Aa

Cần công khai chức vụ, danh tính cán bộ liên quan tới hàng loạt vi phạm lớn về đất đai tại Ninh Bình

Chủ Nhật, 07/11/2021 - 17:37

Một số ý kiến cho rằng, cần công khai danh tính chức vụ của cán bộ vi phạm đất đai tại tỉnh Ninh Bình, đồng thời chuyển vụ việc tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Ninh Bình (thời kỳ 2011 - 2018). Theo đó, hàng loạt các tồn tại, hạn chế đã được cơ quan thanh tra chỉ rõ, đồng thời đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Những vi phạm đã nêu thuộc trách nhiệm UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo UBND huyện, thành phố có liên quan…

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện một số nội dung, cụ thể: Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cá nhân có liên quan đến tồn tại, vi phạm đã nêu để có hình thức xử lý theo đúng quy định (liên quan tới nội dung công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản).

Tuy nhiên, Kết luận Thanh tra chưa chỉ rõ nguyên nhân cụ thể (khách quan, chủ quan) dẫn đến những vi phạm nêu trên. Bên cạnh đó, trách nhiệm người đứng đầu có liên quan tới vi phạm (nếu có) của tỉnh Ninh Bình qua các thời kỳ cũng chưa được đề cập rõ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Bình luận về vụ việc trên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoan nghênh Thanh tra Chính phủ trong việc làm rõ những vi phạm và kiến nghị xử lý dứt điểm những vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Ninh Bình thời gian qua.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định, những vi phạm về quản lý đất đai tại Ninh Bình không phải do trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ bị hạn chế: “Khi cán bộ được đề bạt, cất nhắc lên vị trí lãnh đạo thì phải đáp ứng yêu cầu trình độ, năng lực chứ không phải thích là làm được”.

Vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cơ quan có trách nhiệm tại địa phương đã không làm tròn trách nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát những vi phạm có liên quan: “Tại sao sự việc diễn ra trong nhiều năm nhưng chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc mới phát hiện ra vi phạm? Trong khi đó, Thanh tra Nhà nước ở địa phương thì không nhìn ra?

Về mặt lý thuyết, Thanh tra Nhà nước ở địa phương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về công tác thanh tra. Việc đồng ý hay không đồng ý với kế hoạch thanh tra là do Chủ tịch tỉnh quyết định. Do đó Thanh tra Nhà nước ở tỉnh Ninh Bình cũng phải có ý kiến cụ thể để giải đáp cho câu hỏi: Tại sao phải để Thanh tra Chính phủ vào cuộc mới phát hiện ra vi phạm?”.

Ông Phạm Văn Hòa đặt vấn đề, cần làm rõ dấu hiệu bao che (nếu có) trong vụ việc này: “Đây là vụ việc lớn. Có thể có dấu hiệu bao che của người có thẩm quyền. Vấn đề  này cần phải làm rõ để xử lý người có trách nhiệm dù người đó là ai, làm gì? Có hay không những vi phạm trên có sự “chống lưng” của người có thẩm quyền ở tỉnh Ninh Bình thời gian qua?

Mặt khác, khi Thanh tra Chính phủ đã kết luận rõ ràng vụ việc như vậy thì cơ quan có thẩm quyền khác cũng cần vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của từng trường hợp cụ thể. Ai có dính dáng đến những sai phạm trên phải công khai danh tính, trả lời cho người dân, cử tri được biết để họ thấy rằng việc xử lý vi phạm không có bao che, không có vùng cấm".

Liên quan tới việc tính thuế tài nguyên, quản lý nguồn thu từ đất gây thất thu ngân sách Nhà nước, hay việc giao hàng nghìn héc-ta đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đối với Nhà nước, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, cần làm rõ dấu diệu lợi ích nhóm: “Có ai chỉ đạo việc này không? Có lợi ích nhóm ràng buộc không? Nếu không có tiêu cực thì tại sao doanh nghiệp có thể được sử dụng đất “miễn phí"?

Từ kết luận của Thanh tra Chính phủ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cần vào cuộc để kiểm tra, làm rõ, xem xét trách nhiệm của những cán bộ có liên quan để làm rõ vi phạm.

Bên cạnh đó, vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị cần xử lý nghiêm vụ việc để tạo tính răn đe: “Trong công tác quản lý Nhà nước, nếu thấy dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng thì xử lý theo quy định. Nếu đến mức lạm dụng chức vụ quyền hạn để gây ra thất thu ngân sách có thể xem xét đến trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, cần phải truy thu thuế của những doanh nghiệp sử dụng đất miễn phí trong những năm qua để trả lại tiền ngân sách Nhà nước…”, vị đại biểu kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, đây là những vi phạm mang tính hệ thống, toàn diện.

"Vấn đề đặt ra ở đây là, khi đã phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm, dù người đó là ai. Nếu có ai “chống lưng” cho vi phạm thì xử lý trước. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, công khai danh tính, chức vụ của cán bộ vi phạm để nhân dân được biết”.

Ông Thuận cũng cho rằng, cần phải xử lý dứt điểm vụ việc trong thời gian sớm nhất có thể, bởi đây là thời điểm Quốc hội sắp sửa Luật Đất đai: “Vụ việc này có thể là minh chứng cụ thể về lỗ hổng pháp luật về đất đai, để giúp các nhà làm luật có cái nhìn khách quan, toàn diện để sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tiễn”.

Cũng liên quan tới những thắc mắc nêu trên, phóng viên Reatimes đã liên hệ với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình để được giải đáp, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Ninh Bình (thời kỳ 2011 - 2018). Theo đó, hàng loạt các tồn tại, hạn chế đã được cơ quan thanh tra chỉ rõ, đồng thời đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Về Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện việc chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư khai thác khoáng sản có vi phạm về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các quy định về an toàn lao động theo đúng quy định.

Cùng với đó, chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến các tồn tại để có hình thức xử lý theo đúng quy định.

Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan Thuế tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc áp dụng hệ số quy đổi khối lượng của tất cả các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để truy thu phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên đối với các doanh nghiệp thực hiện quy đổi chưa đúng quy định, chưa nhân với hệ số khai thác lộ thiên (trong đó có một số doanh nghiệp đã được Thanh tra Chính phủ tạm tính còn thiếu hơn 34 tỷ đồng).

Đặc biệt, yêu cầu Công ty Cổ phần Xi măng Hướng Dương lập, trình dự án cải tạo phục hồi môi trường để thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu công ty này thực hiện việc quy đổi khối lượng tính phí bảo vệ môi trường theo hệ số do UBND tỉnh quy định.

Về Công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện xác định lại toàn bộ diện tích phải phải nộp tiền thuê đất của 4 công ty nông nghiệp đã và đang quản lý, sử dụng nhưng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính kế từ thời điểm sắp xếp, chuyển đổi theo đúng quy định của pháp luật; xử lý dứt điểm đối với diện tích 2,78ha đất một số hộ dân đã xây dựng nhà ở (từ trước khi sắp xếp, chuyển đổi nông trường Đồng Giao) theo đúng quy định của pháp luật.

Xem xét thu hồi hơn 129ha đã giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái vui chơi giải trí hồ Đồng Chương do không đủ căn cứ, điều kiện để thu hồi đất, giao đất theo quy định của pháp luật và dự án chậm tiến độ; xem xét thu hồi 444,18ha đất nông trường Yên Phú đã được giao khoán cho các hộ gia đình cá nhân (đã hết hạn hợp đồng và đã được quy hoạch là công viên động vật hoang dã).

Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Nho Quan, Sở Tài nguyên và Môi trường và Công ty Cổ phần Giống bò thịt, sữa Yên Phú, phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng hơn 400 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất của Công ty Cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú nhưng không ký hợp đồng giao khoán mới hoặc bàn giao đất cho công ty quản lý sử dụng. Sớm hoàn thiện thủ tục để ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xác định nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất 241,02ha đã giao cho công ty quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, chỉ đạo Cục Thuế tỉnh xử lý dứt điểm việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Đồng Giao và Công ty Cổ phần Giống, vật nuôi cây trồng Đồng Giao theo quy định của pháp luật.

 (Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top