Tại thành phố Ninh Bình, từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều khu đất ở được đưa ra đấu giá nhưng không có người mua, thậm chí có những khu đã tổ chức đấu giá đến 2 lần nhưng vẫn ế.
Cụ thể như, khu dân cư Bắc Phong (giai đoạn II) thuộc phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình với quy hoạch 142 lô đất ở (cả lô liền kề và lô nhà vườn). Tuy nhiên, đã trải qua 2 lần tổ chức đấu giá nhưng hiện vẫn còn 61 lô và thành phố Ninh Bình đang chuẩn bị cho tổ chức đấu giá tiếp lần thứ 3.
Còn tại khu An Hòa 1, thuộc phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình có 301 lô theo quy hoạch (gồm lô liền kề và nhà vườn) nhưng cũng sau 2 lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, hiện vẫn còn 99 lô không có người mua.
Cũng tại phường Ninh Phong, khu Tây Lý Nhân Tông theo mặt bằng quy hoạch là 253 lô (gồm lô liền kề và nhà vườn), sau 2 lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thì đến nay vẫn còn ế 112 lô.
Hay như khu dân cư Đông Hạ thuộc xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình có tổng 112 lô theo mặt bằng quy hoạch (gồm cả lô nhà vườn và liền kề), sau một lần đấu giá thì hiện nay vẫn còn 93 lô chưa có người mua.
Tương tự tại các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng ảm đạm, nhiều khu đất ở được đưa ra đấu giá nhiều lần nhưng vẫn không có người mua.
Trao đổi với PV, ông Lê Tiến Dũng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Ninh Bình cho biết, tình trạng đấu giá đất khó khăn có thể do nhu cầu người dân và do thị trường bất động sản bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế. Cùng với đó, hiện nay, các địa phương đều thay đổi phương án đấu giá, điều này cũng gây không ít khó khăn, bỡ ngỡ cho người dân.
"Đối với những khu đất đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà vẫn còn đất, từ giờ đến cuối năm, thành phố sẽ tiếp tục cho tổ chức đấu giá. Nếu đấu giá thành công cả 4 khu đất trên sẽ thu về cho ngân sách Nhà nước khoảng 1.500 tỉ đồng" - ông Dũng cho hay.
Ông Nguyễn Trường Tuấn, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình) cho biết, thị trường bất động sản tại Ninh Bình bắt đầu trầm lắng từ những tháng cuối năm 2022 vì ngân hàng siết chặt các khoản vay đầu tư bất động sản.
"Phần lớn người đầu tư vào bất động sản chủ yếu là đi vay tiền từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Chính vì vậy, khi ngân hàng siết chặt các khoản vay đầu tư bất động sản thì người đầu tư lâm vào khó khăn" - ông Tuấn cho hay.