Vụ mất 26 tỷ: VPBank quyết bảo đảm đến cùng quyền lợi của khách hàng
Việc 26 tỷ đồng trong tài khoản Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Quang Huân (trụ sở ở H.Củ Chi, TP.HCM) mở tại NH TMCP VN Thịnh Vượng (VPBank) biến mất đang gây chấn động dư luận.
Cụ thể, Công ty Quang Huân mở tài khoản tại VPBank từ cuối tháng 3.2015. Khoảng tháng 7, bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc công ty, đến rút tiền thì 26 tỷ đồng trong tài khoản đã biến mất. Số tiền trên được chuyển ra khỏi tài khoản bằng séc.
Theo phản ánh, con dấu và chữ ký chủ tài khoản công ty Quang Huân đã bị kế toán của doanh nghiệp này là Phạm Văn Trinh cùng một số người khác làm giả, để rút tiền từ tài khoản công ty tại VPBank.
Sau khi vụ việc được phản ánh trên truyền thông, ngày 24/8/2016, phía VPBank đã phát đi thông cáo “về trường hợp nghi ngờ gian lận chữ ký và con dấu tại Công ty Quang Huân”.
Theo thông cáo của VPBank, ngày 19/10/2015, ngân hàng này đã nhận được đơn tố cáo của cá nhân bà Trần Thị Thanh Xuân liên quan đến các vấn đề mở, sử dụng tài khoản của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Quang Huân (Công ty Quang Huân). Nội dung tố cáo của bà Xuân cho rằng ông Phạm Văn Trinh (kế toán Công ty Quang Huân) và một số cán bộ, nhân viên của VPBank câu kết, thông đồng làm thiệt hại của Công ty Quang Huân số tiền là 11,3 tỷ đồng.
VPBank đã kiểm tra hồ sơ mở tài khoản, làm việc với các cá nhân có liên quan, ông Phạm Văn Trinh (và luật sư đại diện của ông Phạm Văn Trinh) cũng như trao đổi, làm việc trực tiếp với bà Xuân vào ngày 30/10/2015.
Thông cáo của VPBank cũng nêu rõ: “Qua quá trình làm việc, xác minh các cá nhân liên quan đều phủ nhận nội dung tố cáo của bà Xuân và yêu cầu đối chất với bà Xuân để làm rõ. VPBank đã chủ động trao đổi, mời bà Xuân làm việc nhằm tạo cơ hội cho các bên đối chất, làm rõ sự việc nhưng bà Xuân không phối hợp và trả lời đã gửi đơn cho cơ quan Công an điều tra, làm rõ (có ghi âm cuộc gọi)”.
VPBank cũng thông tin thêm sau khi VPBank thực hiện mở tài khoản thanh toán cho Công ty Quang Huân, công ty này đã sử dụng số tài khoản này để thực hiện giao dịch, bao gồm giao dịch do đối tác chuyển tiền đến, giao dịch chuyển tiền thanh toán cho đối tác.
Qua kiểm tra, đối chiếu các chứng từ giao dịch tài khoản của Công ty Quang Huân, VPBank nhận thấy các chứng từ chuyển khoản, rút tiền, mua séc … đều được thực hiện ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của Công ty Quang Huân với chữ ký, con dấu khớp đúng với chữ ký, con dấu được đăng ký mẫu với VPBank tại Đơn đăng ký mở tài khoản của Công ty Quang Huân.
“Với các giao dịch biến động số dư, VPBank đều gửi tin nhắn SMS đầy đủ đến số điện thoại Công ty Quang Huân đã đăng ký. Số điện thoại này đã được VPBank xác minh chính là số điện thoại bà Trần Thị Thanh Xuân - Chủ tài khoản/Người đại diện pháp luật Công ty Quang Huân đã/ đang sử dụng”, thông cáo của VPBank nêu rõ.
"VPBank khẳng định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để làm sáng tỏ. VPBank bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, luôn tăng cường hệ thống kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm an toàn cho giao dịch, tài sản, tiền gửi của khách hàng. VPBank cam kết luôn bảo đảm đến cùng quyền lợi của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Thành Long – Phó Tổng Giám đốc VPBank khẳng định.
Vụ việc đang được chuyển cho Công an TP. Hồ Chí Minh (PC46) tiến hành điều tra, xác minh đơn thư phản ánh của bà Xuân. VPBank cũng cho biết đang phối hợp cung cấp hồ sơ theo các văn bản của PC46 gửi ngày 25/7/2016 và ngày 01/8/2016. Ngân hàng này đưa ra cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an để làm sáng tỏ vụ việc.
Mất tiền: Nhà băng đổ lỗi cho khách hàng
Chiếm đoạt số điện thoại, cướp luôn hàng chục triệu trong tài khoản
Báo VnExpress có dẫn câu chuyện khoảng 20h ngày 10/7/2014, anh Đặng Thanh Hải (TP HCM) bỗng dưng nhận được tin nhắn từ đầu số 155 của Viettel, cho biết số thuê bao đang sử dụng sẽ được đổi sang sim mới. Ngay lập tức, thẻ sim trên máy điện thoại của anh bị khóa và không thể sử dụng được.
Liên hệ với tổng đài, thuê bao được biết có người đã thông báo mất sim và xin cấp lại chính chiếc sim anh đang dùng. Số điện thoại bị "cướp" đã được anh đăng ký để sử dụng các giao dịch Internet và SMS banking.
Chột dạ và nghi ngờ có thể bị mất tiền, ngay trong đêm đó anh ra ATM của Maritime Bank và kiểm tra phát hiện tài khoản đã "bốc hơi" 30 triệu đồng với 3 giao dịch đáng ngờ.
Sau khi trình báo và được các bên vào cuộc, kẻ chiếm đoạt sim của anh Hải cũng bị lần ra và xử lý. Cá nhân anh cũng được đền bù, song sự việc cũng để lại bài học lớn cho khách hàng, nhà băng và nhà mạng.
Các chuyên gia viễn thông và ngân hàng sau đó cho rằng, có 2 kẽ hở trong vụ việc đáng tiếc này. Thứ nhất là thông tin chủ thẻ bị lộ và thứ hai, quy trình cấp lại sim số của nhà mạng có vấn đề, quá sơ sài và đơn giản. Tuy nhiên, cả nhà băng lẫn nhà mạng đều cho rằng khách hàng đã tự để lộ thông tin cá nhân khiến kẻ gian lợi dụng.
Chiếm thông tin thẻ rồi giao dịch "ma" ở nước ngoài
Chị Trang sinh sống và làm việc tại TP HCM, chưa một lần đặt chân tới Anh. Do đó, năm 2013, chị vô cùng sửng sốt khi nhận tin nhắn thông báo trừ tiền của ngân hàng dù thẻ tín dụng vẫn nằm yên trong ví. Kẻ gian đã có các giao dịch mua thực phẩm ở tận nước Anh với giá trị 174 bảng (khoảng 5,7 triệu đồng).
Sau khi chị Trang gọi lên ngân hàng phát hành để khóa thẻ, kẻ gian vẫn thực hiện 3 giao dịch khác nhưng không thành công. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (nơi phát hành thẻ tín dụng) cho biết đã yêu cầu đơn vị chấp nhận thanh toán cung cấp các chứng từ liên quan.
Sau khi kiểm tra, Sacombank cho biết không thể hoàn tiền cho khách trong trường hợp này. "Do giao dịch được thực hiện trên Internet, chứng từ đại lý phản hồi là thông tin mua sản phẩm dinh dưỡng, hàng được cung cấp ngay sau khi thực hiện nên chứng từ hợp lệ", ngân hàng giải thích.
Tương tự, Nguyễn Tùng Dương (Nam Định) cũng bị "hack" hàng chục triệu đồng tại Anh ở thẻ Visa Debit dù đã cất kỹ thẻ trong tủ, cạo sạch 3 chữ số cuối. Dương mở thẻ Visa Debit của Ngân hàng Á Châu (ACB) từ tháng 7/2015 với mục đích nhận chuyển tiền qua Paypal.
Đến cuối tháng 9, tài khoản của anh có hơn 48 triệu đồng. Tối 30/9, Dương nhận cuộc gọi từ nhân viên ACB thông báo có những giao dịch lạ liên tục mua hàng ở nước ngoài từ tài khoản Visa Debit. Cụ thể, 5 giao dịch thanh toán online đều bằng bảng Anh cho các dịch vụ như: Apple Store, Uber... Tổng thiệt hại từ 5 giao dịch này là hơn 48 triệu đồng.
Với cả hai trường hợp này, các nhà băng đều đổ lỗi cho khách hàng đã làm mất thông tin thẻ và người tiêu dùng một lần nữa ở vào thế yếu khi không có cơ quan trung gian nào đứng ra bảo vệ cũng như để xác định lỗi.
Link bài xem tại đây!
Nửa tỷ trong tài khoản bị "bốc hơi" trong 1 đêm
Bài tổng hợp trên Soha cho hay, chị Hoàng Thị Na Hương, chủ tài khoản Vietcombank bị mất 500 triệu đồng. Cụ thể, lúc 23h18, ngày 4/8, tài khoản của chị bị đối tượng khác chuyển 100 triệu từ số thẻ của chị sang số thẻ khác.
Vào lúc 12h56, ngày 5/8, chuyển tiếp 2 giao dịch qua thẻ với số tiền 100 triệu đồng. Vào lúc 5h17, ngày 5/8, chuyển 3 giao dịch qua Internet Banking, mỗi giao dịch có số tiền 100 triệu đồng. Tổng 7 giao dịch là 500 triệu đồng.
"Bỗng dưng có đến 7 lệnh không có mã OTP nào mà tôi vẫn bị trừ số dư là 500 triệu đồng. Tôi nghĩ điều đó cũng khó hiểu. Thực sự tôi hoang mang về điều đó", chị Hương chia sẻ.
Khi vụ việc chưa đi đến kết luận cuối cùng, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm Thẻ của Vietcombank đã đổ lỗi cho khách hàng khi dẫn đến tình trạng bị rút mất tiền trong tài khoản.
"Khi mà bọn tội phạm đưa ra một trang web giả mạo của Vietcombank bọn chị đã cảnh báo khi dùng ngân hàng điện tử thì trách nhiệm khách hàng phải giữ thông tin password và user chứ ai lại đưa hết cho tội phạm.
Nếu không làm thế thì làm sao mà bị rút mất tiền. Về hệ thống bảo mật của Vietcombank là ngân hàng duy nhất được công nhận chuẩn bảo mật ISO. Còn đây là vấn đề lỗi của một vài khách hàng".
Sau đó, phía ngân hàng này đã "xuống nước", khẳng định đây là sự việc xảy ra ngoài mong muốn của khách hàng cũng như của ngân hàng.
"Trong trường hợp nguyên nhân được xác định không phải do lỗi của khách hàng, Vietcombank khẳng định quyền lợi của khách hàng tại Vietcombank hoàn toàn được bảo vệ", thông báo của Vietcombank phát đi cuối giờ tối ngày 15/8 cho biết.
Vụ việc chưa ngã ngũ thì ngày 16/8, anh Vũ Thành Phương (TPHCM) lại phản ánh về việc thẻ Vietcombank Master Card Debit của anh bị quẹt ở TOKYO DISNEY RESORT CHIBA JPN, MARRIOTT HTL và BOOKHAVEN NY rút 17 triệu đồng chỉ trong 1 đêm.
Trong khi đó, chị Lê Thị Quỳnh Nga (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa), chủ thẻ 0071003xxxxxx cho biết vào lúc 16h34 ngày 19/8, di động nhận được tin nhắn từ Vietcombank thông báo thẻ Mastercard sử dụng dịch vụ RSW ESERVICE SINGAPORE và bị trừ 592 đôla Singapore dù lúc đó chị đang chạy xe và thẻ vẫn ở trong ví.
Mất 30 triệu trong tài khoản, VIB đòi truy thu cả gốc, lãi gần 100 triệu
Theo phản ánh của ông Phan Diệu Chương (phường Dịch Vọng, thành phố Hà Nội), sau khi được Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) mời mở thẻ tín dụng VIB, ông đã mở thẻ visa mang tên ông (thẻ chính) và một thẻ phụ mang tên con gái ông là chị Phan Lê Hằng Giang với mục đích chu cấp tiền cho con gái ông trong quá trình du học tại Mỹ.
Ngày 09/10/2014 chủ thẻ phụ (Phan Lê Hằng Giang) đã thực hiện 3 giao dịch mua hàng cùng lúc với tổng giá trị là 1.526,14 USD. Tuy nhiên, khi ngân hàng trưng ra bằng chứng cho việc người mua hàng ký xác nhận giao dịch, cả hai cha con ông Chương đều khẳng định đó là chữ ký giả, và tài khoản phụ đã bị hack.
Hơn nữa, thời điểm giao dịch diễn ra cũng là 1h sáng (giờ địa phương), đó là thời điểm chị Giang đang ở trong ký túc xá và không thể ra ngoài. Hơn nữa, địa điểm diễn ra giao dịch kể trên cũng cách xa ký túc xá khoảng 150 km.
Tại buổi làm việc giữa ông Phan Diệu Chương và đại diện của VIB diễn ra ngày 16/12/2015, theo tính toán của bà Lê Việt Thu, Trưởng phòng tín dụng VIB, cộng cả số tiền 1.526,14 USD và tiền lãi phát sinh, ông Phan Diệu Chương cần phải trả cho VIB số tiền xấp xỉ 48 triệu đồng.
Và đến thời điểm này, VIB thông báo dư nợ cả gốc lẫn lãi từ giao dịch này lên đến gần 100 triệu đồng!
Phía VIB liên tục đòi tiền, ông Chương xuống nước chấp nhận thanh toán 50% tổng giá trị các giao dịch cần tra soát nhưng VIB không chấp thuận. Ông Chương đã không thanh toán số tiền cả gốc lẫn lãi là 100 triệu đồng cho phía VIB.
Và phải đến ngày 18/8 vừa qua phía Ngân hàng và ông Chương mới có buổi gặp mặt để giải quyết. Tại buổi gặp mặt, VIB quyết định sẽ không ghi nhận nợ đối với khách hàng cho các giao dịch trong vụ việc và đồng thời xóa lịch sử tín dụng liên quan trên hệ thống CIC.
Link bài xem tại đây!
Tiền tỉ trong tài khoản cá nhân “không cánh mà bay”
Báo Thanh Niên cũng dẫn vụ việc bà T.T.T.Phúc (Hà Nội) cũng “xất bất xang bang” vì mất tiền vô lý tại NH TMCP Sài Gòn (SCB).
Theo đó bà gửi tiền tại Phòng giao dịch Nguyễn Khuyến (Hà Nội) của SCB hơn 4,2 tỷ đồng để chuẩn bị mua nhà. Ngày 19/11/2015, bà Phúc ra SCB rút tiền thì được biết ngày 5/10/2015 số tiền này đã được chuyển qua một tài khoản khác tên Hà.
Bà Phúc kể phía SCB đưa cho bà một bản photocopy giấy ủy nhiệm chi có chữ ký giống chữ ký của bà nhưng camera giám sát tại thời điểm đó người giao dịch là một nam giới.
“NH khăng khăng đã thực hiện chuyển tiền theo ủy quyền của tôi cho người đàn ông đó nhưng không xuất trình được hợp đồng ủy quyền của tôi theo quy định của pháp luật.
SCB xác nhận việc ủy quyền bằng cách cho nhân viên gọi điện cho tôi để hỏi có ủy quyền cho người đàn ông đó. Thực tế tôi không nhận được cuộc gọi nào từ SCB và khi yêu cầu cho nghe băng ghi âm thì SCB từ chối”, bà bức xúc kể. Bà Phúc cho rằng SCB làm sai quy trình dẫn đến thất thoát 4,2 tỷ đồng của bà.
Chiều 24/8/2016, SCB đã từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhân viên SCB có làm đúng quy trình chuyển tiền đối với tài khoản của bà Phúc, với lý do vụ việc đang được cơ quan công an điều tra.
Link bài xem tại đây!