Aa

Ninh Bình: Báo cáo phương án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư

Theo An Na/Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình
Theo An Na/Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình
Thứ Hai, 18/12/2023 - 15:11

Sáng 17/12, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị nghe Báo cáo phương án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày định hướng bảo tồn bền vững di sản cố đô Hoa Lư. Các nội dung trọng tâm nhằm phát triển Kinh tế di sản, thương hiệu và hệ thống sản phẩm; công nghiệp văn hoá và sáng tạo. 

Nhấn mạnh Ninh Bình có thể thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa nhờ những lợi thế về địa lý và khí hậu đa dạng, cũng như bản sắc văn hóa đặc sắc. Mỗi địa phương tại Ninh Bình cần có nét văn hóa riêng biệt: từ đô thị phim ảnh, đến các làng nghệ thuật, làng hoa, đô thị công nghệ cao, điểm du lịch biển... tất cả tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn để cùng nhau tạo nên một khu vực đáng tận hưởng. 

Ninh Bình: Báo cáo phương án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư- Ảnh 1.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Về phân vùng chức năng và phát triển không gian, đơn vị tư vấn đã trình bày 12 ý tưởng quy hoạch như: Hồi sinh cố đô Hoa Lư với diện mạo văn hóa, văn minh và văn hiến; chiến lược phát triển đô thị cố đô-di sản Ninh Bình; mô hình chiến lược bảo tồn bền vững Cố đô Hoa Lư; cấu trúc đô thị di sản trung tâm-Cố đô Hoa Lư; đô thị lịch sử, tái hiện các không gian truyền thống... Các phân vùng được thiết lập, tổ chức trên cơ sở chuyển hóa không gian chức năng, cảnh quan hiện hữu, xen cài các khu vực chuyên đề theo đặc trưng di sản, khu vực phát triển mới, khu vực tương tác phát triển, hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng văn hóa, du lịch, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật.

Cố đô Hoa Lư được xác lập bao gồm 08 phân vùng chức năng: Khởi Nghiệp trung tâm; Phát Tích trung tâm; Công viên lịch sử và đô thị di sản trung tâm; Đô thị du lịch trung tâm; Tiếp Biến trung tâm; Thương mại và Đổi mới Sáng tạo trung tâm; Kiến Nghiệp và Trường quay trung tâm; Quần cư di sản trên nước trung tâm.

Định hướng phát triển không gian bảo tồn bền vững Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm các nội dung: Định hướng giới hạn tăng trưởng không gian bảo tồn và phát triển; định hướng phân bố dân cư đô thị, nông thôn; xác định mối liên hệ giữa không gian bảo tồn di tích và xây dựng mới; định hướng bảo tồn và phát triển không gian di sản; định hướng phát triển không gian du lịch; định hướng phát triển không gian trung tâm, các khu vực trọng điểm; định hướng phát triển không gian giao thông; định hướng phát triển không gian xanh, mặt nước; định hướng phát triển không gian mở, không gian cộng đồng; định hướng phát triển không gian cư trú; định hướng phát triển không gian hạ tầng kỹ thuật; định hướng phát triển không gian dịch vụ và tiện ích; định hướng phát triển không gian tạo việc làm; định hướng phát triển không gian sinh thái môi trường; định hướng phát triển không gian thẩm mỹ và phong cách.

Các đại biểu dự Hội nghị đều thống nhất ý kiến: Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư mang giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu, là nền tảng quan trọng để Ninh Bình hình thành và phát triển công nghiệp văn hóa. Chính vì thế công tác quy hoạch cần phải đánh giá tổng thể, các yếu tố tác động, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch tỉnh. 

Với 12 ý tưởng quy hoạch đã giải quyết được những tồn tại, bất cập, đáp ứng được yêu cầu phát triển gắn với bảo tồn, tuy nhiên cần quan tâm hơn đến giải pháp bảo vệ môi trường, định hướng phân vùng chức năng đảm bảo hài hòa các yếu tố về lịch sử, tự nhiên, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đề nghị mở rộng phạm vi nghiên cứu một số khu vực như núi Cánh Diều, núi Non nước và vùng phụ cận tại các địa phương…

Ninh Bình: Báo cáo phương án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư- Ảnh 2.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị Ninh Bình và định hướng xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, phát triển công nghiệp văn hóa, hướng tới là trung tâm tổ chức sự kiện của tỉnh và quốc gia. Bên cạnh đó, đồng chí cũng thống nhất về mặt chủ trương đối với các nội dung mà đơn vị tư vấn đề cập.

Đồng chí đề nghị đơn vị tư vấn tôn trọng các quy hoạch đã được phê duyệt, tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, địa phương hoàn chỉnh Báo cáo phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top