Aa

Những "ngòi nổ" sẽ kích hoạt thị trường địa ốc khu vực sân bay Long Thành

Thứ Tư, 27/06/2018 - 06:01

Theo quy hoạch giao thông phía Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 3 tuyến đường cao tốc được xem là “cửa ngõ” cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay quốc tế Long Thành) sau này gồm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết và Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo tìm hiểu, đến nay mới có tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (giai đoạn 1) đi vào hoạt động, 2 dự án còn lại đang chờ đầu tư. Theo Công ty CP dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECE) - đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra tại 3 điểm là nút giao An Phú, cầu Long Thành và nút giao giữa đường cao tốc với quốc lộ 51.

Lãnh đạo VECE cho hay đã đưa ra phương án về lâu dài cần đầu tư thêm một nhánh cầu Long Thành, mở rộng từ tuyến đường vành đai 2 đến quốc lộ 51 lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Đơn vị này cũng kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sớm cho đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để chia sẻ  lưu lượng xe cho quốc lộ 51 khi đó mới giảm được ùn tắc.

Không chỉ VECE kiến nghị, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai thời gian qua cũng nhiều lần kiến nghị với Bộ GTVT sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đặc biệt khi xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành thì tuyến đường cao tốc này trở nên rất quan trọng do kết nối các khu công nghiệp với sân bay và cảng biển.

Ảnh: CafeF

Ảnh: CafeF

Theo đó, trong điều chỉnh quy hoạch vùng, TP.Biên Hòa là đô thị loại I; huyện Nhơn Trạch là đô thị loại II; huyện Long Thành, Trảng Bom là đô thị loại III. Trong tương lai, TP.Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch là những cực quan trọng trong phát triển đô thị của Đồng Nai. Những khu vực trên phát triển sẽ thúc đẩy các vùng lân cận khác trong tỉnh và góp phần lớn trong  phát triển xây dựng đô thị vùng TP.HCM.

Do đó, dự kiến trong tháng 6/2020 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được khởi công, thì những dự án giao thông quan trọng khác kết nối từ đây với nhiều địa phương khác phải được đầu tư xây dựng trước một bước.

UBND TP.HCM cũng cho hay, ngay cả khi Đồ án quy hoạch vùng TP.HCM sửa đổi cũng chưa đề cập đúng mực về kết nối giao thông, nhất là giao thông đường sắt. Trong khi đó, muốn phát triển được kinh tế vùng thì phải ưu tiên hệ thống đường sắt. song song với các tuyến cao tốc đã và đang được xây dựng. 

Hiện nay, TP.HCM đang cùng các tỉnh, thành phố trong vùng cùng tiến hành nghiên cứu các dự án kéo dài tuyến đường sắt để có cơ sở trình Bộ GTVT. Việc hình thành những tuyến đường sắt này có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành trong Vùng.

Chẳng hạn, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ lâu cũng đang manh nha một dự án giao thông liên kết vùng “khủng” khác. Đó là dự án xây dựng tuyến đường sắt Tân Sơn Nhất – Long Thành, nằm trong quy hoạch mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Trong đó, theo UBND TP.HCM hiện việc kết nối giao thông từ TP.HCM đến sân bay Long Thành tương lai chủ yếu qua tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có khả năng ùn tắc. Vì vậy cần nghiên cứu xây dựng sớm tuyến đường sắt nhẹ Tân Sơn Nhất – Long Thành.

Trong tương lai, tuyến đường sắt này sẽ trở thành một trong những điểm kết nối trọng điểm và xuyên suốt của toàn tuyến đường sắt Bắc – Nam, sẽ tiếp tục được đầu tư kéo dài từ TP.HCM đến TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và TP. Cần Thơ.

Đáng chú ý, tại cuộc họp gồm đại diện các sở GTVT Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới đây, dự án có tính chất liên Vùng quan trọng kỳ vọng sẽ được đầu tư sớm là tuyến đường Vành đai 3. Đường vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và điều chỉnh từ năm 2013.

Theo đó, Tuyến đường này dài 89,3 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An theo lộ trình bắt đầu từ Bến Lức, chạy dọc cao tốc Bến Lức – Long Thành đến Nhơn Trạch, Tân Vạn, Bình Chuẩn, Quốc lộ 22 và kết thúc tại Bến Lức. 

Đường Vành đai 3 được chia làm 4 đoạn. Cụ thể, đoạn 1 Nhơn Trạch (Đồng Nai) – Tân Vạn (TP.HCM) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 23.600 tỷ đồng; đoạn 2 Mỹ Phước – Tân Vạn đang được tỉnh Bình Dương đầu tư với tổng vốn giai đoạn 1 khoảng 3.500 tỷ đồng; đoạn 3 Bình Chuẩn (Bình Dương) - Quốc lộ 22 (TP.HCM) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.800 tỷ đồng; đoạn 4 Quốc lộ 22 – cao tốc TP.HCM – Trung Lương (TP.HCM) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.500 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết cần phải xúc tiến nhanh dự án đường Vành đai 3 với sự kết hợp chặt chẽ các địa phương, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu công tác này không làm quyết liệt thì dự án sẽ chậm tiến độ. 

Song song đó, theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thành phố đang cân đối nguồn lực để triển khai các dự án hạ tầng trên tinh thần ứng vốn làm trước, hoàn vốn sau. Sắp tới, Sở GTVT thành phố sẽ cung cấp danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư hoặc khởi công mới cho thành viên trong Vùng biết, chủ động phối hợp, nhất là trong giải phóng mặt bằng.

Nói về triển vọng thị trường địa ốc của khu vực này nhờ “ăn theo mạng lưới giao thông quy mô khá lớn như trên, một chuyên gia nghiên cứu của công ty TNHH CBRE Việt Nam khẳng định rằng vùng tứ giác BĐS mới tại những khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành sẽ được xây dựng trong tương lai chắc chắn có thật. Nhiều nhà đầu tư cũng đang ví khu vực này là "Đông Sài Gòn" mới bởi đang thu hút một lượng lớn vốn vào thị trường địa ốc.

Mặc dù, theo kế hoạch dự kiến đến năm 2025 giai đoạn 1 của dự án mới được đưa vào vận hành thương mại, nhưng trong 2 năm trở lại đây thị trường BĐS của vùng “tứ giác” này đang bước vào một cuộc cạnh tranh rất gay gắt.

Theo đó, vùng tứ giác BĐS mới này bao gồm Long Thành – Nhơn Trạch – Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An – Thủ Dầu Một (Bình Dương) và quận 2, 9, Thủ Đức (Tp.HCM) và một phần tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là khu vực có tốc độ phát triển các dự án BĐS ở nhiều phân khúc lớn nhỏ sôi động nhất tại phía Nam trong thời gian tới.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của CBRE, cho rằng việc hình thành nên một điểm “cực nóng” mới trên thị trường là không tránh khỏi, bởi vì một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS tăng trưởng mạnh nhất thì cơ sở hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, đi cùng với “điểm nóng” mới bao giờ cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Do khu vực này vẫn chưa được kiểm soát tốt nên sẽ xuất hiện những yếu tố tiêu cực nhiều hơn.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top