Aa

Những thách thức "khó nhằn" với thị trường bất động sản 2020

Thứ Bảy, 30/05/2020 - 18:00

2020 được dự báo là một năm đầy khó khăn của doanh nghiệp địa ốc khi thách thức đến từ pháp lý, nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng, sự chồng chéo của luật pháp gia tăng...

Theo Vietnam Report, thị trường bất động sản 2020 đã và đang phải đối mặt với nhiều thức, Trong bối cảnh nguồn cung mới không có sự đột biến và không quá dồi dào trong khi sức cầu vẫn cao, đặc biệt ở các phân khúc đất nền, căn hộ và việc thiếu nghiêm túc khi tuân thủ pháp luật của một số chủ đầu tư, đơn vị môi giới tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác động tiêu cực đến tâm lý khách hàng, khó khăn của doanh nghiệp địa ốc càng gia tăng.

Vietnam Report đã đưa ra 7 khó khăn ảnh hưởng đến việc triển khai dự án của chủ đầu tư.

Nguồn: Vietnam Report

Thứ nhất, vấn đề thủ tục hành chính, giấy tờ pháp lý. Kết quả khảo sát chỉ ra 100% doanh nghiệp bất động sản cho rằng vấn đề thủ tục hành chính, giấy tờ pháp lý là một thách thức lớn nhất, làm giảm nguồn cung mới. Mặc dù Chính phủ đã có những cải cách, đột phá nhưng vẫn chưa có nhiều thay đổi, dự án vẫn bị đình trệ do quy trình phê duyệt đất đai và giấy phép xây dựng bị kéo dài… Vì vậy, trong năm 2020, nếu Chính phủ có những hành động quyết liệt nhằm tháo gỡ vấn đề thủ tục pháp lý, phê duyệt liên quan đến dự án, nguồn cung cho các dự án sẽ dồi dào hơn.

Thứ hai, chính sách dành cho ngành bất động sản còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ cũng là một thách thức mà có tới 81,82% doanh nghiệp được khảo sát phản ánh. Riêng ngành bất động sản đang chịu tác động chi phối của nhiều luật: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… 

Đặc biệt, xét những khía cạnh liên quan đến bất động sản thì giữa một số luật lại có những điều gần như phủ định nhau, bên cạnh đó nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những bất cập trong cơ chế chính sách chưa được bổ sung kịp thời. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai và quản lý các dự án bất động sản. Các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report đánh giá thị trường bất động sản năm 2020 sẽ khó có bước tiến, sự đột phá nếu những vấn đề về chính sách chưa được giải quyết.

Thứ ba và thứ tư, việc tiếp cận đất đai và công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, quỹ đất sạch tại các thành phố lớn ngày càng chật hẹp cùng với đó là công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, kéo dài, điều này khiến cho các chủ đầu tư khó tiếp cận các khu đất lớn để triển khai các dự án, trong khi đây là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công, tiến độ của dự án. Vì vậy, 36,36% chủ đầu tư trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng việc tiếp cận đất đai cho các dự án kinh doanh bất động sản và công tác giải phóng mặt bằng vẫn là thách thức trong năm 2020.

Thứ năm, số lượng dự án được phê duyệt giảm. Các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng sự chồng chéo về pháp lý và việc soát làm cho tình trạng phê duyệt dự án gần như không triển khai, số dự án được phê duyệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khá “nhỏ giọt”, số lượng dự án được phê duyệt chỉ bằng khoảng 20% so với các năm trước.

Thứ sáu, thị trường bất động sản không chỉ gặp những khó khăn do vướng mắc về thủ tục pháp lý mà theo đánh giá của 18,18% doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report, yếu tố thiên tai, đại dịch, thời tiết cũng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng lên cả nền kinh tế nói chung và trong đó có cả thị trường bất động sản. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dịch Covid-19 có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản, thậm chí mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với dịch SARS năm 2003, phải điều chỉnh dự báo triển vọng cho thị trường bất động sản mà nguyên nhân cơ bản là Covi-19 làm nền kinh tế suy giảm cả cung và cầu với tâm lý phòng thủ xuất hiện. Tuy nhiên, những tác động này được cho là chỉ trong ngắn hạn.

Cùng với việc hiệu quả khai thác kinh doanh của hoạt động các khu du lịch nghỉ dưỡng là sản phẩm bất động sản du lịch bị sụt giảm nghiêm trọng do khách không đi du lịch, gây ra hiệu ứng tâm lý cho các nhà đầu tư. Đối với phân khúc du lịch nghỉ dưỡng, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cần khoảng thời gian để nền kinh tế hồi phục, người dân mới có nhu cầu du lịch và thị trường du lịch, nghỉ dưỡng tăng trưởng trở lại.

Phân khúc bất động sản công nghiệp dù đang phát triển tốt, nhưng dưới tác động của dịch bệnh cũng gây những trì trệ trong sản xuất hay tạm ngưng sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp có hoạt động giao thương, nhập nguyên liệu, linh kiện, có nhân công đến từ Trung Quốc và các nước có vùng dịch khác. Thêm vào đó là các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ bảy, khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Năm 2019, ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 22/2019/TT-NHNN siết chặt nguồn vốn cho vay vào bất động sản, quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, thay thế cho Thông tư 36 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Điều này ảnh hưởng nhất định đến thị trường bất động sản nói chung, các nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản nói riêng. Các chủ đầu tư phải linh hoạt và đa dạng nguồn vốn hơn để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI)… 

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể huy động đa dạng nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hệ thống tài chính bất động sản còn nhiều yếu kém, mặc dù đây là thị trường cần rất nhiều loại vốn khác nhau và là thị trường cần thu hút vốn mạnh nhất. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có tín dụng bất động sản mà dùng tín dụng thương mại để cho vay bất động sản với lãi suất cao từ 8% - 10%, mức vay ưu đãi từ 5% - 6%, trong khi đó tại các nước khác để phát triển bất động sản, lãi suất được tính giao động 1% - 2%. 

Đối với các nguồn vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu vẫn chưa phát huy được hiệu quả, như kênh trái phiếu chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn có thể phát hành vì hiện nay chưa nhiều người tin cậy vào các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bất động sản có lãi suất trái phiếu lên đến 12 - 14%/năm, cao hơn mức lãi suất trái phiếu bình quân, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu, nhất là nhà đầu tư cá nhân khi thị trường trái phiếu chưa thật sự minh bạch và doanh nghiệp gặp khó khăn khi đảm bảo lợi nhuận cam kết. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top