Sang đầu thập niên 1970, dù đất nước còn đang chiến tranh nhưng Nhà nước vẫn tiếp tục xây thêm các khu tập thể mới. Không một tỉnh, thành phố nào trên cả nước có nhiều khu tập thể như ở Hà Nội. Nhiều người gọi các khu tập thể là làng trong phố. Những làng này có nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường phổ thông, có cửa hàng mậu dịch, bách hóa... đáp ứng nhu cầu sống và sinh hoạt của cư dân trong làng.
Tuy nhiên khác với làng ở các miền quê, nơi họ hàng người thân sống quây quần bên lũy tre, từ đời này qua đời khác thì các làng trong phố lại là nơi hội tụ của người dân ở khắp mọi miền. Trong làng có giọng miền Nam, giọng xứ Nghệ hay giọng đầm đầm của dân đồng bằng Bắc bộ. Muốn trở thành cư dân của làng cũng không dễ, phải đáp ứng các tiêu chuẩn do Nhà nước đề ra, phải có chức sắc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Vì thế, những ai được phân nhà đều cảm thấy hạnh phúc vì họ là những công dân đầu tiên được hưởng thành quả ban đầu.
Khu Nguyễn Công Trứ được xây đầu năm 1960. Diện tích mỗi căn hộ chỉ 20m2. Cán bộ cỡ Thứ trưởng được phân 2 phòng. Cán bộ độc thân 2 người một phòng. Anh nào lấy vợ trước thì ngăn đôi bằng tấm cót. Song dù 2 người một phòng hay một gia đình hai phòng thì vẫn phải nấu nướng chung một chỗ, nhà vệ sinh, nhà tắm cũng chung nhau. Khu đất này trước đó là nơi dành riêng để chôn cất người Pháp nên còn được gọi là nghĩa địa Tây.
Cuối khu tập thể hiện vẫn còn nhà quàn, phía dưới là hầm quàn. Thời kỳ Mỹ ném bom Hà Nội, dân khu tập thể và cả dân ở khu vực chợ Trời không đi sơ tán vẫn xuống đây tránh bom. Thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, mỗi lần trời mưa to, đám con gái lại dầm mưa đi tìm hạt cườm về xâu làm dây đeo cổ. Sở dĩ ở đây có hạt cườm vì hoa tang xưa còn kết cả hạt này. Khi vòng hoa héo, hạt cườm rơi xuống, lẫn vào trong đất. Khi mưa đất trôi nên hạt cườm nổi lên.
Khu C tập thể Kim Liên cũng được xây trong thời kỳ này. Trước mặt nhiều dãy vẫn còn ao và ruộng lúa, buổi tối mọi người không dám ra ngoài. Khoảng cách giữa hai dãy rất xa nhau tạo ra sân rộng. Ngoài trồng cây lấy bóng mát còn là sân chơi cho trẻ con. Không có sức khỏe không thể bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội nên ban quản lý cho kê bàn bóng bàn bằng granito, xà đơn, xà kép bằng hai ống thép để thanh niên rèn luyện.
Tuy nhiên, việc xây 2 dãy nhà xa nhau còn một lý do khác. Các chuyên gia xây dựng Triều Tiên tính toán, nếu Hà Nội xảy ra động đất thì hai dãy nhà dù có đổ ụp vẫn còn khoảng trống và người dân ở khoảng trống đó sẽ an toàn tính mạng. Các chuyên gia Triều Tiên cũng tính toán, cả gia đình miền Bắc sẽ ra ăn tại nhà ăn tập thể, vì thế 4 hộ chỉ cần chung một bếp và bếp này chủ yếu dùng để đun nước uống.
Và 4 nhà chung nhà tắm và khu phụ vì đã đi vệ sinh ở nơi làm việc. Cũng như khu tập thể Nguyễn Công Trứ, cán bộ được phân phải đáp ứng tiêu chuẩn do Nhà nước đề ra. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà thơ Phạm Hổ được phân nhà ở khu C Kim Liên.
Đầu những năm 1970, Nhà nước bắt đầu xây khu Trung Tự, Yên Lãng, Trương Định. Để tiến độ xây dựng nhanh hơn, người ta không xây tường bằng gạch mà ghép các tấm bê tông đã đúc sẵn. Bất cập trong việc chung chạ công trình phụ của các khu tập thể được xây trước đó đã được khắc phục.
Mỗi căn hộ có bếp, công trình vệ sinh riêng đảm bảo tính riêng tư cho mỗi gia đình. Bài hát “Những ánh sao đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là lấy cảm hứng từ xây dựng khu Trung Tự. Khi đó ông sống ở tập thể văn nghệ sĩ 96 phố Huế. Buổi tối trèo lên sân thượng khu nhà nhìn về phía Nam thành phố, ông thấy ánh điện sáng từ các cần cẩu bê tông và bài hát ra đời.
Dù các khu Trung Tự, Vĩnh Hồ, Thành Công hay Giảng Võ khắc phục được một số bất cập nhưng lại phát sinh bất cập khác. Nhà có người mất không thể khiêng quan tài ra ngoài vì cửa quá hẹp, đành đặt áo quan ở khu đất trống giữa hai dãy nhà. Vì tường bằng bê tông nên muốn treo giấy khen, bằng khen cũng chịu vì không đóng được đinh.
Quan niệm tương lai cán bộ công nhân sẽ đi làm bằng xe buýt nên người ta cũng không thiết kế nhà để xe. Nhà đã chật lại còn phải nhét thêm xe đạp nên càng chật hơn. Lạ lùng là dù chật chội, bất tiện trong sinh hoạt nhưng không thấy ai kêu ca. Và cuộc sống ấy đã tạo ra nếp sống tập thể, biết nhường nhịn và tôn trọng nhau. Mọi người tự giác dọn vệ sinh cầu thang theo lịch.
Các làng trong phố dần đổi khác, nhu cầu bức bách trong sinh hoạt gia đình buộc họ phải cơi nới, làm chuồng cọp, lấn chiếm đất tầng 1 làm nhà trông giữ xe máy hay mở cửa hàng. Các khu tập thể từng là niềm tự hào một thời trở nên nhếch nhác, méo mó. Và một mô hình nhà tập thể mới xuất hiện vào những năm cuối 1990 được gọi là chung cư. Không còn chế độ phân nhà, ai có tiền thì mua. Chất lượng cuộc sống ở chung cư tốt hơn nhiều so với khu tập thể.
Những ngôi làng trong phố ra đời từ hơn nửa thế kỷ hiện vẫn còn nhưng có lẽ nó đã hoàn thành sứ mạng lịch sử. Nên thay những ngôi làng này bằng chung cư kiểu mới. Tuy nhiên, nên giữ lại một hai khu vừa làm bảo tàng, vừa làm sản phẩm du lịch và cũng là bài học trực quan cho thế hệ sau về phát triển đô thị.