Aa

Những người lính truyền tải điện đi xuyên lũ

Thứ Sáu, 06/11/2020 - 10:30

Tại các tỉnh miền Trung, lũ lụt, sạt lở làm nhiều khu vực bị chia cắt, gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân các địa phương, trong đó lưới truyền tải điện cũng bị ảnh hưởng hư hỏng trong thời gian vừa qua.

Năm nay tính từ cơn bão số 5 đến số 10 cùng nhiều đợt áp thấp nhiệt đới xảy ra liên tiếp gây mưa lũ lớn trên diện rộng, liên tiếp nối nhau đi vào đất liền nước ta gây ra nhiều đợt lũ quét, ngập lụt trên các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, nhiều nơi do lụt, sạt lở làm nhiều khu vực bị chia cắt, gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân các địa phương, trong đó lưới truyền tải điện cũng bị ảnh hưởng hư hỏng do mưa lũ gây ra trong thời gian vừa qua.

Ông Nguyễn Sỹ Thắng - Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh chỉ đạo thay dây siêu nhiệt đường dây 220kV Hà Tĩnh - Formosa

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh thuộc Bắc miền Trung chịu nhiều cơn bão và hoàn lưu sau bão với lượng mưa lớn lên đến 700 - 1.000mm, nhiều nơi lũ dâng cao chia cắt nhiều địa phương, đường Quốc lộ bị ách tắc. Trong bối cảnh chung ấy, hệ thống đường dây 500kV, 220kV và trạm biến áp 500kV do Truyền tải điện Hà Tĩnh quản lý vận hành chủ yếu đi qua nhiều sông suối chia cắt, địa chất đất không ổn định nên chịu tác động rất lớn khi xảy ra mưa bão.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong năm 2020, thời tiết những tháng cuối năm tiếp tục có những diễn biến phức tạp và bất thường, số lượng các cơn bão đổ bộ nhiều, lũ lụt kéo dài, mực nước dâng cao nên có nhiều nguy cơ uy hiếp đến vận hành an toàn lưới điện. 

Xác định việc bảo đảm vận hành an toàn lưới truyền tải điện Quốc gia là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của Truyền tải điện Hà Tĩnh nói riêng cũng như Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) nói chung, ngay từ đầu năm nay, Truyền tải điện Hà Tĩnh đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng, thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), tổ chức triển khai nhiều phương án diễn tập tại cơ sở. 

 Đầu mùa mưa, Truyền tải điện Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó chủ động phương châm “4 tại chỗ”; chủ động ký kết phương án phối hợp PCTT&TKCN với các đơn vị liên quan chính quyền địa phương, các xã có tuyến đường dây đi qua, các công ty có phương tiện cơ giới, các đơn vị truyền tải điện lân cận... Đồng thời, phối hợp với lực lượng hợp đồng bảo vệ đường dây trong công tác kiểm tra thông tin trên tuyến.

Ông Nguyễn Sỹ Thắng - Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh chỉ đạo thay dây siêu nhiệt đường dây 220kV Hà Tĩnh - Formosa

Ông Nguyễn Sỹ Thắng - Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh cho biết: Trong mưa bão, đơn vị đã chỉ đạo các bộ phận trực thuộc huy động 100% lực lượng, ứng trực 24/24h để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, luôn chủ động nắm bắt thông tin dự báo thời tiết và lập kế hoạch ứng phó để triển khai kịp thời, phòng chống các cơn bão lũ tại các trạm biến áp và một số vị trí đường dây xung yếu. Các đội quản lý đường dây khẩn trương kiểm tra tuyến, hoàn thành nạo vét mương thoát nước, khơi thông dòng chảy, gia cố đường công vụ, phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống sự cố có thể xảy ra. Những vị trí cột ở trên đồi cao, sườn dốc cũng cần tập trung chống sạt lở.

Qua thông kê, trong đợt lũ vừa qua đường dây 500kV: Nho Quan - Hà Tĩnh; Hà Tĩnh - Nho Quan 2 có nhiều đoạn bị ngập sâu từ 0,7 - 2,5m; đường dây 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh 2 các vị trí 844, 845, 866, 872, 873 bị sạt lở nặng, các vị trí từ 769 - 773 đường vào tuyến bị xói lở hư hỏng 15 điểm; riêng tại 770 - 771 đường công vụ bị sạt lở khoảng 200m3; đường dây 500kV Hà Tĩnh - Vũng Áng vị trí 25, 40, 47 cũng bị sạt lở mạnh. Các đường dây 220kV Vinh - Hà Tĩnh 1,2; Hà Tĩnh - Vũng Áng - Ba Đồn - Đồng Hới bị ngập 0,5m - 1,7m; trụ sở đơn vị Truyền tải điện cũng bị ngập sâu 0,7 - 1m; đặc biệt trụ sở đội TTĐ Hà Tĩnh bị ngập sâu 1,3m.

Để đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải vận hành trong mùa mưa lũ, từ ngày 27/10 đến 02/11/2020 Truyền tải điện Hà Tĩnh đã cắt điện sửa chữa đường dây 220kV Hà Tĩnh - Formosa. Đơn vị đã kiểm tra phụ kiện dây dẫn, dây chống sét, đầu cốt lèo dây dẫn, dây chống sét, cáp quang, vệ sinh cách điện các cột néo, cột đỡ 119 vị trí. Thay cách điện dây dẫn bị vỡ 03 vị trí, thay và chỉnh chống rung chống sét 06 vị trí, lắp lèo phụ chống phát nhiệt tiếp xúc đầu lèo 12 vị trí... Giám sát thi công công trình xử lý khoảng cách pha đất khoảng cột 123 - 124 và thay dây dẫn khoảng néo 123 - 135 đường dây Hà Tĩnh - Formosa do Công ty cổ phần Xây dựng điện Vneco 4 thi công. Tiếp đó Truyền tải điện tiếp tục thi công các công trình thay dây siêu nhiệt thí điểm các khoảng cột 31A - 35; 143A - 150 đường dây 220kV Hà Tĩnh - Formosa.

 Công tác sửa chữa, kiểm tra đường dây 220kV Hà Tĩnh – Formosa trong mùa bão lũ

Tại trạm biến áp 500kV Vũng Áng và Hà Tĩnh, đơn vị đã thay tủ nguồn AC, tủ truyền tự động dao cách ly (DCL) 110kV, 220kV, thí nghiệm hiệu chỉnh hệ thống mạch nhị thứ và nghiệm thu tín hiệu SCADA sau lắp đặt. Tháo dỡ các lá nhôm mềm dẫn điện giữa các cánh và tay DCL loại 2000A. Thí nghiệm hiệu chỉnh đo điện trở tiếp xúc. Thi công sửa chữa hệ thống rơ le bảo vệ so lệch thanh cái 220kV - C19, dỡ hệ thống rơle bảo vệ SLTC220kV, thu hồi cáp nhị thứ, mua sắm, lắp đặt, đấu nối hệ thống bảo vệ SLTC220kV mới, thí nghiệm hiệu chỉnh hệ thống bảo vệ SLTC220kV....

Đối với những người thợ truyền tải điện, việc bảo đảm vận hành an toàn thông suốt trong mùa mưa,bão, lũ, đảm bảo cung cấp điện điện an toàn liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ then chốt. Với tinh thần trách nhiệm, những người thợ truyền tải điện đã xuyên qua mưa lũ, vượt mọi khó khăn, phấn đẫu đảm bảo dòng điện thông suốt phục vụ như cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top