Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2018 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID) cho thấy nợ xấu của ngân hàng này tăng mạnh so với năm 2017.
Cụ thể, số liệu nợ xấu tăng từ 16.697 tỷ đồng trong báo cáo chưa kiểm toán lên 18.802 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 4 nâng từ 4.680 tỷ lên 6.182 tỷ đồng và nợ nhóm 3 từ 4.847 tỷ đồng lên 5.450 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 không đổi sau kiểm toán, chiếm 38% tổng nợ xấu ngân hàng.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của BIDV tăng từ 1,69% lên 1,9%. Như vậy, nợ xấu của năm 2018 của BIDV tăng 0,29% so với năm 2017. Bên cạnh đó, BIDV còn có 14.138 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, giảm 27% so với đầu năm 2018, trong đó trích lập dự phòng 7.676 tỷ đồng.
Năm 2018, tổng thu nhập hoạt động của BIDV đạt 44.483 tỷ đồng, tăng 14% và cũng là mức cao nhất trong các NHTMCP. Tuy nhiên, với 16.117 tỷ đồng chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 18.893 tỷ đồng; lợi nhuận của BIDV chỉ còn lại 9.473 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017.
Cuối năm 2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 988.739 tỷ đồng, tăng 14,1%. Huy động tiền gửi của khách hàng đạt 989.671 tỷ đồng, tăng 15,1%.
Chi phí tiền lương của BIDV ở mức 7.620 tỷ đồng, với số lượng 25.237 nhân viên, thu nhập bình quân lao động của ngân hàng đạt hơn 25 triệu đồng, tăng so với mức 24 triệu năm trước.
Với mức nợ xấu thực sau kiểm toán tăng lên thì câu chuyện trích lập dự phòng còn là vấn đề nặng nề của BIDV. Trước đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt và CTCP Chứng khoán TP.HCM đều nhấn mạnh về việc trích lập dự phòng nợ xấu của ngân hàng này. Theo nhận định của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), mặc dù quá trình xoá nợ xấu của BIDV đã có những tiến triển lớn trong hai năm qua nhưng ngân hàng vẫn cần thêm 2 - 3 năm trích lập dự phòng quyết liệt để xử lý phần lớn nợ xấu tồn đọng.
Cùng với đó, HSC cho rằng lợi nhuận của BIDV vẫn sẽ bị ăn mòn phần lớn bởi chi phí dự phòng cho dù tổng thu nhập hoạt động có thể tăng trưởng mạnh khi ngân hàng chuyển hướng sang bán lẻ.
Hơn nữa, kế hoạch phát hành cổ phiếu mới cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank vẫn chưa hoàn tất trong năm 2018 sẽ là một trở ngại trong việc mở rộng dư nợ trong năm 2019.
Cũng trong năm, BIDV đã trích lập dự phòng ở mức cao kỷ lục là 18.893 tỷ đồng, tăng 27,3%. Tổng chi phí dự phòng tích luỹ của BIDV từ năm 2013 đến 2018 là hơn 62 nghìn tỷ đồng, tương đương 18,3% tổng dư nợ năm 2012 và 9,98% dư nợ bình quân giai đoạng 2012 - 2018. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của BIDV trong trích lập dự phòng.
BIDV vẫn còn 17.600 tỷ đồng giá trị trái phiếu VAMC trong đó đã trích lập dự phòng đến cuối tháng 6/2018 là gần 8.000 tỷ đồng. Phần chưa được trích lập là 9.400 tỷ đồng, tương đương 0,95% tổng dư nợ cho vay.