Aa

Ninh Bình trên đà phát triển toàn diện, bền vững

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Tư, 14/12/2022 - 22:25

Tập trung tái cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững với nhiều nội dung quan trọng, đó là những cách làm hiệu quả giúp Ninh Bình vươn lên trong những năm qua.

Tỉnh Ninh Bình xác định những năm tiếp theo là năm hành động và quyết tâm tạo bước đột phá thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, Ninh Bình đã tập trung, chủ động, linh hoạt trong điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Kinh tế - xã hội tăng trưởng ấn tượng

Kinh tế tiếp tục phục hồi, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó có 3 chỉ tiêu đạt, 12 chỉ tiêu vượt và vượt cao.

Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn năm 2022 tăng 8,62% so với năm 2021, vượt cao so kế hoạch đề ra. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy tăng 3,04%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,67%, riêng công nghiệp tăng 5,96%; khu vực dịch vụ tăng mạnh mẽ, đạt 15,45%; thuế nhập khẩu, sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,99%.

Quy mô nền kinh tế đạt 81.775 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 81 triệu đồng, tăng 9,1 triệu đồng so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ với tỷ trọng dịch vụ là 44,2%; công nghiệp - xây dựng là 45,2%; nông, lâm, thủy sản là 10,6%.

Định hướng phát triển Ninh Bình trên nhiều lĩnh vực
Tỉnh Ninh Bình xác định những năm tiếp theo là năm hành động và quyết tâm tạo bước đột phá thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh HT)

Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng đạt 7,2%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 7,6% so với năm 2021. Cơ cấu vốn đầu tư có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 98%.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng tiếp tục có chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp, bài bản, đúng trình tự, thủ tục theo quy định; bố trí vốn đảm bảo tập trung, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm. Đến ngày 25/11/2022, đã giải ngân đạt 93,9% kế hoạch vốn, luôn đứng trong tốp đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Đẩy mạnh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, nhất là các công trình dự án trọng tâm, quan trọng, có tính chất chiến lược.

Đặc biệt, đã tháo gỡ vướng mắc, tồn tại nhiều năm của một số dự án, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, tiến độ lập các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, nhất là hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Hội đồng thẩm định Quốc gia. Cơ bản hoàn thiện quy hoạch vùng cấp huyện và quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị và nông thôn.

Nông nghiệp phát triển toàn diện cả 3 khu vực: trồng trọt, chăn nuôi và thủy, hải sản; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức tiên tiến, bền vững.

Công tác xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh, đạt kết quả tích cực; đến tháng 6/2022, 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); trong đó có 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã NTM mới kiểu mẫu; 281 thôn NTM kiểu mẫu; có 7/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Các lĩnh vực dịch vụ phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 17,95% so với năm 2021, trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 71,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6,6% và vượt 12,5% kế hoạch năm; thị trường xuất khẩu mở rộng. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 2,0%.

Định hướng phát triển Ninh Bình trên nhiều lĩnh vực
Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình. (Ảnh HT)

Hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, nhiều hoạt động du lịch được tổ chức, lượng khách đến với Ninh Bình đạt gần 3,7 triệu lượt, gấp 3,6 lần so với năm 2021, vượt 47,6% kế hoạch năm, doanh thu tăng gấp 3,7 lần.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 ước đạt 23.300 tỷ đồng, Trong đó: Thu nội địa 15.470 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất ước đạt 2.680 tỷ đồng. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 5.100 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện cả năm là 18.551 tỷ đồng.

Công tác thu hút đầu tư được đổi mới mạnh mẽ, theo hướng thực chất; tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm là 5.817 tỷ đồng. Công tác phát triển doanh nghiệp được tập trung chỉ đạo; đã đăng ký thành lập mới 1.057 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, có 320 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại.

Công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tỉnh được nâng lên; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, tăng 18 bậc so với năm 2020.

Tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến có đủ điều kiện ở mức độ 4 và tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đáp ứng yêu cầu. Tập trung tái cơ cấu nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững với 5 nội dung quan trọng: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, xác định ngành dịch vụ là động lực tăng trưởng trong những tháng cuối năm, nhất là dịch vụ du lịch.

Tăng cường quản lý ngân sách; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Tăng cường công tác quản lý đô thị, tiếp tục thanh tra, kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn. Tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình dự án trọng tâm, có vai trò chiến lược.

Tập trung đổi mới toàn diện hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng đa chiều, UBND tỉnh kịp thời giải quyết, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận, đúng theo phương châm "chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp".

Nhiều mục tiêu quan trọng cần thực hiện năm 2023

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV diễn ra mới đây, Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình xác định nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Ninh Bình cần thực hiện trong những năm tiếp theo đó là: Năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tập trung cao độ, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Với việc thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cùng với những thành quả đạt được trong những năm qua và sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự thống nhất, đồng thuận của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tiếp tục là tiền đề, nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh.

Định hướng phát triển Ninh Bình trên nhiều lĩnh vực
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Báo Ninh Bình)

Năm 2023, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đặt ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội như: Khôi phục và tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị GRDP gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án trọng tâm, chiến lược. Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả ngân sách, tài sản của nhà nước, đất đai, tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và xúc tiến đầu tư; củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh một cách đồng bộ, toàn diện gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng khai thông hiệu quả không gian tăng trưởng mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030; hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để làm cơ sở hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển; đẩy mạnh phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa.

Tiếp tục đổi mới cách thức thu hút đầu tư, cách tiếp cận các nhà đầu tư. Tập trung thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án lớn, nhất là xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị hiện đại. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ngân sách, tài sản nhà nước, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường kiểm tra, xử lý dự án ngoài ngân sách, kiên quyết thu hồi đất các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất kém hiệu quả; tập trung kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, thu hút các dự án, nhất là các dự án FDI; tập trung thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác thải. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng, phát huy hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung phát triển các ngành dịch vụ, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm du lịch mới, nhất là sản phẩm du lịch chất lượng cao. Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác các dự án dịch vụ du lịch.

Tổ chức quản lý, thực hiện tốt các Quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển đô thị tỉnh, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tỷ lệ đô thị hóa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top