Aa

"Những tín đồ “duy ý chí” mới nói bất động sản là ngành phi sản xuất"

Thứ Tư, 01/04/2020 - 06:10

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, bất động sản cần được cứu trợ bởi đó là ngành liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

PV: Ông nhận định như thế nào tác động của dịch Covid-19 đến thị trường bất động sản Việt Nam?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tình hình dịch Corona mỗi ngày trở nên nghiêm trọng hơn, không những tại Việt Nam mà trên thế giới. Dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu kiểm soát. Các dự báo về tình hình kinh tế thế giới và của Việt Nam trong thời gian tới chưa thể định đoán được. Và nhận định về kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng chỉ có thể thấy ở thời điểm hiện tại mà không ai có thể dự đoán về bức tranh trong tương lai.

Corona đã tác động rất lớn đến bất động sản, không chỉ ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng mà tất cả đều bị “ngấm đòn” bởi đại dịch. Lượng cung và cầu đều suy giảm trầm trọng.

Với nguồn cung, dĩ nhiên sẽ giảm khi các quy định yêu cầu người dân ở yên tại chỗ, hạn chế ra đường, không tụ tập đông quá 2 người. Khuyến cáo về hạn chế tụ tập đám đông là trở ngại cho hoạt động bán hàng của thị trường bất động sản, khi đây là lĩnh vực đòi hỏi sự trao đổi, giới thiệu trực tiếp nhiều hơn.

Bất động sản không như ngành tài chính – ngân hàng, có thể sử dụng công nghệ là phần lớn. Bất động sản cần lực lượng lao động trực tiếp nhiều cho xây dựng, triển khai dự án. Nhiều chủ đầu tư buộc phải dừng dự án lại khiến nguồn cung suy giảm trầm trọng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Trong khi đó, vì hạn chế tụ tập, khách hàng muốn mua nhà cũng gặp khó khăn vì ngại đi ra ngoài. Tác động của Corona khiến người dân gặp gánh nặng về tài chính vì thu nhập giảm, khả năng trả nợ khó khăn. Có người lại đợi giá nhà xuống thấp hơn nữa để nắm bắt cơ hội mua bất động sản giá rẻ. Cho nên, cầu trên thị trường cũng giảm mạnh.

Cung và cầu đều giảm, tạo ra vòng xoáy đẩy thị trường bất động sản đi xuống mạnh mẽ.

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, bất động sản là ngành phi sản xuất, không tạo ra giá trị. Thế nên, Chính phủ nên cứu các ngành nghề khác, không nên bỏ tiền “cứu nhà giàu”? Quan điểm của ông thì sao?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đó là quan điểm của tín đồ “duy ý chí”. Bất động sản là một trụ cột của nền kinh tế, bên cạnh ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, sản xuất, giao thông vận tải. Tất cả các ngành nghề trụ cột cần được bảo hộ tại thời điểm này.

Bất động sản sụp đổ sẽ kéo theo sự sụp đổ của nhiều ngành nghề khác như xây dựng, nguyên vật liệu, dịch vụ… và hàng triệu lực lượng lao động thấy nghiệp.

Nhiều người vẫn còn đang nhầm lẫn rằng, bất động sản là nhà giàu, là các dự án cao cấp, là những cao tầng, nghỉ dưỡng, resort phục vụ cho người giàu. Không phải vậy! Bất động sản liên quan đến rất nhiều thành kinh tế, có cả người lao động chân tay, có người lao động tri thức. Bất động sản liên quan tới cả người nghèo và người giàu.

Không có doanh nghiệp bất động sản, ai sẽ xây nhà ở cho người nghèo. Không có doanh nghiệp bất động sản, ai sẽ tạo ra việc làm cho hàng triệu gia đình. Không có bất động sản, cơ sở hạ tầng thiếu, du lịch sẽ về đâu. Đó là một thị trường rất rộng lớn, liên quan mật thiết với nhau. Nếu bất động sản sụt đổ sẽ kép theo sự đi xuống của cả nền kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ cần phải cứu trợ cho doanh nghiệp bất động sản. Nếu không kịch bản của nền kinh tế sẽ còn đi xuống.

PV: Theo ông, sự can thiệp của Chính phủ trong thời gian này đối với lĩnh vực bất động sản đến thời điểm hiện tại đã đủ?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chính phủ muốn hỗ trợ cho nền kinh tế thì cũng cần hỗ trợ cho bất động sản. Hiện tại, Chính phủ đã công bố gói cứu trợ 280.000 tỷ đồng. Nhưng nguồn tiền không phải tất cả từ Chính phủ. Chính phủ chỉ có 30.000 tỷ đồng để tiến hành giảm thuế, miễn thuế, giảm kì hạn trả thuế cho doanh nghiệp… Số còn lại là tiền từ các ngân hàng thương mại để họ có thể cơ cấu lại khoản nợ, giãn thời gian trả nợ,… cho doanh nghiệp.

Nhưng nếu chỉ hỗ trợ và dừng ở đó thôi chưa đủ! Doanh nghiệp bất động sản đang cần trợ giúp nhiều hơn nữa. Thực tế, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phá sản và rời khỏi thị trường. Nguồn nhân lực của ngành này đang bị đẩy ra khỏi thị trường lao động, thất nghiệp. Số lượng doanh nghiệp còn ở lại đang lao đao.

Khi corona ảnh hưởng, du lịch bị tác động mạnh, các khách sạn, resort đã phải đối mặt với tình trạng đóng cửa. Những doanh nghiệp địa ốc đầu tư vào lĩnh vực này đã lao đao từ sớm. Tác động đó đang lan theo hệ thống dây chuyền cho toàn bộ doanh nghiệp bất động sản.

PV: Trên quan điểm của ông, đâu là cách cứu trợ để doanh nghiệp địa ốc phục hồi, vượt qua cơn bão Covid-19?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chính phủ cần có nguồn tiền trực tiếp bơm vào doanh nghiệp địa ốc mà không phải thông qua ngân hàng thương mại. Vì chẳng có ngân hàng nào có tiền để giúp doanh nghiệp bất động sản khi chính họ cũng đang khó khăn. Thành ra giới môi giới, nhà kinh doanh, nhà đầu tư, các công ty ngành nghề liên quan đến bất động sản đang cần sự cứu trợ từ nguồn ngân sách trực tiếp.

Doanh nghiệp nào khốn khó nên cho vay trực tiếp và có thời gian ân hạn không trả lãi đến cuối năm 2020. Khi lĩnh vực bất động sản phục hồi, doanh nghiệp sẽ có cơ hội để trả.

Một vài doanh nghiệp thực sự cần ngay số tiền mặt để trả phí cho người lao động, trả nợ ngân hàng, cho đến các khoản phí thuế… Chính phủ nên ứng cứu cho doanh nghiệp đó.

Một cơ chế khác có thể dùng là quỹ bảo lãnh tín dụng. Quỹ này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khó khăn vay. Chính phủ có thể thông qua công cụ này để bơm tiền cho doanh nghiệp để họ có thể cầm cự sự sống trong lúc này. Vì họ cần tiền để tồn tại. Mỹ cũng đang có chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế như gói 2000 tỷ đô la được bơm trực tiếp vào thẳng tay của người tiêu dùng. Mỗi người được 200 đô la. Sự hỗ trợ của Chính phủ lúc này là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

- Cảm ơn chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top