Nợ mới chồng nợ cũ và áp lực tài chính tại Becamex

Nợ mới chồng nợ cũ và áp lực tài chính tại Becamex

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 29/05/2024 - 05:51

Được biết đến là "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, nhiều năm liền có lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng thời gian gần đây, Becamex IDC khiến không ít nhà đầu tư lo ngại khi lợi nhuận có chiều hướng suy giảm, nợ vay liên tục tăng cao, kèm theo đó là hàng tồn kho chiếm phần lớn tổng tài sản.

*******

Đường cong lợi nhuận

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, Mã: BCM) tiền thân là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Bến Cát được thành lập vào năm 1976. Thời điểm đó, hoạt động kinh doanh chính của Becamex là thu mua nông sản.

Đến năm 1996, Becamex chuyển sang phát triển khu công nghiệp nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng tích hợp, cơ quan quản lý chuyên biệt cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2010, khi chuyển đổi sang mô hình Tổng Công ty bắt tay vào thực hiện Dự án đầy tham vọng "Thành phố mới Bình Dương" nằm trong khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương, việc xây dựng và phát triển khu công nghiệp của Becamex mới thực sự để lại dấu ấn. Cũng từ đó, đầu tư phát triển khu công nghiệp mới trở thành lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của doanh nghiệp, đưa Becamex từ một "tay mơ" về bất động sản khu công nghiệp trở thành "ông trùm" trong lĩnh vực này.

Trong đó, giai đoạn 2018 - 2020 được xem là giai đoạn vàng son của doanh nghiệp khi lợi nhuận sau thuế liên tục vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp của BCM đạt 2.376 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2017. Sang đến năm 2019, lợi nhuận sau thuế tiếp tục tăng mạnh, lên mức 2.630 tỷ đồng. Năm 2020, lợi nhuận có sụt giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao, 2.186 tỷ đồng.

Tuy nhiên kể từ năm 2021, khi dịch Covid -19 ập đến cũng là lúc Becamex gặp khó khăn trong kinh doanh khiến lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Từ mức 2.186 tỷ đồng năm 2020, BCM chỉ còn 1.457 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế vào năm 2021, giảm 33%.

Sang năm 2022, chi phí kinh doanh tăng cao "ăn mòn" lợi nhuận khiến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp khu công nghiệp chưa có sự cải thiện. Có quý, doanh nghiệp chỉ lãi vỏn vẹn gần 7 tỷ đồng - mức lãi thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay. Cụ thể, quý IV/2022 với doanh thu thuần gần 879 tỷ đồng, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 240 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng lên 305 tỷ đồng đã khiến BCM lãi sau thuế chỉ còn 6,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 378 tỷ đồng.

Năm 2023, lãi sau thuế doanh nghiệp đã về mức trên 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên, kết quả có được không đến từ việc đầu tư kinh doanh, từ mảng khu công nghiệp chủ chốt mà đến từ việc bán dự án. Becamex đã chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu đô thị mới thuộc Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ - đô thị Bình Dương tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một cho Công ty TNHH Sycamore, thuộc CapitaLand. Dự án có quy mô gần 20ha với giá trị chuyển nhượng trên 240 triệu USD (hơn 5.900 tỷ đồng).

Có thể thấy, mặc dù vẫn ghi nhận lợi nhuận nhưng so với giai đoạn trước, Becamex đang có xu hướng giảm dần. Năm 2023 có tăng trở lại nhưng không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà đến từ việc bán bớt tài sản. Đặc biệt, bên kia bảng cân đối kế toán cho thấy, Becamex đang ghi nợ phải trả, nợ ngắn hạn ngày càng tăng cao. Điều này đặt ra nhiều nghi ngại về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Trong khoảng 3 - 5 năm trước, nhờ các chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn, đều đặn hàng năm cho cổ đông, các công ty thành viên của Becamex IDC đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, trong năm 2022 - 2023, chính sách cổ tức tiền mặt của nhóm doanh nghiệp liên quan tới Becamex IDC đã thay đổi. Từ việc trả cổ tức đều đặn, các doanh nghiệp này bắt đầu trì hoãn trả cổ tức cho cổ đông.

Tại Becamex BCE, trong nội dung trình cổ đông tại ĐHĐC ngày 12/4, đơn vị này có kế hoạch không trả cổ tức năm 2023. Trước đó, năm 2022 Becamex BCE cũng không trả cổ tức cho cổ đông.

Với năm 2021, Becamex BCE thông qua việc trả cổ tức với tỷ lệ 5%, tương ứng trả tổng cộng 17,5 tỷ đồng cho cổ đông. Thế nhưng, đến ngày 19/4/2023, Công ty thống nhất hoãn chi trả cổ tức năm 2021.

Tại Becamex IJC, vào cuối năm 2023, HĐQT Công ty đã thông qua việc thay đổi thời gian thanh toán cổ tức 2022 từ ngày 20/12/2023 sang ngày 31/01/2024 để ưu tiên cho việc thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn vào ngày 31/12/2023.

Đây là lần thứ 2 doanh nghiệp này dời ngày thanh toán cổ tức năm 2022. Trước đó, lịch thanh toán ban đầu dự kiến là ngày 06/10/2023 nhưng Becamex IJC đã dời sang ngày 20/12/2023 với lý do chưa thu xếp đủ nguồn tiền để thanh toán cổ tức.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, Becamex IJC vừa thông qua kế hoạch cổ tức với tỷ lệ 7%, thấp hơn kế hoạch đầu năm là 10% và thấp hơn cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 14%. Ngoài ra, bước sang năm 2024, Becamex IJC tiếp tục hạ tỷ lệ cổ tức dự kiến chỉ còn 5% vốn điều lệ.

"Cõng" hơn 22.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn

Theo báo cáo tài chính doanh nghiệp, năm 2022, tổng nợ phải trả của Becamex là 30.344 tỷ đồng. Năm 2023 con số này lên đến 33.951 tỷ đồng, tăng 11,8%. Sang đến quý I/2024, áp lực tài chính tiếp tục đè nặng lên vai Becamex khi tổng nợ phải trả đạt gần 34.543 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối 2023.

Trong đó, nợ ngắn hạn là 22.551 tỷ đồng, chiếm 65,3% tổng nợ phải trả. Riêng nợ vay, BCM có tới 9.637 nợ vay ngắn hạn và 11.370 nợ vay dài hạn. Phần lớn nợ vay là nợ trái phiếu gần 12.000 tỷ đồng.

Như vậy, so vốn chủ sở hữu là 19.526 tỷ đồng, thì tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của Becamex tính đến ngày 31/3/2024 là 107,5%, cao hơn so với trung bình ngành.

Nợ vay cao đã kéo theo chi phí lãi vay của BCM đạt đỉnh. Theo đó, quý I/2024, chi phí lãi vay của BCM là 164,3 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày doanh nghiệp phải trả 1,8 tỷ đồng lãi vay. Thời điểm 6 tháng đầu năm 2023, chi phí này của BCM chiếm đến 460,3 tỷ đồng, tương đương doanh nghiệp phải trả 2,6 tỷ đồng/ngày.

Theo CTCP Chứng khoán MB (MBS), giai đoạn năm 2024 - 2025, nợ vay của Becamex sẽ giảm nhẹ nhờ thanh toán các khoản nợ đến hạn. Cụ thể, năm 2024 Becamex sẽ phải thanh toán 2.700 tỷ đồng nợ đến hạn, năm 2025 là 1.500 tỷ đồng. Khi đó, tổng nợ vay lần lượt còn lại là 18.659 tỷ đồng và 19.438 tỷ đồng; tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của Becamex sẽ duy trì ở mức 96% và 95%.

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy áp lực trả nợ trong năm 2024 và 2025 của Becamex khá lớn. MBS cho rằng, để trả được các khoản nợ đến hạn, khả năng Becamex sẽ phải chuyển nhượng dự án bất động sản và cổ tức nhận từ công ty thành viên.

Bên cạnh áp lực nợ lớn, Becamex còn có hàng tồn kho chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản. Hiện Becamex 54.069 tỷ đồng tổng tài sản, song hàng tồn kho lên tới 20.348 tỷ đồng, chiếm 38%, tăng 3% so với thời điểm cuối năm 2023.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn hơn 2.294 tỷ đồng. Chi phí này tập trung phần lớn tại dự án Hòa Lợi hơn 1.404 tỷ đồng, dự án TDC Plaza hơn 521 tỷ đồng và dự án Unitown - giai đoạn 2 là 369 tỷ đồng.

Với những chỉ số nói trên, rõ ràng sức khỏe tài chính của Becamex IDC đang có nhiều nghi ngại. Dù rằng, vị thế của Công ty vẫn là nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam, với tổng diện tích đất sẵn sàng cho thuê lên tới 357,7ha, cùng với diện tích đất thương mại còn lại là 128ha và sở hữu cổ phần tại liên doanh VSIP - được dự báo mang lại cổ tức ổn định hàng năm… song nợ vay tăng cao, chi phí lãi vay lớn cùng hàng tồn kho khủng sẽ dễ "bào mòn" lợi nhuận doanh nghiệp. Việc xoay sở để trả nợ cũng đã là một áp lực rất lớn cho Becamex vào thời gian tới, dù Becamex IDC khẳng định có đủ năng lực để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn.

Liên tục phát hành trái phiếu để đảo nợ

Trước áp lực nợ vay lớn, đặc biệt là nợ trái phiếu, thời gian qua, Becamex đã tìm đến phương án phát hành trái phiếu mới để thanh toán hoặc mua lại trước hạn các lô trái phiếu cũ đến hạn.

Mới đây nhất, vào ngày 24/1/2024 BCM đã hoàn tất phát hành 13.000 trái phiếu mã BCMH2328003 với tổng giá trị 1.300 tỷ đồng. Lô trái phiếu này phát hành vào ngày 29/12/2023 và sẽ đáo hạn vào ngày 29/12/2028.

Ngoài lô trái phiếu trên, trong tháng 12/2023, BCM đã hoàn tất phát hành một lô trái phiếu khác mã BCMH2328002 với tổng giá trị phát hành 406 tỷ đồng, lãi suất 12,5%/năm. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, phát hành vào ngày 6/10/2023 và đáo hạn vào ngày 6/10/2028.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2023, Becamex IDC cũng đã phát hành thành công một lô trái phiếu mã BCMH2328002 với tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này cũng có kỳ hạn 5 năm, sẽ đáo hạn vào ngày 5/7/2028 với lãi suất phát hành là 12%/năm.

Như vậy, chỉ trong 4 tháng cuối năm 2023, Becamex IDC đã huy động thành công hơn 3.700 tỷ đồng trái phiếu.

Ngoài 3 lô trái phiếu phát hành trong năm 2023, theo thông tin trên HNX, trong hai năm 2020-2021, Becamex IDC đã phát hành 23 lô trái phiếu với tổng giá trị 10.790 tỷ đồng. Nhờ đó, doanh nghiệp đã mua lại toàn bộ hoặc mua lại một phần của một số lô trái phiếu với tổng giá trị mua lại 1.290 tỷ đồng.

Dù vậy, thì việc phát hành trái phiếu mới để thanh toán hay mua lại trước hạn các lô trái phiếu cũ cũng chưa thể giải quyết dứt điểm nợ trái phiếu. Cơ bản, nó chỉ chuyển từ nợ giai đoạn này sang giai đoạn khác, từ nợ ngắn hạn sang dài hạn.

Phát hành trái phiếu mới để đảo nợ trái phiếu cũ chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Để doanh nghiệp thực sự thoát khỏi "núi" nợ trái phiếu nói riêng và nợ vay nói chung, cần có những tính toán dài hạn về hoạt động kinh doanh.
Nợ mới chồng nợ cũ và áp lực tài chính tại Becamex - Ảnh 3.TS. Huỳnh Thanh Điền

Chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thanh Điền cho rằng, phát hành trái phiếu mới để đảo nợ trái phiếu cũ chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Để doanh nghiệp thực sự thoát khỏi "núi" nợ trái phiếu nói riêng và nợ vay nói chung, cần có những tính toán dài hạn về hoạt động kinh doanh.

Trong đó, việc tránh đầu tư dàn trải tại nhiều dự án, đặc biệt là những dự án lớn sẽ giúp doanh nghiệp đỡ chôn vốn và thu xếp được nguồn tiền trả nợ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại các công ty con, công ty liên kết để đảm bảo hoạt động hiệu quả.

"Với mô hình của một Tổng Công ty, phần lớn những doanh nghiệp này sẽ có kết cấu khá phức tạp. Trong đó, sẽ có những công ty là "gà đẻ trứng vàng" nhưng cũng có những công ty thua lỗ triền miên. Trong bối cảnh khó khăn, việc "cắt bỏ" những công ty kém hiệu quả để tập trung vào những công ty làm ăn tốt là cần thiết", TS. Huỳnh Thanh Điền nhìn nhận.

Đưa ra khuyến cáo cho Becamex, MBS cũng cho rằng doanh nghiệp cần lưu ý những rủi ro thanh toán trái phiếu khi tiến độ các dự án khu công nghiệp bị chậm triển khai, thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài.

Thoát vốn nhà nước - Becamex kỳ vọng gì?

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt quyết định giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại Becamex IDC từ 95,44% xuống còn 65% cho đến hết năm 2025.

Theo nhiều đánh giá, đây là một thông tin tích cực cho Becamex. Qua việc thoát vốn này, Công ty có thể giảm tỷ lệ vay nợ, sử dụng nguồn tiền từ thoái vốn để đầu tư vào các dự án có tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ xảy ra khi việc thoái vốn thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

Bởi trên thực tế, từ kế hoạch đến kết quả là một chặng đường dài và dường như không dễ dàng, đặc biệt là đối với Tổng Công ty Becamex – một mô hình kinh doanh phức tạp. Hiện nay, Becamex có 11 công ty con, 13 công ty liên kết và 6 đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân. Việc triển khai trực tiếp dự án, cũng như phát triển cùng liên doanh, hay giao lại các dự án bất động sản cho các đơn vị công ty con khiến bộ máy của Becamex không đơn giản như nhiều công ty cùng lĩnh vực khác.

Ngoài ra, Becamex là doanh nghiệp có quy mô lớn nên dù khối lượng cổ phiếu chào bán lớn nhưng chỉ tương đương tỷ lệ thấp trên vốn điều lệ. Điều này tạo e ngại cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu lớn, nhà đầu tư tổ chức có mong muốn về công tác điều hành, quản lý doanh nghiệp sau thoái vốn. Bởi khi ấy, cổ đông Nhà nước vẫn sở hữu cổ phần chi phối.

Vì vậy, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng BCM sẽ tăng tốc khi có thông tin nhà nước thoát vốn. Chưa kể, quá trình bán vốn nhà nước rất phức tạp, cần trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước. Phải chăng, điều có thể kỳ vọng hiện nay là thông tin thoái vốn Nhà nước sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu BCM tự tin hơn./.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top