Aa

TS. Nguyễn Minh Phong: “Niềm tin chính sách vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay“

Chủ Nhật, 30/04/2023 - 06:12

TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, phải tiếp tục đẩy mạnh ngăn chặn và xử lý hiện tượng nhũng nhiễu, tham nhũng, đòi hỏi “bôi trơn” làm khổ doanh nghiệp và người dân

Trong cuộc trao đổi mới nhất với PV Reatimes, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong đã nêu ra một loạt những tồn tại cũng như giải pháp, đồng thời tin tưởng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế trong 3 quý còn lại của năm 2023. Ông đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, đồng thời đề nghị quyết liệt xử lý trách nhiệm với những cán bộ nhũng nhiễu hoặc né trách nhiệm nhằm cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh trong những năm tiếp theo.

PV: Tăng trưởng thấp trong quý I là điều đã được dự báo trước, song 3,32% cos lẽ vẫn là một con số gây bất ngờ. Như vậy 3 quý tới, trung bình mỗi quý phải tăng trưởng trên 7% thì mới đạt mục tiêu năm nay là 6,5%. Theo ông, điều này có khả thi không? 

TS. Nguyễn Minh Phong: Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% hay không là điều không ai có thể chắc chắn. Nguyên nhân là năm 2023, kinh tế vẫn trong trạng thái suy thoái do những biến động trong hệ thống ngân hàng trên thế giới, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn đang có xu hướng diễn ra ở các nền kinh tế phát triển. Ngoài ra, các yếu tố khác có thể kể đến là căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu, thể chế chính sách… Điều này sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy vậy, vẫn có nhiều căn cứ để kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay. Mới đây nhất, trong báo cáo “Triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo trong năm 2023 - 2024”, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng lạc quan rằng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% với ba trụ cột chính.

Trụ cột đầu tiên nằm ở đầu tư công. Năm 2023, khối lượng đầu tư công cần giải ngân là rất lớn, gần 30 tỷ USD. Nếu Việt Nam giải ngân hết, đầu tư công sẽ tạo đột phá mạnh cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 1% GDP.

Trụ cột thứ hai là việc chuyển hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam, từ thắt chặt để kiểm soát lạm phát sang linh động phù hợp hơn để hỗ trợ tăng trưởng. Đó là chuyển biến rất quan trọng tác động trực tiếp tới sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng tốt cho năm 2024.

Cuối cùng là sự mở cửa của Trung Quốc. Hầu hết các lĩnh vực chủ chốt của Trung Quốc từ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đều tăng trưởng mạnh. Thêm vào đó, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc sẽ là nước đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng đóng góp của nước này được dự báo sẽ gấp đôi Mỹ, khoảng 22,6%. Việc khai thác tốt thị trường này góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 

Sau giai đoạn khó khăn quý I, hiện tại đang có nhiều yếu tố hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam. (Ảnh minh hoạ: Yến Thanh)

Còn về mức tăng trưởng 3,32% của quý I, tôi cho rằng đây là mức khá so với bình quân chung trên thế giới và khu vực, khi mà các nền kinh tế khác được dự báo là tăng trưởng ở mức rất thấp. 

Mặt khác, đã thành thông lệ tại Việt Nam, tăng trưởng quý sau luôn luôn tốt hơn so với quý trước. Với mức khởi điểm là 3,32% thì các quý sau có thể là 5%, 6%... thậm chí quý cuối cùng bứt tốc tăng cao, bởi gắn với dịp Tết, tiêu dùng rất mạnh.

Thêm vào đó, nhiều dự báo cho rằng, khó khăn sẽ chỉ kéo dài đến hết quý II, từ quý III trở đi thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Doanh nghiệp cũng không thể ì ra được, họ sẽ phải vận động tìm cách sinh kế. Tổng hợp những yếu tố đó lại, tôi nghĩ sẽ tạo ra sự tăng trưởng mạnh trong các quý tiếp theo. 

PV: Chính phủ đã lường trước các khó khăn và thách thức nên ngay từ đầu năm đã có những biện pháp khá mạnh để hỗ trợ tăng trưởng như: Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giảm lãi suất, thúc đẩy các gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn, thúc đẩy giải quyết những khó khăn của thị trường bất động sản. Ông đánh giá thế nào về các biện pháp này? 

TS. Nguyễn Minh Phong: Có thể khẳng định rằng đó là những động thái rất tích cực, cho thấy quyết tâm hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin cho thị trường. Tuy nhiên, những chính sách này có hiệu quả tới đâu thì vẫn phải chờ thời gian vì các chính sách đều có độ trễ nhất định và việc thực thi cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Chẳng hạn, Nghị định 08 đã mở ra một con đường thoát hiểm cho nhà phát hành trái phiếu với các quy định cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; tạm hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp... song việc thực thi thế nào thì phải phụ thuộc vào quá trình thoả thuận, đàm phán giữa doanh nghiệp và trái chủ. Chính sách đã tạo độ mở hết sức rồi, còn kết quả đạt được tới đâu còn phụ thuộc vào nỗ lực của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và đề xuất quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, góp phần phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh

Trước đó, ngày 11/2/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ.

Đây cũng là một biện pháp rất cần thiết giúp cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và ổn định thị trường. Như Ngân hàng Nhà nước đã thông tin, đối tượng nào, ngành nghề nào được giãn, hoãn nợ trong năm nay sẽ được tính toán kỹ nhằm hỗ trợ đúng cho doanh nghiệp gặp khó khăn. Song chính sách cũng phải bảo đảm độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn.

bất động sản 2023
Những khó khăn vướng mắc pháp lý và tiếp cận vốn đang được tích cực tháo gỡ, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định và bền vững. Ảnh minh họa: Minh Quân

PV: Ông có kiến nghị gì về mặt chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn?  

TS. Nguyễn Minh Phong: Trong bối cảnh hiện nay, điều đầu tiên và quan trọng nhất là đánh giá khách quan tình hình, nhận diện đúng các khó khăn, tạo ra sự đồng thuận xã hội, chứ không phải bôi xanh, bôi đỏ tạo ra diễn biến tâm lý bất lợi. Việc củng cố niềm tin đối với chính sách, niềm tin vào thị trường, niềm tin đầu tư, niềm tin tiêu dùng là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Điều thứ hai là cần rốt ráo gỡ nút thắt chính sách mà doanh nghiệp kêu bấy lâu nay như vướng mắc pháp lý, tiếp cận nguồn vốn. Dù vậy, Chính phủ cũng nên xác định tâm thế là lắng nghe doanh nghiệp để tìm kiếm giải pháp chứ không chạy theo các đòi hỏi để “chiều chuộng” doanh nghiệp. 

Chẳng hạn có nhiều nhà đầu tư bất động sản đầu cơ chứ không đầu tư, không đủ năng lực, không đủ tiền mà triển khai hàng chục dự án, có vốn 1 đồng mà vay 10 đồng, cuối cùng nợ đầm đìa. Với những đối tượng đó thì phải dùng quy luật thị trường để đào thải chứ không phải cứu bằng mọi cách, vì sau đó không thể lường hết hậu quả. Theo tôi, tinh thần là vừa tháo gỡ chính sách vừa đảm bảo lợi ích chung, đảm bảo sự ổn định sự phát triển.

Thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh ngăn chặn và xử lý hiện tượng nhũng nhiễu, tham nhũng, đòi hỏi “bôi trơn” trong hệ thống, vấn đề này các cơ quan chức năng đang làm rất mạnh và cần tiếp tục xử lý rốt ráo để tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần lắng nghe và hành động chứ không phải nghe rồi để đó. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, nêu rõ trong thời gian gần đây, thực tế ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Việc này dẫn tới sự trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể nếu xảy ra trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền. Xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực. 

Tôi cho rằng đây là chỉ đạo rất kịp thời và phải triển khai quyết liệt, vì chính sách đã ban hành rồi thì cần phải thực thi ngay để phát huy hiệu quả chứ không phải ban hành rồi để đó, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. 

PV: Như ông nói, các chính sách là nỗ lực, còn kết quả cuối cùng ra sao phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố và vẫn phải đợi thời gian trả lời. Vậy giả sử chúng ta không đạt được mục tiêu tăng trưởng thì sao?

TS. Nguyễn Minh Phong: Con số tăng trưởng GDP không phải tất cả. Điều quan trọng nhất là kinh tế vẫn phát triển, doanh nghiệp hoạt động tốt, tạo ra công ăn việc làm, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho nhân dân, an toàn xã hội được đảm bảo… Chúng ta trước nay không bất chấp hậu quả để mục tiêu bằng được./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top