Đến ngày 10/7, các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức mở thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư cho 7/8 dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam theo hình thức công tư (PPP). Đó là các dự án: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Hiện chỉ còn dự án Phan Thiết - Dầu Giây chưa tổ chức sơ tuyển lựa chọn.
51 hồ sơ của nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, trong đó 36 hồ sơ của doanh nghiệp, liên danh nước ngoài, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc; chỉ hai nhà đầu tư đến từ Pháp. Một số nộp hồ sơ vào nhiều dự án, ví dụ Công ty Cơ khí Cảng Trung Quốc dự thầu hai dự án Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.
Trong số nhà đầu tư nước ngoài, có một số doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, như: Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Daewoo từng xây dựng tòa nhà văn phòng, thương mại Daeha; Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Lotte từng xây dựng tòa nhà thương mại Lotte ở Hà Nội và tham gia một gói thầu tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Hyundai từng xây nhiều cao tốc và đường sắt cao tốc tại Hàn Quốc.
Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (công ty mẹ của Công ty TNHH Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, đơn vị tổng thầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông), Tập đoàn Cầu và Đường Trung Quốc từng tham gia nhiều công trình tại Trung Quốc... cũng nộp hồ sơ dự thầu.
Theo đại diện một số Ban quản lý dự án (đơn vị sơ tuyển nhà đầu tư), số lượng doanh nghiệp, liên danh đầu tư cao tốc Bắc Nam khá đông thể hiện sự quan tâm của nhà đầu tư đối với hạ tầng giao thông Việt Nam, khiến dự án có tính cạnh tranh cao. Trong 30 ngày tới, các ban quản lý dự án sẽ chấm điểm hồ sơ sơ tuyển theo những tiêu chí đã công bố.
"Chúng tôi chấm hồ sơ đảm bảo chính xác, sau đó công khai kết quả. Danh sách này còn được nhiều cơ quan thẩm định", đại diện Ban quản lý dự án 6 nói.
Mỗi dự án cao tốc sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư để vào vòng đấu thầu, được tính theo thang điểm từ cao xuống thấp. Danh sách nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển sẽ được trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt trong 20 ngày.
Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, sau khi có kết quả sơ tuyển, quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án cao tốc Bắc Nam sẽ bắt đầu từ tháng 10, sau đó là công tác chấm thầu, phê duyệt kết quả trong tháng 3/2020; đàm phán, ký kết hợp đồng trong tháng 4/2020.
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ tự bỏ vốn đầu tư, chịu trách nhiệm thi công và khai thác dự án cao tốc theo hình thức đầu tư BOT. Mức phí cao tốc được quy định trong khung phí và tăng theo lộ trình. Sau thời gian khai thác theo từng dự án, nhà đầu tư sẽ bàn giao tuyến cao tốc cho cơ quan quản lý Việt Nam.
Tại 8 dự án cao tốc này, Chính phủ sẽ đầu tư 40.360 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Các địa phương sẽ trực tiếp giải tỏa mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải công bố đầu tư 11 dự án cao tốc Bắc Nam với tổng chiều dài 654km, đi qua 13 tỉnh, thành, gồm 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 8 dự án theo hình thức đối tác công - tư, hợp đồng BOT. 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư sẽ được đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư.
Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này khoảng 104.070 tỷ đồng.