Aa

Những yếu tố gây áp lực lên lạm phát

Thứ Tư, 12/05/2021 - 13:00

Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), “áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm vẫn vô cùng lớn”.

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 0,89% so với cùng kỳ - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, lạm phát cơ bản cũng chỉ tăng 0,74%, nhưng bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, “áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm vẫn vô cùng lớn”.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

PV: Người dân cả nước vừa kết thúc đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhu cầu đi lại, mua sắm, tiêu dùng dịch vụ rất lớn, nhưng thưa bà, vì sao CPI tháng 4 giảm 0,04% so với tháng trước đó?

Bà Nguyễn Thu Oanh: Đợt nghỉ lễ năm nay rơi đúng vào thời điểm Covid-19 quay trở lại, nên nhu cầu có tăng, nhưng không cao như mọi năm (trừ đợt nghỉ lễ năm 2020). Rất nhiều gia đình đã hạn chế đi lại, thậm chí hủy tour du lịch đã đặt trước, nên mặt bằng giá cả không tăng do cầu thấp. Hơn nữa, kỳ nghỉ lễ bắt đầu từ ngày 29/4, thời điểm đã “chốt sổ” để tính CPI tháng 4, nên không ảnh hưởng đến việc tính CPI tháng 4.

CPI tháng 3/2021 chịu tác động rất lớn từ 3 đợt tăng giá bán lẻ xăng dầu (ngày 25/2, 12/3 và 27/3, với mức tăng 6,89% so với tháng trước), đẩy chỉ số nhóm hàng giao thông tăng 2,29%. Trong khi đó, tháng 4/2021, giá xăng dầu tác động rất ít tới CPI, nên CPI tháng 4 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm, CPI tăng 0,89%. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

PV: Với tình hình như vậy, theo bà, CPI tháng 5 liệu có tăng đột biến, đặc biệt khi Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp?

Bà Nguyễn Thu Oanh: Như tôi đã nói, CPI tháng 3 chịu tác động rất lớn bởi 3 lần tăng giá xăng dầu; còn tháng 4 có một đợt tăng giá nhẹ (ngày 27/4) và một lần giảm giá (ngày 12/4) và tính chung 2 đợt điều chỉnh, mặt bằng giá xăng dầu bán lẻ tăng không đáng kể. Tuy nhiên, hiện tại, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng, nên chắc chắn sẽ tác động mạnh đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 12/5 tới đây.

Đúng là Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng do đã có kinh nghiệm chống dịch trong hơn một năm qua, cộng với tâm lý người dân cũng đã quen với dịch bệnh, không còn hoảng loạn đi mua gom hàng hóa thiết yếu, như cách đây hơn một năm, nên Covid-19 không tác động tiêu cực đến CPI.

PV: Như vậy, CPI tháng 5 này phụ thuộc rất lớn vào việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu tới đây, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Oanh: CPI tháng 5/2021 phụ thuộc rất lớn vào đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 12/5 và 27/5, vì trước đó, ngày 27/4, giá xăng dầu các loại đã tăng. Tuy nhiên, ngoài yếu tố thị trường, sự can thiệp của Nhà nước, thì CPI còn phụ thuộc vào cách so sánh.

Cụ thể, tháng 5/2020, CPI giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước và là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, lấy CPI của tháng 5 năm nay so với tháng 5 năm trước (ở mặt bằng thấp), thì CPI tháng 5 năm nay sẽ cao. Tuy nhiên, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 ở mức rất cao (4,39%), nên CPI bình quân 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước chắc chắn sẽ không cao.

PV: Thưa bà, CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay đạt mức thấp nhất kể từ năm 2016, với mức tăng 0,89%, chỉ bằng số lẻ của cùng kỳ năm 2020 (tăng 4,9%), nên có thể yên tâm với việc kiểm soát lạm phát?

Bà Nguyễn Thu Oanh: Mặc dù CPI bình quân 4 tháng đầu năm, thậm chí cả 5 tháng đầu năm là rất thấp, song trong những tháng cuối năm, áp lực đè lên lạm phát không hề nhẹ. Nguyên nhân chính là giá xăng dầu năm 2020 giảm liên tục, khiến CPI cả năm 2020 chỉ tăng 3,23%. CPI năm nay đứng trên nền thấp để so sánh, nên nhiều khả năng sẽ cao nếu không kiểm soát thật tốt cả cung - cầu hàng hóa, lẫn điều hành chính sách tài chính, tiền tệ.

Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, nhưng không vì thế mà hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại bị kìm hãm như năm 2020, nên kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ (ước tăng 4 - 4,5%). Theo đó, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng, đẩy mặt bằng giá đầu vào của hoạt động sản xuất tăng, tạo ra áp lực lạm phát cho Việt Nam do Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị, máy móc, vật tư, phụ liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất.

Ở trong nước, cộng đồng doanh nghiệp đang thích ứng với điều kiện bình thường mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động trở lại. Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 2,8%), khiến nhu cầu về vốn, nguyên nhiên vật liệu tăng lên.

Ngoài ra, để phục hồi kinh tế, chính phủ các nước, cũng như Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng qua việc miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ tiền cho người dân bị tác động tiêu cực bởi Covid-19; nới lỏng chính sách tiền tệ, nên cũng tạo áp lực rất lớn đối với việc kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm.

PV: Ngoài ra, mặt hàng “vàng đen” cũng đè lên lạm phát, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Oanh: Kinh tế phục hồi, nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng, nhưng các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn quyết duy trì sản lượng khai thác thấp hơn nhu cầu của thế giới, nên sẽ khiến giá dầu thô tăng mạnh. Giá dầu Brent bình quân 4 tháng đầu năm đã tăng hơn 20% so với tháng 12/2020. Hồi đầu năm, nhiều tổ chức quốc tế dự báo, giá dầu Brent bình quân năm 2021 sẽ khoảng 60 USD, tăng trên dưới 40% so với năm 2020. Với mức giá này, dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng khoảng 25%, tác động làm CPI tăng 0,9 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, giá dầu WTI đang được giao dịch ở mức 66,26 USD/thùng, còn giá dầu Brent là 69,44 USD/thùng, tức là đã vượt xa dự báo, nên tác động đến CPI năm nay sẽ lớn hơn nhiều.

Dẫu vậy, với kinh nghiệm điều hành giá trong thời gian vừa qua của các bộ, ngành hữu quan và sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, tôi tin rằng, mục tiêu lạm phát 4% có thể thực hiện được, nhưng không được lơ là bởi có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn tác động lên lạm phát./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top