Aa

Ninh Thuận ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, du lịch

Thứ Tư, 05/01/2022 - 10:30

Năm 2022, tỉnh Ninh Thuận ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: Năng lượng, du lịch, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng cảng biển…

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa quyết định phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022. Theo đó, định hướng của tỉnh là thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư uy tín, năng lực tài chính mạnh để đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh cao nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực đột phá (năng lượng, du lịch), trọng điểm (năng lượng sạch, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao, du lịch, kinh tế đô thị). Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng cảng biển, khu và cụm công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch...

Trong năm 2022, tỉnh Ninh Thuận cũng tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) đã hoạt động, tăng tỷ lệ lấp đầy KCN; thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dự án vào các KCN Cà Ná, các Cụm công nghiệp Tri Hải, Quảng Sơn, Hiếu Thiện và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh; ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, có giá trị gia tăng và tỷ trọng xuất khẩu lớn, các dự án tiết kiệm năng lượng và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đảm bảo mục tiêu phát triển xanh, sạch, bền vững.

Ninh Thuận được coi là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Ninh Thuận sẽ đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến đầu tư; ưu tiên các hoạt động xúc tiến đầu tư có tính liên vùng, liên ngành, lồng ghép và gắn kết các hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch và các lĩnh vực khác có liên quan; xem trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp phép đầu tư để các dự án này triển khai một cách thuận lợi; chú trọng các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư; tích cực hỗ trợ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm có quy mô lớn, mang tính động lực để tạo sức lan tỏa cho các dự án khác cùng phát triển.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2021, tỉnh đã điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 70 dự án với tổng vốn tăng thêm 1.208,18 tỷ đồng; quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đăng ký 9.449,02 tỷ đồng; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư) cho 4 dự án với tổng vốn  là 7.128,36 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương về địa điểm 22 dự án với tổng vốn đăng ký 35.994,74 tỷ đồng. Đặc biệt, UBND tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án Khu đô thị mới (Phủ Hà, Mỹ Phước, Đầm Cà Ná, bờ Sông Dinh) với tổng vốn đầu tư 7.195 tỷ đồng.

Biển Cà Ná, Ninh Thuận.

Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng nhiều nhà đầu tư đã vượt qua khó khăn, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án, nhất là các dự án năng lượng tái tạo. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh có 7 dự án điện gió/320MW và 2 dự án thủy điện/94MW chính thức đi vào hoạt động, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo trên cả nước.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư các thành phần kinh tế trong năm 2021 ước đạt 26.723 tỷ đồng (so với cùng kỳ là 35.320 tỷ đồng); trong đó FDI giải ngân đạt 4.337 tỷ đồng (so với cùng kỳ là 2.382 tỷ đồng) tập trung ở một số dự án như Nhà máy điện gió Hanbaram, Nhà máy điện gió Phước Minh...; giải ngân vốn đầu tư các dự án trong nước ước đạt 22.386 tỷ đồng, tập trung ở một số dự án như: Nhà máy điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1, Nhà máy điện gió Bim, Cảng biển tổng hợp Cà Ná, Nhà máy phong điện vị trí DK13, Nhà máy điện gió số 7A.

Dự kiến năm 2022, vốn giải ngân của các thành phần kinh tế đạt 27.264 tỷ đồng. Trong đó, vốn FDI dự kiến đạt khoảng 970 tỷ đồng tập trung vào một số dự án như: Dự án Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam Enfinity, Công trình phong điện Việt Nam Power số 01, Nhà máy điện gió Đầm Nại 3, Nhà máy điện gió Đầm Nại 4...; vốn giải ngân các dự án trong nước ước đạt 26.280,4 tỷ đồng, tập trung vào một số dự án như: Cảng biển tổng hợp Cà Ná, Nhà máy điện gió số 7A, Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2, Thủy điện tích năng Phước Hòa...

Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ đẩy mạnh tìm kiếm, khảo sát, tổng hợp thông tin về các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, có tiềm năng hợp tác với các đối tác chiến lược. Tăng cường tổ chức làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các tỉnh, thành để triển khai các chương trình hợp tác, tạo liên kết vùng, ngành và lĩnh vực. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác của tỉnh với các nước, các tập đoàn lớn, đặc biệt là các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… và các đối tác là thành viên của Hiệp định CPTPP, EVFTA./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top