Aa

Nở rộ kinh doanh homestay ven Hà Nội

Thứ Hai, 29/10/2018 - 15:10

Sau khi trở thành trào lưu kinh doanh trong khu vực nội đô, khoảng 2 năm trở lại đây, homestay phát triển mạnh ở vùng ven Hà Nội.

Chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng gia đình một vài người bạn thường xuyên tổ chức các buổi dã ngoại vào cuối tuần. Trong đó, địa điểm gần đây được nhóm bạn ưa chuộng là các căn hộ hoặc khu nghỉ mô hình homestay ở vùng ven thủ đô Hà Nội, bởi có sự tự do và không gian riêng.

Tuy nhiên, nếu muốn đặt phòng ở một số homestay tốt vào những ngày nghỉ cuối tuần, chị phải liên hệ trước từ 2 - 4 tuần và chuyển tiền cọc. Thậm chí, cách đây không lâu, khi muốn đặt căn homestay tại Tam Đảo vào dịp cuối tuần, chị còn phải chuyển tiền trước 2 tháng.

Tuần trước, chị Hoa vào một website chuyên kết nối với chủ sở hữu homestay để đặt trước cho một chuyến dã ngoại tiếp theo. Tuy nhiên, trong số 30 khu nghỉ quanh Hà Nội thì chỉ còn 5 địa điểm trống vào ngày cuối tuần của một tháng nữa. Cuối cùng, chị và nhóm phải lựa chọn một nơi cách Hà Nội khoảng 50km.

Một homestay ở Hà Nội khá hút khách thời gian gần đây.

Một homestay ở Hà Nội khá hút khách thời gian gần đây.

Nếu như khoảng 2 năm trước, trào lưu làm homestay nở rộ tại Hà Nội, song tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành và đối tượng chủ yếu là khách nước ngoài thì hiện xu hướng này mở rộng ra vùng ven đô, trong bán kính 30 - 50km và các tỉnh lân cận, đồng thời hướng đến nhóm khách trẻ người Việt có nhu cầu nghỉ ngơi trong một vài ngày. Khu vực nở rộ homestay nhất quanh Hà Nội gồm Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Gia Lâm, Long Biên... Bên cạnh đó, các khu vực xa hơn như Hòa Bình, Vĩnh Yên, Tam Đảo - Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình... cũng bắt đầu nở rộ mô hình này.

Anh Duy, chủ đầu tư một homestay tại Sóc Sơn cho biết đã đầu tư vào công trình khoảng hơn 3 tỷ đồng. Ban đầu anh mua đất và xây dựng với mục đích cùng gia đình về nghỉ những dịp cuối tuần. Song sau đó, khi một số khách có nhu cầu hỏi thuê thì anh nhận thấy đây là một mô hình kinh doanh khá tiềm năng.

“Những dịp giữa tuần thì chủ yếu là các đoàn khách sinh viên, người làm nghề tự do với mức giá thuê khoảng 5 - 6 triệu đồng một ngày, một đêm. Trong khi đó, cuối tuần đa số là các gia đình, dân văn phòng... với mức giá thuê khoảng 8 triệu đồng”, anh nói và cho biết tỷ suất khai thác trung bình đạt khoảng 50%. Thời gian trống còn lại, căn nhà phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình.

Tuy nhiên, anh cũng cho biết, hiện mô hình này cũng khá cạnh tranh và đòi hỏi các homestay phải được thiết kế có sự độc đáo, hiện đại, giàu tính thân thiện với thiên nhiên và nhiều không gian xanh. Do đó, khu đất để thực hiện dự án phải có diện tích rộng nên chi phí đầu tư ban đầu là khá lớn so với việc triển khai mô hình homestay trong nội thành.

Anh Tuấn, một cán bộ ngân hàng cũng mới đưa vào vận hành một homestay tại Thạch Thất từ đầu năm 2018 và hiện đạt tỷ lệ khai thác khoảng 40% mỗi tháng, giá thuê dao động 4 - 8 triệu đồng, tùy từng ngày. Theo anh, điều quan trọng nhất khi triển khai một homestay là không chỉ xây dựng được một ngôi nhà đẹp mà ở đó phải có không gian sân vườn, thậm chí có thể trồng rau, trái, nuôi gà, ao cá.... Điều này không chỉ để tạo nên sự gần gũi với thiên nhiên và một nguồn thực phẩm sạch cho người thuê căn hộ, mà còn mang đến cho khách thuê những trải nghiệm mà cuộc sống ngột ngạt trong thành phố không có được.

“Bên cạnh đó, gia chủ các căn hộ homestay cần phải tạo cho người thuê một không gian thoải mái, tự do như đang được ở chính căn hộ của mình”, anh Tuấn nói và cho biết, ngoài khách lưu trú, homestay của anh còn thường được thuê để làm bối cảnh chụp ảnh.

Về chi phí, anh chia sẻ, bên cạnh những ngôi nhà được đầu tư cầu kỳ với mức vốn cao thì vùng ven Hà Nội có những homestay phát triển theo mô hình thân thiện với môi trường, vật liệu xây dựng đơn giản và không gian chỉ gồm nơi ngủ, nghỉ với thiết kế độc đáo. Theo anh Tuấn, những homestay như vậy mức đầu tư bằng một nửa suất đầu tư thông thường, nên giá thuê rất cạnh tranh, khá thu hút khách trẻ.

Ông Lê Kiên Trung, người đứng đầu chuỗi homestay với khoảng 40 cơ sở lưu trú theo mô hình homestay ở vùng ven Hà Nội nhận định, khi cuộc sống ở thành phố ngày càng chật hẹp và ô nhiễm thì nhu cầu chia sẻ những không gian nghỉ ngơi ngày càng lớn. Đối tượng của mô hình này thường là gia đình, nhóm bạn trẻ, năng động. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, khách thuê đòi hỏi tính thẩm mĩ cao cũng như giá trị kiến trúc ở những homestay đó.

Theo công ty nghiên cứu thị trường AirDNA (đơn vị phân tích số liệu của AirBnB), tại Hà Nội số lượng chỗ ở theo mô hình homestay gia tăng từ năm 2016 lên hơn 8.100 vào năm 2017. Và tới nửa đầu năm nay, con số này đạt 11.200, trong đó trên 6.400 chỗ ở có hoạt động thực sự.

Thống kê từ Luxstay - nền tảng đặt homestay cho thấy số lượng chỗ ở theo mô hình này đang tăng trưởng khá ấn tượng. Đại diện đơn vị cho biết, mỗi tháng có đến vài nghìn đơn đăng ký tham gia hệ thống. Sau khi kiểm duyệt, đơn vị này tiếp nhận khoảng 300 - 500 chỗ ở đạt tiêu chuẩn tham gia mỗi tháng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top