Dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, dài 654km, tổng đầu tư sơ bộ là 118.716 tỷ đồng, được chia thành 11 dự án thành phần (gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư), loại hợp đồng BOT).
Chưa xuất hiện tập đoàn tư nhân mạnh
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư - PPP, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đến nay, các ban quản lý dự án đã phát hành 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án theo hình thức PPP. Đã có 26 nhà đầu tư trong nước và 14 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pháp, Anh, Trung Quốc… mua hồ sơ sơ tuyển.
Đại diện Vụ PPP cũng cho biết các nhà đầu tư trong nước đã mua hồ sơ sơ tuyển chủ yếu vẫn là những doanh nghiệp quen thuộc đã tham gia các dự án BOT đường cao tốc trước đây, chưa xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tài chính mạnh.
Ông Nguyễn Viết Huy cho rằng do 8 dự án này được triển khai với hình thức đấu thầu quốc tế nên phải chờ tới ngày cuối cùng (10/7) mới biết chính xác số lượng nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Sau khi kết thúc thời gian bán hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án này.
Để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang 100. Trong đó, năng lực tài chính chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực kinh nghiệm chiếm 30% (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án chiếm 10% (10 điểm).
Trước thông tin nhiều người lo ngại chất lượng xây dựng các dự án đường cao tốc khi để nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, hôm 27/6 khẳng định sẽ có những quy định để bảo đảm chất lượng. Chẳng hạn nhà đầu tư Trung Quốc muốn đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phải chứng minh đã thành công với những dự án tương tự tại một nước khác.
"Các dự án đó phải không có kiện tụng, tranh chấp; bảo đảm chất lượng và tiến độ. Khi đó, chúng ta mới tiến hành lựa chọn các nhà đầu tư", ông Trương nói.
Giám sát chặt chẽ quá trình đấu thầu
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, tổ chức triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông để đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng.
Đặc biệt, về việc lựa chọn nhà đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật, trên nguyên tắc ưu tiên nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín; khuyến khích các nhà đầu tư trong nước liên danh, liên kết với nhau, với các nhà đầu tư quốc tế đủ năng lực để triển khai dự án đồng thời thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn nhà đầu tư.
"Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thành lập Tổ giám sát gồm đại diện các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ và mời Kiểm toán Nhà nước để thực hiện giám sát chặt chẽ quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Hiểu nhầm về hồ sơ sơ tuyển Theo ông Nguyễn Viết Huy, đang có những hiểu nhầm trong tiêu chí hồ sơ sơ tuyển tham gia dự án. "Nếu yêu cầu kinh nghiệm độc lập ở từng nhà đầu tư thì doanh nghiệp trong nước khó đáp ứng được. Chúng tôi đang làm rõ các tiêu chí của bài thầu, ví dụ nhà đầu tư liên danh, có năng lực thì sẽ được tính gộp chứ không tính riêng lẻ từng doanh nghiệp. Với việc làm rõ này, cơ hội sẽ rất rộng cho doanh nghiệp trong nước", ông Huy nói. Ngoài ra, Luật Đấu thầu cũng cho phép các nhà đầu tư liên danh với các nhà đầu tư khác (trong và ngoài nước) để bảo đảm năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu. Do vậy, tiêu chí này không làm giảm khả năng tham gia của nhà đầu tư Việt Nam. |