Aa

Nợ xấu các ngân hàng có tăng mạnh trở lại trong năm 2019?

Thứ Tư, 28/11/2018 - 20:00

Một số ngân hàng có thể thảnh thơi hơn vì đã xử lý xong toàn bộ trái phiếu VAMC và tỷ lệ nợ cần chú ý trong xu hướng giảm thì một số như các nhà băng có công ty tài chính sẽ đối mặt với áp lực chất lượng tài sản suy giảm trong năm tới.

Kết thúc quý III/2018, bức tranh nợ xấu gây nhiều lo lắng khi tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng ở nhiều ngân hàng, nợ có khả năng mất vốn đặc biệt tăng mạnh. 23 ngân hàng được chúng tôi thống kê hiện đang "ôm" hơn 83.200 tỷ đồng nợ xấu, tăng 19% so với hồi đầu năm. Chỉ có 4/23 ngân hàng có nợ xấu sụt giảm là Sacombank, Eximbank, ABBank và NamABank.

Trong một báo cáo phân tích mới đây, chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, nhìn chung nỗi lo nợ xấu quay trở lại trong năm 2019 là chưa lớn, thể hiện ở chỗ tỷ lệ nợ nhóm 2 chưa có dấu hiệu tăng.

Theo thống kê của BVSC, tỷ lệ nợ nhóm 2 trên tổng dư nợ của các ngân hàng được quan sát đến cuối quý III chỉ ở mức 1,54%, giảm so với mức 1,61% cuối quý 2 và 1,75% cuối năm 2017. Tỷ lệ này đã giảm mạnh so với cách đây 5 năm, vào năm 2013 lên tới 4,1%.

Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước và các ngân hàng có nguồn lực tốt hơn để xóa sổ nợ xấu.

Tình hình nợ xấu ở từng ngân hàng lại mỗi cảnh. Ở nhóm NHTMCP Nhà nước, BVSC cho rằng Vietcombank và VietinBank đang có rủi ro nợ xấu thấp hơn so với BIDV.

Cụ thể, Vietcombank và VietinBank có nguồn lực để xử lý nợ xấu tốt hơn và hai nhà băng này cũng đã xử lý xong toàn bộ trái phiếu VAMC. Khả năng tăng nợ xấu ở hai ngân hàng này là có, tuy nhiên không quá lớn do tỷ lệ nợ nhóm 2 vẫn đang trong xu hướng giảm kể từ 30/9/2017.

Chất lượng tài sản của BIDV, theo BVSC đã có sự cải thiện trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, tỷ lệ LLCR xét đến cả nợ nhóm 2 vẫn ở mức thấp (32%) và BIDV vẫn còn số dư trái phiếu VAMC tới 9.767 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng sở hữu công ty tài chính tiêu dùng được dự báo nợ xấu sẽ tăng trong năm 2019.

Cụ thể, nhóm các ngân hàng này có tỷ lệ nợ xấu cũng như nợ nhóm 2 đang trong xu hướng tăng. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu không có nhiều cải thiện (trừ MB). Do đó, theo BVSC, cùng với đà tăng trưởng kinh tế dự báo chậm lại, chất lượng tài sản của nhóm này dự báo sẽ có sự suy giảm trong năm 2019.

Ngoài MB đang có tỷ lệ LLCR tương đối tốt thì ở cả VPBank và HDBank đều đang ở mức thấp, sẽ chịu nhiều áp lực về tăng trưởng lợi nhuận trong năm tới.

Những ngân hàng tư nhân khác như ACB, Techcombank, TPBank, đang có chất lượng tài sản khá tốt. Chẳng hạn ACB có tỷ lệ nợ từ nhóm 2-5 là 1,09% và LLCR (tính toàn bộ nợ nhóm 2-5) cao thứ 3 toàn hệ thống.

Techcombank và TPBank có tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ nhưng LLCR cũng đã được cải thiện nhiều so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ nhóm 2 của 2 nhà băng này giảm lần lượt 33% và 41% so với cùng kỳ, do đó, rủi ro nợ xấu tăng mạnh trong thời gian tới đối với 2 ngân hàng này là không lướn. Đối với VIB thì rủi ro nợ xấu lớn hơn do tỷ lệ nợ xấu của VIB vẫn tăng nhẹ mặc dù ngân hàng đã phải dùng 1.287 tỷ đồng để xóa nợ (tỷ lệ nợ xấu trước khi xóa là 3,92%), LLCR cũng xuống thấp do ngân hàng sử dụng để xóa nợ và tỷ lệ lãi dự thu trên dư nợ tín dụng trong xu hướng tăng.

Nhóm ngân hàng tái cơ cấu như Sacombank, SHB, Eximbank có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, BVSC cho rằng mặc dù có cải thiện nhưng các khoản tài sản có vấn đề khác không được phân loại trong danh mục cho vay khách hàng vẫn còn rất lớn.

Với các khoản nợ xấu bán cho VAMC, rủi ro quay lại nội bảng là không lớn. Phần lớn số nợ được bán cho VAMC trong năm 2014 và 2015, số này sẽ đáo hạn vào 2019 và 2020. Tuy nhiên, phần lớn tập trung ở những ngân hàng đang tái cơ cấu và những ngân hàng này có thể có thời gian xử lý trái phiếu VAMC dài hơn 5 năm. 5 ngân hàng lớn bao gồm Vietcombank, ACB, MBB, Techcombank, VietinBank đã trích lập hết và tất toán trái phiếu VAMC. Ngoài ra, lợi nhuận tốt của 2018 cũng có thể giúp các ngân hàng có nguồn lực trích lập nốt số trái phiếu VAMC đã mua năm 2014.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top