“Sống mòn”
Đi sâu vào con đường nhỏ gập ghềnh, đầy sỏi đá, PV Reatimes tìm tới tổ dân phố 68, 41 thuộc phường Tương Mai (quận Hoàng Mai). Các hộ dân ở đây đều nằm trong diện giải phóng mặt bằng của dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Licogi) làm chủ đầu tư.
Ngày 10/08/2004, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4930/QĐ-UBND thu hồi 351.618m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai (quận Hoàng Mai) giao cho Licogi tổ chức điều tra lập phương án đến bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt.
Tiếp đó, dự án được UBND TP. Hà Nội chấp thuận giao Licogi làm chủ đầu tư thực hiện tại Quyết định số 3649/QĐ-UBND ngày 17/09/2007.
Tại khắp các con đường, ngõ ngách, thậm chí trên tường của nhà dân, rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu được treo lên từ năm 2017 với nội dung: Đề nghị Thanh tra Chính phủ thanh tra lại toàn bộ dự án; Cưỡng chế mà chưa có tái định cư là đuổi dân ra đường;…
Theo các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án, thực tế họ chưa hề nhận được bất cứ phương án tái định cư cụ thể nào. Ngay cả khu nhà tái định cư CT5 của dự án, hiện chỉ có vài cọc bê tông thí nghiệm. Người dân hoang mang sau khi bị thu hồi đất sẽ không biết tái định cư ở đâu. Người dân cho rằng, kể từ khi có quyết định thu hồi đất lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng đến nay, dự án treo 14 năm. Việc này khiến hàng trăm hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án như: Không được nhập hộ khẩu về phường, trẻ em phải học trái tuyến,...
Trao đổi với PV, chị Thảo, một người dân cho biết: “Dân ở đây sống quá khổ. Bao nhiêu năm đằng đẵng trôi qua chúng tôi chưa nhận được phương án đền bù thoả đáng, cũng không thấy được căn nhà tái định cư nào xây nên. Nhà cửa hiện tại thì lụp xụp, xuống cấp nhưng nhất quyết không được tu sửa vì giải phóng mặt bằng”.
Ông Trường Sinh, cũng là một người dân sống tại đây chia sẻ: “Licogi không hề tổ chức họp bàn công khai với chúng tôi. Thêm vào đó, chủ đầu tư này hứa hẹn sẽ mua 50 căn hộ ở Gia Lâm để giúp chúng tôi có nơi ở mới. Tuy nhiên, sau khi tổ chức bốc thăm và dân tìm sang địa chỉ đó thì đã có người ở. Như thế rõ ràng chúng tôi đang bị Licogi lừa dối một cách trắng trợn. Hiện nay, rất nhiều người bị cưỡng chế, thu hồi đất nhưng chưa có nhà để ở”.
Hoặc nếu chưa bị cưỡng chế, thu hồi thì căn nhà cũng đã quá xuống cấp. Trường hợp của anh Nguyễn Thắng cũng là trường hợp điển hình tại đây. Sáu con người chen chúc, sinh hoạt trong một gian nhà đổ nát, xập xệ và rất nguy hiểm. Anh Thắng lo lắng: “Gia đình chúng tôi không biết lúc nào nhà sẽ sập. Mỗi ngày trôi qua tôi đều sống trong bất an. Nhưng chẳng còn cách nào khác vì nếu chuyển đi thì chẳng có nơi nào để nương náu”.
Bên cạnh đó, vì là “đất dự án” nên người dân buộc phải sống cuộc sống gắn liền với giá điện nước cắt cổ. Người dân tự bỏ tiền ra mua công tơ và kéo điện về dùng. 400 hộ dân dùng chung một đồng hồ nước. Chính vì vậy, rất nhiều con người ở đây khổ sở trăm bề, vô vàn những nỗi lo.
Loay hoay tìm đường sống
Người dân cho biết từ năm 2007 đến nay đã cùng ký đơn kêu cứu, gửi đơn thư khiếu nại lên các cấp chính quyền nhưng họ chưa nhận được phản hồi hay sự giúp đỡ nào.
Chị Thuý, một người dân nói: “Chính quyền rất thờ ơ với chúng tôi và đang đứng về phía Licogi. Chúng tôi hiện tại không biết kêu ai, báo cáo với ai. Bởi mười mấy năm qua, chẳng ai quan tâm đến cuộc sống của chúng tôi như thế nào”.
Mỗi ngày trôi qua đối với các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt là một ngày mệt mỏi. Những kiếp người “sống mòn”, vẫn nuôi hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn khi mà mọi vấn đề của họ được giải quyết triệt để.