Aa

Nâng cấp chợ truyền thống gắn với nhu cầu cộng đồng

Thứ Ba, 06/11/2018 - 09:30

Chợ vốn là một hạ tầng xã hội tất yếu và gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của các đô thị. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã có rất nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội bị thay thế, chuyển thành những khu tòa nhà thương mại, nhưng hầu hết các mô hình này đều không thành công.

Điều này đặt ra câu hỏi nên hay không việc nâng cấp chợ truyền thống, hay nói cách khác, những chợ truyền thống đang hiện hữu có nên hiện đại hóa hay vẫn để lụp xụp như hiện tại?

Cải tạo và xây dựng chợ cần gắn với nhu cầu của cộng đồng.

Cải tạo và xây dựng chợ cần gắn với nhu cầu của cộng đồng.

Mô hình chợ kết hợp trung tâm thương mại không hiệu quả

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, Hà Nội đã phá bỏ nhiều chợ truyền thống để xây trung tâm thương mại (TTTM) với mục tiêu muốn Hà Nội cũng hiện đại như các nước phát triển. Các chợ truyền thống này đang dần bị thay thế bởi các chuỗi cửa hàng tiện lợi và các siêu thị.

Tuy nhiên, những khu chợ nổi tiếng sầm uất ở Hà Nội như chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ 19/12… từ khi được chuyển đổi thành các TTTM thì trở nên vắng khách, hoạt động cảnh “chợ chiều”.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân các TTTM vắng khách là do cách xây dựng nâng cấp chợ truyền thống thành chợ - TTTM đã làm thay đổi chủ thể của các khu thương mại, tức là tiểu thương không còn đóng vai trò chủ chốt trong chợ.

Không những thế, nhiều công trình xây dựng chợ kết hợp TTTM thường không lấy mục tiêu thương mại làm mục tiêu chính mà lợi dụng các khu đất vàng để xây dựng rồi cho thuê văn phòng, cửa hàng…

Như chợ Hàng Da là một ví dụ rõ ràng về sự thất bại và thật bất ngờ là chợ vẫn còn mở. Các chợ thực phẩm cần được hiện đại hóa, nhưng điều đó không có nghĩa là phải bị biến thành các TTTM hoặc đưa xuống tầng hầm của một TTTM. Sự chuyển đổi này không đem lại hiệu quả như mong muốn mà còn làm mất đi bức tranh văn hóa sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực chợ.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, chợ truyền thống, trong 10 - 15 năm sau, vẫn sẽ là loại hình hạ tầng cần thiết và quan trọng đối với cả sản xuất và tiêu dùng ở nước ta.

Dự báo, từ nay tới năm 2025, số lượng chợ sẽ vẫn tăng cùng với sự gia tăng về dân số, với quá trình triển khai chương trình nông thôn mới và phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân sẽ giảm dần so với các giai đoạn trước, do sự hình thành và phát triển của các loại hình bán lẻ khác.

Trong đó, đến năm 2020, thị phần bán lẻ qua các hình thức thương mại hiện đại, thương mại điện tử sẽ tăng lên khoảng 40%. Hàng hóa lưu thông qua chợ truyền thống sẽ giảm, nhưng chợ truyền thống vẫn sẽ là kênh phân phối được phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chọn lựa bởi có nhiều ưu điểm, như hàng hóa phong phú và giá rẻ, vị trí thuận lợi, gần các khu dân cư.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện tổ chức Health Bridge (Canada) nhìn nhận, tại các nước phương Tây, phần lớn các gia đình thường mua đồ ăn cho gia đình từ các siêu thị hay TTTM và dùng trong cả tuần, nhưng tại Việt Nam, với thói quen thích ăn đồ tươi hơn nên mọi người đi chợ hàng ngày.

Chính tâm lý đó đã một phần tác động đến sự tồn tại bền bỉ của chợ truyền thống trong các đô thị sầm uất.

Nói như vậy, mô hình chợ kết hợp TTTM đã không hiệu quả và chúng ta không thể phủ nhận vai trò của chợ truyền thống trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Giữ gìn chợ truyền thống?

Một số chuyên gia quy hoạch cho rằng, không nên để chợ truyền thống tiếp tục tồn tại sập sệ, nhếch nhác và mất mỹ quan mà cần phải có giải pháp để nâng cấp, hiện đại hóa những khu chợ này để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân vẫn diễn ra hàng ngày. Bởi, chất lượng chợ xuống cấp đồng nghĩa với mất vệ sinh và nguy cơ cháy nổ rất cao.

Theo ông Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), thống kê cho thấy hiện trên địa bàn Hà Nội tồn tại trên dưới 60 chợ thực phẩm. Nhưng hầu hết các chợ đều ở trong tình trạng xuống cấp. Chợ có thể cạnh tranh với siêu thị, nhưng cần phải cải tạo cùng những cam kết nghiêm túc tái đầu tư cho các khu chợ…

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội nhận định: Chợ là một loại hạ tầng xã hội tất yếu phải có trong cấu trúc thành phố, đô thị hiện đại…

Trong quy hoạch tầm nhìn tới năm 2020 đã có quy định, với những khu dân cư từ 4.000 dân trở lên, phải có chợ với diện tích ít nhất là 2.000m2. Cần phải hiểu được giá trị của chợ truyền thống là gì trong không gian công cộng riêng biệt hay kết hợp trong một tổ hợp công trình như thế nào.

Không nên cứ cải tạo và xây dựng một số chợ, như Cửa Nam, Hàng Da và Đồng Xuân ở Hà Nội, dẫn tới việc mô hình và ý tưởng thì hay, nhưng không gắn với nhu cầu cộng đồng của người dân và quản lý không được như mong muốn.

Còn theo TS. Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng: Chợ truyền thống ở Việt Nam nói chung và chợ ở Hà Nội nói riêng có nét văn hóa riêng biệt, nó gắn với giao thông, sông nước, kênh rạch…

Có rất nhiều mô hình phát triển chợ được đánh giá là thành công, như chợ Rạch Giá trước đây nằm giữa đường. Sau đó, chợ được chuyển ra một khu đô thị mới được xây dựng, nằm cạnh kênh mương, nên chợ trong khu vực đô thị giờ rất văn minh.

Do đó, cần đầu tư phát triển đô thị trong đó có chợ, chứ không nên chỉ nghĩ đầu tư chợ. Nhưng nâng cấp hay chuyển đổi mô hình quản lý vẫn là những thách thức đặt ra trong thời gian tới…

Để thực hiện được kế hoạch này, rất cần sự vào cuộc chung tay của các cấp, các ngành địa phương liên quan trong việc hoạch định chính sách, thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa, đề xuất những giải pháp không chỉ bảo tồn được nét đặc trưng, tính truyền thống của chợ, mà cần phải làm cho chợ hiện đại, sạch sẽ, bảo vệ môi trường hơn, trên hết là nâng cấp chợ thành không gian công cộng để nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top