Aa

Những người bán hàng rong

Thứ Năm, 16/05/2019 - 06:00

Tôi lên xe đạp đi. Được một lúc lại ngóng một tiếng rao mới. Ngóng một khuôn mặt hồ hởi mới, một anh hay chuyện khác với chiếc Honda chở hàng lặt vặt đằng sau.

Năm ngoái, chúng tôi bắt đầu đạp xe xuyên Việt bằng chặng đường rời Hà Nội đi theo đường Hồ Chí Minh. Càng đi, đường càng vắng xe cộ. Qua Ninh Bình, Thanh Hóa giữa trời nắng rát. Luôn gặp những chiếc xe tải nhỏ, chạy rất chậm, trên xe có gắn loa. Đến chỗ có nhà cửa, xe ô tô đó chạy còn chậm hơn xe đạp. Loa phát đi lời rao được ghi âm sẵn: "Vôi xây nhà, vôi đổ ao, vôi đổ chuồng lợn, vôi tốt vôi rẻ…đơi…". Đó là xe bán vôi. Lúc nữa lại một xe khác chạy cùng phong cách, nhưng tiếng loa thì khác: “Chiếu đẹp đây. Chiếu đôi, chiếu đơn, chiếu hoa, chiếu trơn đây…”. Cứ như thế, dọc con đường quốc lộ, các cửa hàng di động cứ một quãng lại gặp. Thỉnh thoảng, ai đó từ nhà ven đường giơ tay vẫy, thế là xe dừng lại. Cánh cửa sau mở ra, cuộc chọn lựa, mua bán bắt đầu.

Trên các chặng đường Nam Bộ, không thấy những chiếc xe bán hàng kiểu này. Mà rất nhiều người đàn ông chạy xe Honda, chở đằng sau một hai cái sọt. Và vẫn là tiếng ghi âm phát qua loa. “Chanh 10 ngàn một chục, hai chục 15 ngàn cô bác ơi”... rồi thì thơm, tỏi, mọi đồ lặt vặt khác. Tôi nhận ra ở chặng đường ngoài Bắc người ta bán lưu động những vật liệu, đồ dùng. Còn trong Nam, bán di động thường là đồ ăn, gia vị…

Một xe ô tô nhỏ bán hàng rong ở Nam bộ.

Một xe ô tô tải nhỏ bán hàng rong ở Nam bộ.

Và cái khác lớn hơn là thế này: Người chạy xe Honda bán hàng trong Nam đi kiểu khác. Anh ta không bỏ qua bất cứ chuyện gì trên đường. Gặp cảnh người ta đang bắt rắn trên đồng, anh ta dừng lại và hăng hái tham gia tư vấn cách nào để bắt được rắn nhanh nhất. Có lần chúng tôi vướng vào một vụ ngã xe. Một chiếc Honda rẽ ngoặt ngay trước mũi xe đạp của người bạn tôi. Người bạn phải gấp vòng xe theo chiều ngoặt của chiếc xe máy. Một chiếc xe máy, chồng chở vợ và con đi ngay sau cũng phải phanh gấp để khỏi xô vào xe đạp. Gặp chỗ đường vừa rải đá dăm nên xe ngã. Anh chồng bị rách quần, sước đầu gối. May hai mẹ con không sao. Người bán hàng rong dừng lại và hăng hái phân tích tình huống, phân xử nguyên do. “Chú đi xe đạp hổng có lỗi. Lỗi tại ông chạy Honda”.

Đến đất mũi Cà Mau thì hai bạn tôi kết thúc chuyến xuyên Việt, quay ra Bắc. Nhưng tôi thì đi tiếp. Đi một mình, tôi càng gắn kết với những anh bán hàng lưu động trên xe Honda. Cái hay là tôi luôn gặp họ. Trên chặng đường trăm cây số vắng vẻ xuyên qua U Minh Thượng, U Minh Hạ về Kiên Giang, cứ một lúc lại có một người rà rà chạy ngang. Thường thì họ vặn tắt loa, rồi rà rà đi bên tôi hỏi chuyện. Kêu “Chèng đất ơi” khi tôi nói đạp từ Hà Nội vào. Rồi ngoắc một người khác, hồ hởi thông tin: "Ổng đạp xe từ Hà Nội vô tận đây nè!”. Thế là thành hai người đi Honda chậm bên tôi nói chuyện. Đủ thứ trên trời dưới biển. Có lúc, đạp xe dưới nắng mệt quá, tôi không nói ra câu. Nhưng không thấy cô đơn nữa.

Đi đến giữa khu vực đồng ruộng U Minh thì gặp mưa như xối. Chưa bao giờ gặp mưa to đến cỡ này suốt hai ngàn kilomet đã đạp xe qua. Chỗ đó không có nhà cửa nào để ghé tránh. Dù đã choàng áo mưa, tôi vẫn ướt từ đầu đến chân. May nhìn thấy một cái chòi cất trên mặt nước ruộng ven đường, tôi lao vào trú. Bỏ áo mưa, cởi cả áo phông vắt nước. Nửa ngày nắng rát người như bị rang trên đường nhựa, bây giờ lại lạnh. Mặc lại áo rồi phải mặc luôn cả áo mưa lại, lần này là cho ấm. Được lúc thì phóng vào trú một người đi Honda, lại cũng là bán hàng lưu động. Suốt hai giờ đồng hồ tôi và anh ta đứng trong cái chòi ấy đợi mưa dừng.

Anh ta chỉ xuống nước, nói, cữ này dứt mùa nuôi tôm nuôi cua rồi mới cho lúa mọc được. Tôi hỏi, sao không nuôi tôm cua, đi bán hàng sao có nhiều tiền được. Thế là anh ta nói cho tôi nghe cả một lịch sử làm ăn của mình. Đại khái có ruộng nuôi thủy sản nhưng “Hổng có duyên”. Bị mấy vụ tôm cua chết nên cụt vốn. "Chạy bán hàng cho khỏe, khỏi lo vốn. Ít nữa hết tiếc rồi quay lại làm ruộng, nuôi con này con kia”. Mà chạy xe bán hàng thế này giờ thành ham. Ngoài đường vui hơn. Kể chuyện thất bát mà cười rổn rảng. Dĩ nhiên là tôi hiểu cái vui của những ông này. Làm cảnh sát giao thông, làm luôn quan tòa xử các vụ cãi cọ ven đường. Có khi ông ấy nuôi tôm cua thì hỏng nhưng sẵn sàng tư vấn miễn phí cho mọi chủ đìa nuôi ven đường nữa chứ.

Rồi quay sang chuyện vợ con, bố mẹ. Vốn mê những câu chuyện về rừng U Minh từ bé qua sách truyện, tôi hỏi anh ta về khu vực này. Cả một bồ chuyện về xứ này ập lên đầu tôi. Anh này từ nhỏ chưa đi đâu ra khỏi xứ này. Đừng nói đến Sài Gòn, mà Cần Thơ anh ta cũng chưa biết. Bù lại, kể về xứ Kiên Giang của mình thì rất hay, cái gì cũng biết. Anh ta nói lúc nào vay được vốn, nuôi tôm cua trúng, sẽ mua vé đưa vợ con “Ra Hà Nội chơi cho biết”. Tôi nói cứ chạy xe Honda này ra Hà Nội cũng vui. Chạy đến đâu mua đồ rồi bán lưu động. Thoạt đầu anh đồng ý, nhưng rồi lắc đầu: "Ra ngoải tui hổng biết bán gì thì người ta mua”.

Khi trời ngớt mưa, tôi phải giục, anh ta mới rời chỗ trú, lại vặn cái loa và đi. Xa tít tắp còn vọng tiếng: “Tỏi lớn tỏi lớn đây, cô bác ơi…”.

Tôi lên xe đạp đi. Được một lúc lại ngóng một tiếng rao mới. Ngóng một khuôn mặt hồ hởi mới, một anh hay chuyện khác với chiếc Honda chở hàng lặt vặt đằng sau. Đôi lúc, cảm thấy cần có những người bạn như vậy. Họ như truyền cho mình một triết lý sống rất nhẹ nhõm: Ra đường vui mà, bán ít chanh ít tỏi là có cơm có cá ăn rồi, mắc chi phải nghĩ ngợi nhiều!

Mà đúng thế thật. Vui mà!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top