"Dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt nhiều khả năng khiến cho nhu cầu tiêu dùng chưa thể hồi phục mạnh trở lại", Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhấn mạnh trong báo cáo phân tích công bố mới đây.
Nhóm chuyên gia của VCBS dự báo lạm phát tháng 5 có thể giảm 0,1% so với tháng 4, tương ứng tăng 2,62% so với cùng kỳ năm ngoái do sức tiêu dùng phần nào bị tác động bởi làn sóng dịch bệnh mới nhất xảy ra tại Việt Nam.
Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 0,04% so với tháng 3, tương ứng tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân 4 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 0,89% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Trong khi đó, lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.
Lạm phát thấp nên trong tháng 4, lãi suất huy động và cho vay hầu như không biến động. Giai đoạn này, theo đánh giá của VCBS, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thể hiện sự nhất quán, kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ bất động sản và định hướng chung vẫn là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
"Chính sách điều hành ổn định ít biến động trong giai đoạn này được xem là điểm sáng", nhóm chuyên gia nhìn nhận.
"Tính tới thời điểm này, các biến chủng Covid-19 đang là rào cản đáng kể đến khả năng sớm đẩy lui dịch bệnh bất chấp các nỗ lực tiêm phòng vaccine vẫn đang được tiến hành. Như vậy, các nỗ lực hồi phục kinh tế sẽ tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn. Theo đó, chúng tôi duy trì dự báo về các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất cho tới năm 2022 đối với nhiều ngân hàng trung ương lớn khi mục tiêu ưu tiên của giai đoạn này vẫn sẽ là hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh", báo cáo của VCBS cho hay.
Liên quan đến áp lực tăng lãi suất liên ngân hàng cuối tháng 4, công ty chứng khoán này cho rằng diễn biến trên chỉ mang yếu tố thời vụ khi cuối tháng thường là thời điểm các ngân hàng chốt số liệu và áp lực chỉ ghi nhận cục bộ tại một số ngân hàng, mà không phản ánh toàn hệ thống ngân hàng.
Hơn nữa, trong bối cảnh lo ngại diễn biến dịch bệnh, kỳ vọng và nhu cầu tín dụng khó có khả năng được đẩy mạnh. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư vẫn tiếp tục tìm đến địa điểm lý tưởng như Việt Nam.
"Chúng tôi duy trì nhận định các yếu tố thị trường sẽ ủng hộ cho mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể duy trì ở mặt bằng thấp", VCBS nêu quan điểm.
Về tăng trưởng kinh tế, nhóm chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm có thể đạt 6,5 - 6,7%.
Trước đó, Tổng cục thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế tháng 4 năm 2021. Trong đó, điểm nhấn chính là hoạt động xuất nhập khẩu với mức tăng trưởng cao. Cụ thể, mức tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu lên tới 23,2%. Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 10%, với điếm sáng tiếp tục thuộc về ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Đồng thời, chỉ số PMI tháng 4 tăng tháng thứ 3 liên tiếp lên 54,7 điểm từ ngưỡng 53,6 điểm ghi nhận trong tháng trước, cho thấy ngành sản xuất tiếp tục hồi phục trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng vừa qua.
Về tỷ giá, sau khi Việt Nam thoát khỏi danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ, VCBS cho rằng với dư địa cả về nguồn lực và chính sách hiện có, Ngân hàng Nhà nước có thể hoàn thành mục tiêu ổn định tỷ giá. Theo đó, công ty chứng khoán này duy trì dự báo trong năm 2021, tỷ giá dao động trên dưới 0,5%./.