trên những chiếc lá nhân tạo. Điện được tạo ra khi những chiếc lá này chuyển động, với tốc độ gió tối thiểu là 2m/s.
Ước tính, sản lượng điện tạo ra từ 72 tua-bin siêu nhỏ này xấp xỉ 3,1 kW/h. Dù sản lượng điện thấp hơn các tua-bin gió truyền thống, nhưng xét về tốc độ gió tối thiểu duy trì hoạt động và quy mô lắp đặt, những cây tuabin này vẫn được đánh giá cao về mặt hiệu quả. Người ta kỳ vọng, sẽ xuất hiện loại hình hàng cây xanh làm chức năng phát điện tại một số lề đường của Cộng hòa Pháp.
Các nhà sản xuất cũng dự kiến sẽ mở rộng ứng dụng trên những tháp điện thoại di động, những cột thu phát tín hiệu, có thể lắp đặt các tua-bin hình lá cây này, trực tiếp sản xuất điện năng phục vụ cuộc sống. Hơn nữa, với hình dáng mang tính nghệ thuật cao, những chiếc cây sản xuất năng lượng sạch sẽ góp phần tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Sàn gỗ tạo năng lượng từ những bước đi
Các kỹ sư từ Trường Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) đã thiết kế thử nghiệm loại sàn gỗ có khả năng thu năng lượng từ mỗi bước chân. Nghiên cứu sản xuất điện năng của nhóm được đặc biệt quan tâm, bởi chi phí thấp, rất thân thiện với môi trường.
Nhóm kỹ sư đã xử lý các sợi nano cellulose bằng phương pháp hóa học đặc biệt, sau đó đưa các sợi này vào trong sàn gỗ. Khi người bước đi trên sàn, sẽ tạo độ rung theo bước chân, các sợi nano cellulose sẽ cọ xát vào nhau, tạo ra điện tích. Nguồn điện này được thu lại vào hệ thống ắc-quy. Theo thử nghiệm, với diện tích phòng khoảng hơn 100 m2, khi có rung liên tục trên 1 lớp sàn gỗ, sản lượng điện thu được sẽ đủ để thắp sáng bóng đèn 2W. Nhóm nghiên cứu gọi đây là phương pháp thu năng lượng theo bước đi.
Giáo sư Xudong Wang - người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết, phương pháp sản xuất điện này có một số ưu điểm vượt trội so với các nguồn năng lượng tái tạo khác như, không bị hạn chế thời gian ngày - đêm như điện mặt trời, không đòi hỏi nguồn nguyên liệu như năng lượng sinh khối... Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, phương pháp thu năng lượng theo bước chân lại đòi hỏi phải lắp đặt ở những vị trí sàn nhà có đông người qua lại, tạo rung động thường xuyên trên mặt sàn như sân ga, bến tàu, trung tâm thương mại…
Cũng theo nhóm nghiên cứu, sản xuất các sợi nano có chi phí thấp. Những sợi này được trộn vào trong bột gỗ sản xuất sàn nhà. Vì vậy, giá thành sản xuất của loại sàn gỗ phát điện chỉ nhỉnh hơn chút ít so với giá thành sản xuất của loại sàn gỗ thông thường. Sản phẩm cũng có thể tái chế và có độ bền giống với sàn gỗ tiêu chuẩn. Ngoài ra, các tấm sàn gỗ này có thể được đặt chồng nhiều lớp lên nhau, góp phần tăng sản lượng điện.
Kết quả nghiên cứu của các kỹ sư Trường Đại học Wisconsin-Madison đã tạo ra một hướng đi mới trong lĩnh vực tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế. Không chỉ chi phí thấp, kĩ thuật chế tạo sàn gỗ phát điện cũng hết sức đơn giản. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục cải tiến công nghệ thu nhận, lưu trữ năng lượng, từ đó có thể ứng dụng rộng rãi công nghệ phát điện độc đáo này.