Aa

Nở rộ tình trạng "tháo chạy" khỏi mặt bằng nhà phố cho thuê ở Hà Nội

Thứ Ba, 08/08/2023 - 17:00

Ghi nhận trong quý 2 vừa qua, hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ở ngay tại các vị trí trung tâm thành phố lớn đã xuất hiện trở lại.

Khu phố trung tâm, sầm uất của Hà Nội xuất hiện nhiều mặt bằng trống

Khảo sát cho thấy, thời gian gần đây ở các khu phố trung tâm, sầm uất của Hà Nội đã xuất hiện nhiều mặt bằng trống khi mà nhiều cửa hàng đóng cửa kinh doanh. Có không ít chủ cửa hàng đã “tháo chạy” khỏi các mặt bằng cho thuê bởi vì tình trạng kinh doanh ế ẩm, thua lỗ kéo dài. 

Ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Giấy, Bà Triệu... có nhiều cửa hàng cũng đồng loạt treo biển xả hàng, thanh lý và đại hạ giá để sang nhượng. 

Chị Nguyễn Thu Hằng là chủ kinh doanh thời trang hơn 10 năm ở phố Bà Triệu nói rằng, cửa hàng có diện tích 70m2, xây dựng gồm 2 tầng tuy nhiên phải thuê với mức giá là 50 triệu đồng/tháng từ năm 2019. Cũng bởi làm ăn thua lỗ mà chị buộc phải dừng thuê mặt bằng từ tháng 8 này. 

Chị Hằng nói rằng: “2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và đến năm nay kinh tế rơi vào khó khăn, việc buôn bán không có thuận lợi nên đành phải bù lỗ. Đến thời điểm hiện tại, hết thời gian hợp đồng thuê mặt bằng, tôi trả lại để tính hướng làm ăn khác”. 

Nguồn ảnh: Lao động

Cũng tương tự như chị Hằng, nhiều chủ kinh doanh khác cũng gặp tình trạng chi phí mặt bằng đã ngốn hết lợi nhuận trong khi đó lượng khách ngày một thưa dần. Đã có không ít cửa hàng kinh doanh thời trang, ăn uống và spa liên tục phải bù lỗ, gánh nợ, buôn bán không có lợi nhuận trong một thời gian dài. 

Báo cáo thị trường bất động sản mới được Bộ Xây dựng công bố cho biết, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh trong quý 2 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái ở các trung tâm thương mại cơ bản là đã ổn định. 

Mặc dù vậy thì nhu cầu thuê đối với mặt bằng bán lẻ nhà phố đã có xu hướng giảm, xuất hiện nhiều trở lại hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay ở các vị trí trung tâm của những thành phố lớn. Lý do là bởi tình hình kinh doanh ảm đạm cũng như chi phí thuê mặt bằng cao. 

Bộ Xây dựng cũng dẫn chứng, mặt bằng trống khi có nhiều cửa hàng đóng cửa kinh doanh, treo biển cho thuê mặt bằng ở phố Hàng Ngang, Hàng Bạc, Cầu Giấy (Hà Nội); ở phố Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng, khu vực Hồ Con Rùa (TP. Hồ Chí Minh); tại phố Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn (Đà Nẵng)...

Cũng theo Bộ Xây dựng thì mặt bằng thương mại trong quý 2 trên địa bàn cả nước không có dự án trung tâm thương mại và siêu thị lớn nào khai trương đồng thời đi vào hoạt động. Nguồn cung mới về mặt bằng thương mại vẫn đang tiếp tục có sự hạn chế, nguồn cung chủ yếu được bổ sung thêm từ một số sàn thương mại của các tòa nhà hỗn hợp mặc dù số lượng không nhiều. 

Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội - bà Hoàng Nguyệt Minh cho biết, trong thời gian nửa đầu năm tồn tại một tỷ lệ nhất định các mặt bằng khối đế và nhà phố không đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng về mặt tiêu chuẩn thiết kế cũng như công năng sử dụng. 

Cùng với đó, việc các nhãn hàng sau dịch bệnh COVID-19 đều hạn chế việc mở tràn lan các mặt bằng và cũng chỉ chú trọng vào một cửa hàng flagship cho nên hệ thống những mặt bằng không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách cân nhắc rất nhanh. 

Và sự dịch chuyển từ chi tiêu đối với sở thích cá nhân về những chi tiêu cơ bản phần nào cũng làm giảm đi triển vọng của ngành bán lẻ. Trong đó thì các phân khúc thời trang, mỹ phẩm và giải trí, thể hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng với đó, những yếu tố bất lợi của nền kinh tế thế giới đã khiến cho người tiêu dùng phải suy nghĩ lại về mục tiêu tài chính lẫn tối ưu hóa chi tiêu cho những mặt hàng thiết thực hơn.

Khu phố trung tâm, sầm uất của Hà Nội thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều mặt bằng trống. Nguồn ảnh: Dân trí

Chìa khóa quan trọng nhất chính là giá thuê phải hợp lý

Hiện nay, những người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, các nhà bán lẻ cũng sẽ cần phải thay đổi cũng như thích nghi để phát triển trong bối cảnh hậu dịch bệnh COVID-19. Và theo đó, mua sắm trực tuyến đã và đang là lựa chọn mới của khách hàng trên nhiều phân khúc hàng hóa. 

Những cửa hàng trực tuyến cũng sẽ là nguồn thu hút khách hàng tiềm năng, nơi mà nhãn hàng chạm đến công chúng cũng như mở rộng nhận diện thương hiệu của mình. Trong khi đó thì những cửa hàng truyền thống cũng cần được nhãn hàng nhìn nhận là một nơi mang đến những trải nghiệm dịch vụ, những tụ điểm vui chơi - giải trí cùng các trải nghiệm thực mà hình thức thương mại điện tử không thể nào đem đến được. 

Ngoài ra, những cửa hàng khi thuê mặt bằng cũng cần phải chú trọng đầu tư tối ưu hóa thiết kế, khả năng hoạt động để đáp ứng được nhu cầu khách hàng lẫn cung cấp dịch vụ tốt nhất. Những nhãn hàng đang quan tâm nhiều hơn đến vị trí và điều kiện khi thuê mặt bằng với mục đích dễ thu hút khách hàng cũng như gia tăng trải nghiệm của người dùng. 

Chìa khóa quan trọng nhất chính là giá thuê phải hợp lý. Nguồn ảnh: Dân trí

Ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch VNO Group nói rằng: “Chìa khóa quan trọng nhất chính là việc giá thuê phải trở nên hợp lý, chính vì thế để giữ chân được khách thuê thì cần phải hạ giá thuê mặt bằng với giá trị thực của bất động sản. Mặc dù vậy, các chủ nhà cần cân đối theo từng vị trí mặt bằng, khả năng tài chính để đưa ra mức giá phù hợp nhất”. 

Có thể thấy, việc chấp nhận thu tiền thuê nhà thấp hơn so với thời điểm trước đây sẽ giúp giữ chân được khách thuê dài hạn, song song với đó là hạn chế nguy cơ bỏ trống mặt bằng, tránh được thời gian không có khoản thu nhập khi phải tìm khách thuê mới. Bên cạnh đó, chủ nhà cũng nên tạo điều kiện thuận lợi đối với khách thuê về tiến độ thanh toán để cho dòng tiền của khách thuê được linh động hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top