Aa

Những ý tưởng độc đáo cho chợ dân sinh của Hà Nội

Thứ Hai, 19/11/2018 - 09:30

Hà Nội hiện có 160 chợ dân sinh tại khu vực nội thành và 294 chợ dân sinh ở các khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, hầu hết các chợ hiện đang trong tình trạng xập xệ, nhếch nhác và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn vệ sinh. Thậm chí, nhiều chợ dân sinh đã bị “bức tử” dưới mô hình “chợ - trung tâm thương mại.

Chợ dân sinh là mô hình không thể thiếu, kể cả ở các nước phát triển. Tuy nhiên, giải pháp nào để giữ gìn và phát triển mô hình chợ dân sinh vừa giữ được giá trị truyền thống mà vẫn đáp ứng được nhu cầu phát triển của đô thị lớn như Hà Nội lại không đơn giản.

Có một thực trạng hiện nay tại Hà Nội là chợ truyền thống của Hà Nội khi được nâng cấp thành trung tâm thương mại thì đìu hiu. Còn chợ dân sinh dù buôn bán đông đúc tấp nập nhưng lại trong tình trạng xập xệ, nhếch nhác. Tốc độ đô thị hóa của TP Hà Nội nhanh chóng khiến cho rất nhiều chợ nổi tiếng của Hà Nội biến mất. Thay vào đó là những tòa nhà hỗn hợp kiểu “trung tâm thương mại - chợ” chỉ tồn tại trên danh nghĩa như chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Cửa Nam, chợ Trung Hòa…

Chợ Châu Long đã xuống cấp và nhếch nhác từ nhiều năm nay.

Chợ Châu Long đã xuống cấp và nhếch nhác từ nhiều năm nay.

Điển hình cho loại công trình này phải nói đến chợ Hàng Da. Chợ này được hình thành cách đây khoảng 30 năm bằng tiền đóng góp của các tiểu thương. Trong khoảng 20 năm, chợ Hàng Da luôn hoạt động tấp nập, là nơi bán buôn, bán lẻ với đủ mọi mặt hàng. Năm 2008, chợ Hàng Da được xây dựng thành dạng hỗn hợp Chợ - Trung tâm thương mại. Quyết định này khiến chợ Hàng Da từng sầm uất bậc nhất Hà Nội hoàn toàn mất đi sức sống. Phần lớn các gian hàng phải đóng cửa vì không thể kinh doanh cũng không thể cho thuê.

Chợ Mơ cũng trong tình trạng tương tự, do chợ bị đưa xuống tầng hầm không tiện cho mua bán, lại thêm không khí rất ngột ngạt nên khách rất thưa thớt. Nhiều gian hàng đóng cửa im lìm. Trước kia, chợ Mơ là từng nổi tiếng là chợ bán buôn tấp nập nhất khu vực phía Nam thành phố. Và chợ Cửa Nam hiện chỉ còn cái tên, bên trong hoàn toàn không có hoạt động gì liên quan đến chợ dân sinh.

Theo KTS. Trần Huy Ánh, chợ truyền thống từ xa xưa đã luôn được bố trí tại các địa điểm giao thông thuận tiện để thu hút khách hàng. Trong khi đó, hiện nay những nhà đầu tư chỉ nhìn chợ truyền thống là mảng bất động sản béo bở và biến nó thành tổ hợp thương mại.

“Những chợ may mắn còn sót lại vẫn đang kẹt ở giữa những sự thèm muốn của các nhà đầu tư nhưng lại hờ hững với việc đầu tư thực sự. Trong khi đó TP nhiều năm nay vẫn chưa đưa ra được một mô hình nào hợp lý trong khi nhu cầu mua bán của người dân vẫn diễn ra hàng ngày thì chất lượng chợ xuống cấp do mất vệ sinh và nguy cơ cháy nổ rất cao”, ông Ánh nhận định.

Chiều 16/11, một nhóm kiến trúc sư trẻ đã đưa ra các đề xuất sáng tạo và khả thi để cải tạo 3 chợ dân sinh điển hình của Hà Nội, với mong muốn mang lại một diện mạo mới đầy hấp dẫn cho các chợ của Hà Nội, trong đó nổi bật là kết hợp chợ với không gian công cộng. Đây là một hoạt động của tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (HealthBridge) Canada tại Việt Nam phối hợp cùng Hội kiến trúc sư Hà Nội và tổ hợp sáng tạo kiến trúc - xây dựng - nghệ thuật AGOhub đã tổ chức dự án nghiên cứu “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội”.

Đáng chú ý, dự án với sự tham gia của kiến trúc sư Steve Davies, người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu về chợ và đã từng tham gia nâng cấp hơn 500 chợ và các không gian công cộng khác trên khắp thế giới.

Kiến trúc sư Steve Davies đã làm việc với gần 20 kiến trúc sư tại Hà Nội để nghiên cứu và đề xuất các ý tưởng thiết kế nâng cấp một số chợ truyền thống của Hà Nội. Ông và các cộng sự đã chọn 3 khu chợ dân sinh điển hình cho mô hình chợ của Hà Nội là chợ Châu Long, chợ Ngọc Lâm và chợ Hạ. Chợ Châu Long là một chợ nằm ở vị trí trung tâm quận Ba Đình, có khả năng tiếp cận dễ dàng cho nhân dân và du khách.

Ngoài ra, chợ Châu Long còn có một mặt hướng ra hồ Trúc Bạch, một tiềm năng phát huy cảnh quan khu vực. Một tầm nhìn và thiết kế phù hợp sẽ giúp chợ Châu Long phục vụ tốt hơn nữa người dân địa phương và nâng cao giá trị nhiều mặt. Nhóm thiết kế đã đưa ra đề xuất chợ vẫn nằm trên mặt đất và phần mái được dùng làm không gian công cộng, cho người dân thư giãn, ngắm cảnh…

Ngôi chợ thứ hai được lựa chọn là chợ Ngọc Lâm. Chợ nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, đầu cầu phía Bắc thuộc quận Long Biên. Chợ có vị trí kết nối với khu Ẩm thực Ngọc Lâm ven sông Hồng. Phần giữa chợ được làm thành đường rộng thành một không gian công cộng dành cho người đi bộ hấp dẫn của Hà Nội.

Và chợ thứ 3 được lựa chọn là chợ Hạ (Mê Linh) Nằm trên trục đường Võ Văn Kiệt, từ sân bay Nội Bài về trung tâm TP Hà Nội. Chợ có vị trí kết nối với khu vực Đền Hai Bà Trưng. Chợ Hạ là chợ có nhiều dấu ấn đậm nét của một chợ ven đô truyền thống và bề dày lịch sử. Thiết kế đưa tạo dựng khu vực này trở thành một khu vực không gian công cộng đa chức năng, một điểm đến thú vị cho người dân và du khách.

Sau thời gian làm việc tích cực, 6 đề xuất sáng tạo và khả thi của các nhóm kiến trúc sư tham gia Dự án đã được chọn để giới thiệu tới các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương và các bên liên quan.

Theo bà Trần Kiều Thanh Hà, cán bộ dự án thuộc tổ chức Health Bridge, những ý tưởng thiết kế của Dự án này sẽ góp phần đưa ra một tầm nhìn mới cho việc phát triển chợ truyền thống tại Hà Nội nhằm huy động giá trị nhiều mặt của chợ và góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững của TP.

Tuy nhiên, ý tưởng hay là một chuyện, nhưng tính khả thi đến đâu lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nguồn vốn phát triển chợ cần được hỗ trợ của nhà nước cùng với các nguồn vốn hợp tác với khu vực tư nhân. Chợ cần được xác định là khu vực không gian công cộng phục vụ cộng đồng địa phương, một cơ sở hạ tầng thiết yếu trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, kiến trúc chỉ đóng góp một phần trong câu chuyện giữ gìn và phát triển chợ dân sinh. Cần có những quy định, tiêu chuẩn về quản lý chợ nói chung và quản lý vệ sinh môi trường tại từng chợ nói riêng cũng như cần có những chương trình, cơ chế nhằm khuyến khích và hỗ trợ các tiểu thương phát triển việc kinh doanh tại chợ. Nhất là với Hà Nội, việc cải thiện chợ cần thực hiện thí điểm để có những kinh nghiệm từ đó phát triển các mô hình phù hợp tại địa phương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top