Aa

Chuyện từ một người Mỹ...

Thứ Năm, 09/05/2019 - 06:00

Ngày đoàn chúng tôi rời Iowa, anh cựu binh Mỹ đến đợi ở cửa khách sạn để chào tạm biệt. Tôi có cảm giác anh ta sắp khóc. Xe rời đi, nhìn lại, tôi thấy dáng anh ta thật cô đơn...

Năm 1997, tôi lần đầu tiên sang đất Mỹ, trong đoàn đi do Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị lập, và đi trong khuôn khổ một chương trình làm khách đến các gia đình người Mỹ.

Chúng tôi đến vùng Trung Tây. Tại bang Iowa, vào ngày thứ hai, có một người Mỹ đến gặp. Anh ta chừng 45 tuổi, cao lớn, hơi béo, có khuôn mặt không phải của một người đàn ông trung niên, mà như của một thanh niên vẫn hồn nhiên, chân chất.

Đó là một người từng có mấy năm làm lính ở chiến trường Việt Nam, ở khu vực gần Đà Nẵng. Hết hạn quân dịch, anh ta may mắn được về nhà, nguyên vẹn. Chỉ có điều anh ta không có việc gì làm. Nói đúng ra thì việc luôn có, và anh ta đã thử làm nhiều lần. Nhưng không có việc nào làm lâu được. “Tôi bị bệnh mất tập trung. Lúc nào cũng thấy hiện lên những ngày ở Việt Nam”. Khi ở chiến trường, anh ta hầu như chỉ trong căn cứ. Lính thông tin gì đó. Nhưng những gì xảy ra xung quanh mà anh ta biết cũng đủ khiến không dứt ra khỏi các hồi ức.

Về quê, tại Iowa, anh luôn tìm cách gặp người Việt. Cũng có một cộng đồng người Việt sinh sống ở thành phố De Moines này, họ đều biết anh. Nhưng đó là người Việt đã sống ở Mỹ, thì như anh ta nói, cũng giống anh sống thôi. Họ - những người Việt đó - rất bận bịu vì cuộc sống, công việc. Anh thường rất vui khi họ chia sẻ thời gian rỗi ít ỏi của họ với anh.

Gần đây, có nhiều đoàn người Việt từ Việt Nam sang. Bất cứ đoàn nào sang anh ta cũng đến và xin gặp. Phải nói lúc đầu chúng tôi cũng hơi nghi ngại. Sao lại có người đến chỉ để đi theo? Nhưng rồi chúng tôi thấy cũng chẳng có gì phải ngại.

Những cảnh tượng như thế này còn ám ảnh các cựu binh Mỹ rất lâu nữa.

Những cảnh tượng như thế này sẽ còn ám ảnh các cựu binh Mỹ thời gian rất lâu nữa.

Anh ta luôn rụt rè, ít nói. Nếu có ai trong đoàn nói chuyện với anh ta, thì mặt anh rạng rỡ hẳn lên. Anh ta chỉ lái xe đi theo đoàn, rất vui khi chúng tôi hỏi anh ta về điều gì đó khi đi tham quan chỗ này, chỗ kia.

Anh ta rõ ràng là không sung túc gì. Chiếc xe của anh rất cũ. Có những lúc xe của chúng tôi đi lên đường cao tốc, vậy là anh ta lại phải chọn đi đường khác để rồi cũng đến chỗ tham quan. Té ra xe của anh là xe mua ngoài bãi, chưa đến ngàn đô. Xe đó vẫn đi được, nhưng theo luật bên đó xe như vậy không được đi trên đường cao tốc.

Không thể kiếm được việc gì làm, có đến mấy năm người cựu binh này thất nghiệp. Rồi cũng kiếm được một việc làm. Anh ta biết chơi đàn, ở mức tạm được. Và có một nhà thờ thuê anh đệm đàn cho dàn đồng ca. Hoặc đệm trong buổi lễ, hoặc khi người ta tập hát. Mỗi tuần anh ta đến nhà thờ vài lần để đệm đàn. Mỗi tháng anh ta được trả đâu khoảng một ngàn USD. Với người Mỹ, sống với số tiền như thế chẳng dư dả gì. Nhất là khi phải trả tiền thuê hay mua nhà trả chậm.

Vài người chúng tôi nhận lời ghé qua nhà anh. Anh sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ. Được cái ở miền Trung Tây này không gian êm đềm, nhà nào cũng có cây, có thảm cỏ trước mặt. Cảm giác là cái nhà gọn gàng sạch sẽ, nhưng như thể không có hơi ấm. Thậm chí dường như không thấy có một cái gian bếp theo đúng nghĩa. Có lẽ anh ta chỉ ăn đồ nguội.

Thứ duy nhất trên tường là vài bức hình chụp ở Việt Nam. Những cảnh chụp vụng về, không có gì đặc biệt, không ra ảnh phong cảnh, cũng không có gì chọn lọc, chỉ là vài cảnh tượng sinh hoạt bình thường. Đó là ảnh anh ta chụp trong những năm ấy. Anh ta rất vui khi có khách, nhưng luống cuống vì không biết làm gì để tiếp khách như anh muốn.

Mỗi lần gặp người Việt, nhất là những người từ Việt Nam sang, thì như anh nói, anh được giải phóng khỏi những hồi ức ám ảnh. “Chỉ gặp người Việt, tôi mới quên được những ngày tháng làm lính ở Việt Nam”. Bạn cùng đi trong đoàn của tôi, là một đại tá, khuyên anh nên lấy vợ. Khi đó cuộc sống sẽ khác. Người đàn ông Mỹ gật đầu cười. Nhưng tôi có cảm giác không chắc anh làm được điều đó.

Ngày đoàn chúng tôi rời Iowa, anh cựu binh Mỹ đến đợi ở cửa khách sạn để chào tạm biệt. Tôi có cảm giác anh ta sắp khóc. Xe rời đi, nhìn lại, tôi thấy dáng anh ta thật cô đơn.

Những ngày trên đất Mỹ, hai chúng tôi - tôi và người bạn là sĩ quan - ở nhà hai ông bà trí thức Mỹ. Tôi được xếp ở phòng cũ của con trai họ, giờ đã có gia đình, đang sống ở thành phố khác. Người Mỹ thường giữ nguyên phòng của con họ như hồi chúng còn nhỏ. Trong phòng còn nguyên vẹn quần áo, sách vở, đồ chơi, đồ kỷ niệm. Tôi đọc những quyển sách giáo khoa lịch sử của cậu con trai khi còn học phổ thông. Tôi khá bất ngờ khi thấy phần về chiến tranh Việt Nam chiếm số trang có lẽ nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào của lịch sử nước Mỹ.

Tại sảnh một ngân hàng Mỹ, nơi chúng tôi đến tham quan, có biểu đồ mô tả thăng trầm của ngân hàng. Tôi thấy có một mốc ghi là TET. Hỏi thì mới biết có nghĩa là thời điểm Tết Mậu Thân 1968. Còn khi đến bảo tàng cựu chiến binh của bang Iowa (một dạng như bảo tàng chiến tranh), mỗi giai đoạn, mỗi cuộc chiến là một gian rộng. Người hướng dẫn thuyết minh rất tỉ mỉ các gian trưng bày. Bước sang một căn phòng lớn, đập vào mắt chúng tôi là mô hình một chiếc trực thăng to như thật rơi vướng vào các ngọn cây nhiệt đới. Đó là gian về chiến tranh Việt Nam. Người hướng dẫn nói: “Tiếp theo là thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Đó là một giai đoạn rất, rất nặng nề...”. Rồi ông ta đi qua gian này, không nói thêm một lời.

Vết thương trong lòng nước Mỹ về cuộc chiến Việt Nam rất sâu, ít ra là đến thời điểm mà tôi sang Mỹ lần đầu tiên đó. Dĩ nhiên khó có thể sánh với phía chúng ta, và hai cái khác nhau. Nhưng có lẽ người Việt Nam chúng ta cũng không hình dung hết vết thương ấy của nước Mỹ khó lành như thế nào.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top