Mới đây, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cùng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (ĐHQG Hà Nội) và Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã tổ chức Hội thảo Quốc tế "Lượng hoá giá trị Quần thể danh thắng Tràng An và Phát triển thương hiệu của điểm đến Di sản thế giới". Hội thảo đã thông qua phương pháp lượng giá giá trị kinh tế tổng thể, lượng giá được tổng giá trị kinh tế của di sản Tràng An với tổng giá trị ước tính là 233 tỷ USD.

Di sản Tràng An tại tỉnh Ninh Bình (Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia)
Kết quả lượng giá xác nhận rằng du lịch di sản là động lực kinh tế quan trọng. Tràng An đang tạo ra một mô hình di sản kết nối, dẫn dắt phát triển kinh tế của địa phương. Đóng góp đáng kể vào việc tạo việc làm, tăng doanh thu và sự phát triển của các ngành liên quan như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp văn hóa.
Cùng với đó, Di sản Tràng An cũng tác động to lớn với giá trị của di sản định cư và đất nông nghiệp. Giá trị này đã được lượng giá và khuyến nghị chính sách phát triển đô thị trong tương lai tại khu vực vùng lõi và vùng đệm của di sản.
Việc lượng hóa giá trị của Di sản Tràng An không chỉ đánh giá được lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp của di sản mà còn xem xét cả các yếu tố tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của cư dân địa phương. Theo đó, giá đất ở sẽ chịu tác động mạnh mẽ từ di sản trong vực vùng lõi di sản. Bên cạnh đó, đề án cũng tính toán, xem xét giá trị đất do tác động từ di sản trong khu vực vùng đệm ước tính khoảng 20 tỷ USD.
Theo chia sẻ của TS. Alessio Re, Tổng Thư ký tổ chức Santagata về Kinh tế và Văn hóa, cố vấn của UNESCO: "Việc lượng giá giá trị kinh tế cho Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An thực sự rất ý nghĩa, tạo động lực thúc đẩy cho phát triển. Hiện nay mới chỉ một số ít quốc gia trên thế giới thực hiện việc đánh giá này".
Những kết quả đạt được của Hội thảo sẽ là tiền đề, động lực quan trọng để tỉnh Ninh Bình tiếp tục công cuộc bảo tồn và phát huy hiệu quả, bền vững giá trị di sản thế giới. Đồng thời, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa thành phố Hoa Lư vào mạng lưới các đô thị di sản thế giới, xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với định hướng là một "Đô thị di sản thiên niên kỷ" vào năm 2035.