Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Dự án phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2006 với tổng vốn đầu tư 783 triệu Euro, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được triển khai tại Hà Nội.
Tuy nhiên, phải tới tháng 9/2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội mới được UBND TP. Hà Nội khởi công. Khi đó, tổng mức đầu tư dự án đã được điều chỉnh lên 1.176 triệu Euro, kế hoạch hoàn thành được lùi tới năm 2015. Như vậy, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng 393 triệu Euro (khoảng 10.000 tỷ đồng).
Sau 3 năm, dự án đường sắt đô thị được người dân thủ đô chờ mong vẫn "án binh bất động". Các khu vực có đường sắt, nhà ga chạy qua vẫn chưa được khởi công, chỉ có khu nhà ga trung tâm, nhà điều hành, sửa chữa... bắt đầu được xây dựng trên khu vực rộng 15ha ở Nhổn. Cuối năm 2013, 4 ga trên cao đầu tiên nằm ở quốc lộ 32 mới bắt đầu được xây dựng.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) giải thích dự án đi qua nhiều di tích, khu dân cư, công trình ngầm, nổi dày đặc phải di dời nên việc giải phóng mặt bằng phức tạp. Các ga ngầm chậm được phê duyệt quy hoạch cũng ảnh hưởng tiến độ. Công tác thi công ì ạch tại các gói thầu chính, điển hình là gói thầu số 1 khu depot, chủ đầu tư đã nhiều lần thay đổi đơn vị thi công do năng lực kém, khiến dự án phải lùi thời gian hoàn thành đến năm 2018.
Đến mốc hoàn thành năm 2018, dự án mới thi công được 41% khối lượng công việc. UBND TP. Hà Nội lại phải điều chỉnh tổng tiến độ dự án, kéo dài từ 12/2018 đến cuối năm 2022.
Dự án chậm tiến độ do cả chủ quan và khách quan, như năng lực và kinh nghiệm quản lý của chủ đầu tư đối với dự án lớn còn hạn chế. Công tác quản lý hợp đồng với đơn vị tư vấn Systra còn bất cập. Vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ, dẫn đến chậm trễ thanh toán cho nhà thầu, tiến độ thi công bị ảnh hưởng.
Gần đây nhất, ngày 19/5, MRB cho hay đã trình UBND TP. Hà Nội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Cụ thể, đoạn đường sắt trên cao sẽ khai thác, vận hành trong năm 2022, còn toàn tuyến sẽ vận hành vào năm 2027, hoàn thành quyết toán vào năm 2029. Tổng mức đầu tư dự án được đề xuất là 34.530 tỷ đồng, tăng thêm 4.905 tỷ đồng (202,81 triệu Euro).
Theo lãnh đạo MRB, việc điều chỉnh do có biến động của tỷ giá quy đổi (tiền Euro sang tiền Việt Nam đồng) trong quá trình thanh toán khối lượng xây dựng. Đồng thời, dự án cần điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công, phương án vận hành hai giai đoạn.
Thời gian qua, dự án đường sắt gặp 5 nhóm vướng mắc. Đầu tiên là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài làm chậm trễ, gián đoạn sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu, dẫn đến các gói thầu thiết bị kéo dài và tăng chi phí. Thứ hai là chậm trễ về giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công, điển hình có những gói thầu chậm bàn giao mặt bằng đến 5 - 6 năm so với kế hoạch.
Thứ ba, việc gia hạn thời gian hợp đồng và bổ sung chi phí do việc kéo dài thời gian dẫn đến các tranh chấp với nhà thầu quốc tế, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Việt Nam. Thứ tư là vướng mắc liên quan đến điều chỉnh hợp đồng tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói). Vấn đề khác liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị.
Vì các vướng mắc trên mà đến nay có tới 9/10 gói thầu cần ký kết các phụ lục gia hạn và bổ sung chi phí do kéo dài thời gian.
Tiến độ bàn giao mặt bằng chậm khiến dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội hai lần bị nhà thầu đòi bồi thường. Tháng 7/2020, Công ty TNHH Dealim Hàn Quốc, đơn vị thi công xây lắp đoạn tuyến trên cao (gói thầu CP1) đã yêu cầu bổ sung hơn 400 tỷ đồng (19 triệu USD). Nguyên nhân nhà thầu đưa ra là nhận mặt bằng thi công chậm một năm rưỡi so với cam kết trong hợp đồng, dẫn đến việc phải kéo dài thêm hơn 2 năm thi công.
Giữa năm 2021, nhà thầu liên danh Hyundai - Ghella (HGU) đã yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD do mặt bằng ga S11- Văn Miếu chậm bàn giao. HGU đề nghị chấp thuận thanh toán, nếu không sẽ không thể tiếp tục công việc và tiến hành thủ tục khiếu nại lên trọng tài quốc tế.
Hiện, tiến độ của dự án đạt trên 74% và đoạn trên cao gần 95%. Đoạn tuyến trên cao của dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại vào tháng 12./.