Aa

Những nhà đầu tư “ôm đất” lúc đỉnh sốt, động thái thế nào nếu dịch kéo dài đến tháng 9?

Thứ Sáu, 16/07/2021 - 07:30

Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường bất động sản (BĐS) 6 tháng cuối năm nhìn chung khó đoán vì phụ thuộc phần lớn vào việc kiểm soát dịch Covid.

Trong đó, kịch bản dịch kéo dài có thể khiến 30 - 40% nhà đầu tư ôm BĐS đuối sức, chấp nhận bán tháo, cắt lỗ để thu dòng tiền.

nhà đầu tư bất động sản

Chia sẻ tại talk show "Thanh khoản lao dốc: Bán tháo cắt lỗ hay vay tiền ôm đất", ông Trịnh Minh Hải, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực môi giới đầu tư BĐS cho hay, thực tế thời gian vừa qua, nhất là thị trường Tp.HCM, các sản phẩm BĐS được công bố bán ra giá khá cao so với nhu cầu thực tế. Nhưng lượng khách hàng hấp thụ tương đối ổn định, hầu như dự án nào cũng cháy hàng. Cho nên, bây giờ giá BĐS có thể được gọi là đỉnh rồi, dù thị trường hiện nay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, nhưng những dự án sắp tới ở TP.HCM hay tỉnh vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai… sẽ có giá đi ngang giá chứ không giảm mạnh.

Với những nhà đầu tư ôm đất lúc đỉnh sốt, ông Hải cho rằng, những nhà đầu tư có dòng tiền mặt ổn định giữ tài sản khá ổn dù dịch diễn biến phức tạp. Còn đối với các nhà đầu tư không chuẩn bị dòng tiền (chiếm khoảng 30% trên thị trường) thì có thể sẽ bán tháo, cắt lỗ để xoay sở dòng tiền.

"Tôi nghĩ, khách hàng nào đang giữ tài sản lớn thì cố gắng tận dụng giữ, cầm cự, chắc chắn sau khi dịch ổn định và thị trường khởi sắc, giá BĐS sẽ có bước đột phá khá cao", nhà đầu tư này nhấn mạnh.

đầu tư bất động sản

Theo ông Hải, BĐS là một loại hàng hóa đặc biệt có nhu cầu nắm giữ rất cao, nên nếu nói bán tháo cắt lỗ thời điểm này, đối với những tài sản có tính ổn định, thì từ trước đến giờ hầu như không có. Chỉ những khách hàng có tầm tài chính 20% - 30% mà mua căn hộ trong khoảng đầu năm nay, sẽ bắt đầu rao bán với giá hợp đồng hoặc là cắt lỗ. Đối với những dòng sản phẩm đã ổn định từ trước đến nay, hầu như khách hàng không bán tháo. Một là được giá thì họ bán, hai là họ giữ. Họ không có ý bán cắt lỗ.

Ngoài ra, những dòng nhà phố chốt lời thấp trên thị trường khoảng 5% - 10% so với thời điểm trước dịch thì một số nhà đầu tư vẫn sẵn sàng ôm vào.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cũng cho rằng, thị trường 6 tháng cuối năm nhìn chung khó đoán vì phụ thuộc phần lớn vào việc kiểm soát dịch Covid. Nếu dịch Covid kéo dài đến tháng 7 trong kế hoạch, thì các nhà đầu tư có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu kéo dài đến tháng 8 hoặc tháng 9 là một bài toán lớn, bắt đầu gây khó khăn cho khoảng 30% - 40% nhà đầu tư trên thị trường. Lúc đó 4 tháng không có doanh thu, trong đó chi phí và các đợt đóng tiền bất động sản vẫn tiếp tục sẽ gây áp lực rất lớn lên 30% - 40% nhà đầu tư bất động sản.

Theo ông Quang, khoảng hết quý III, nếu dịch Covid kiểm soát tốt, thì sẽ có một cơn sóng BĐS nhỏ, nhất là đất nền vùng ven. Cơn sóng nhỏ này được tạo ra sau khi hết dịch khoảng một tháng. "Tôi nghĩ nó sẽ rơi vào tầm tháng 10 - 11. Tuy nhiên, đó chỉ là cơn sóng nhỏ về thị trường đất nền thôi. Còn những sản phẩm cao cấp ngay trung tâm thành phố lại gặp một số khó khăn nhất định. Vì khi hết dịch, người ta mới bừng tỉnh dậy và hưng phấn đi mua BĐS, chứ không phải hưng phấn sự hưởng thụ. Mà sự hưng phấn mua BĐS, tôi nghĩ đất nền là đầu tiên", ông Quang khẳng định.

Vị chuyên gia này cho rằng, thị trường BĐS cuối năm cũng khá thú vị. Theo đó, đối với người mua, thời điểm tốt nên mua vào là tháng 8 - 9. Đối với người bán thì nên có kế hoạch chuẩn bị sẵn để bán vào tháng 10 - 11. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để họ tái cơ cấu lại sản phẩm đầu tư. Vì như chúng ta biết bất động sản hiện nay giá rất cao và ngày càng đi xa. Giá bất động sản cao thì tạo ra tâm lý khó bán, khó lời. Còn bất động sản đi càng xa, thì có mãi lực càng kém. Khi chúng ta muốn bán bất động sản, mà bán cái gì quá xa thì cực kỳ khó bán.

"Nếu tình hình dịch Covid tiếp tục kéo dài đến quý IV/2021, tôi nghĩ thị trường cực kỳ khó khăn. Vì lúc đó cả nền kinh tế đều bị ảnh hưởng chứ không nói riêng BĐS. Khi nền kinh tế ảnh hưởng thì nhân lực kinh tế và chứng khoán đều mệt mỏi. BĐS do đó cũng khó mà sống được. Tôi nghĩ kịch bản này chỉ chiếm 30% thôi, 70% còn lại thì thị trường cuối năm vẫn còn ổn", ông Quang nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top