1. Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có diện tích nhỏ (căn hộ chung cư có diện tích dưới 75m2) giá bán thấp (dưới 15 triệu/m2 ) như giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Hiệp hội đề xuất cần có sự phân biệt về thuế, tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn giữa các dự án nhà ở thương mại cao cấp và nhà ở thương mại giá thấp và coi đây là chính sách lâu dài nhằm cân đối cung cầu của thị trường BĐS.
2. Tập trung phát triển nhà ở xã hội, cho phép chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang một phần nhà ở xã hội: Hiệp hội trình Chính phủ có chỉ thị cho Ngân hàng nhà nước, từ đề xuất của BIDV, mỗi ngân hàng quốc doanh (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) trích 3% tổng dư nợ hàng năm dành cho phát triển nhà ở xã hội.
3. Hiệp hiệp kiến nghị nghiên cứu sớm thí điểm mô hình Quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở (Mô hình CHLB Đức): cho người thu nhập trung bình, khá; tiết kiệm trung hạn, cho vay trung và dài hạn; có chính sách lãi suất không thay đổi suốt thời gian vay đối với mua nhà ở.
4. Hiệp hội đề xuất thay đổi Tiêu chuẩn xây dựng nhà cao tầng về việc quy định tỷ lệ căn hộ nhỏ, vừa và lớn theo tỷ lệ 1:2:1 vì không phù hợp với thực tế, thay vào đó nên cho phép doanh nghiệp tự cân đối và lựa chọn tỷ lệ phù hợp với nhu cầu của thị trường theo từng khu vực, từng dự án, chỉ kiểm soát trên hệ số sử dụng đất và chiều cao tối đa, tối thiểu và không khống chế chỉ tiêu dân số đối với các vùng ven khu đô thị.
5. Tháng 4/2016, thành phố Hà Nội có văn bản quy định chung cư tại Hà Nội phải có 3 tầng hầm. Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị dừng quy định này vì cho rằng gây ách tắc toàn bộ hoạt động đầu tư các dự án BĐS ở Hà Nội.
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, cần phải xác định rõ quy mô, vị trí, tính chất… của các dự án, công trình khi áp dụng các quy định này và phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của toàn thành phố trong việc bố trí mạng lưới giao thông tĩnh cũng như các khu vệ sinh công cộng.
Mặt khác, các quy định này cần phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành đã được ban hành trước đó như Quy chuẩn xây dựng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành.
6. Để góp phần giải quyết những bất cập, khó khăn của các doanh nghiệp, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân đối với loại hình BĐS căn hộ - khách sạn (Condo - tel), ngày 16/01/2017, Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp với Báo Xây dựng tổ chức Hội thảo “Toàn cảnh thị trường BĐS, phân khúc Condo - tel - Cơ hội và thách thức”. Trong đó, Hiệp hội đưa 8 đề xuất quan trọng: Condo - tel ven biển được xây dựng trên đất ở không hình thành đơn vị ở; Condo - tel ven biển đang được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn 4391:2015như trên thực tế mô hình condo - tel lại gần giống với căn hộ chung cư hơn so với các khách sạn thông thường, do đó condo - tel nên được áp dụng một số quy chuẩn giống như căn hộ chung cư; tạo cơ sở để người mua BĐS nghỉ dưỡng tại các trọng điểm du lịch này được sở hữu lâu dài…
7. Ngày 17/3 vừa qua, Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội BĐS Việt Nam) tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Thị trường căn hộ - văn phòng (Office – tel): Nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ”.
Hội thảo giúp làm rõ khái niệm căn hộ - văn phòng (Office – tel); đưa ra các kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước về việc công nhận loại hình sản phẩm này; đề xuất định hướng xây dựng khung khổ pháp lý để thị trường phát triển thị trường căn hộ - văn phòng (Office – tel) một cách minh bạch và bền vững…
Sau Hội thảo, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ có văn bản kiến nghị đến các cơ quan quản lý Nhà nước có các chỉ đạo và văn bản pháp luật hướng dẫn nhằm tạo điều kiện cho phân khúc sản phẩm căn hộ - văn phòng được phát triển phù hợp với tiềm năng, nhu cầu thị trường và đúng định hướng.