Aa

Nợ xấu ngân hàng: Gánh nặng cũ, thách thức mới

Thứ Ba, 22/04/2025 - 16:15

Xử lý nợ xấu đang là vấn đề được quan tâm, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cần giải phóng nguồn lực để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn tới. Việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng, luật hóa Nghị quyết 42 là cần thiết, đồng thời, cần dựa trên tác động thực tiễn đối với người dân và nền kinh tế.

Nợ xấu tăng, ngân hàng khó xử lý

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng liên tục thông báo bán đấu giá các khoản nợ xấu có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả thu hồi nợ lại khiêm tốn vì nhiều lý do, từ tài sản đảm bảo khó bán, khách hàng không hợp tác đến vướng mắc pháp lý.

Chẳng hạn, Agribank đang rao bán hai khoản nợ của công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và công ty Cổ phần Đầu tư Khang Duy, tại chi nhánh An Phú. Tổng giá trị hơn 360 tỷ đồng, gồm cả nợ gốc và lãi.

Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ này khá đa dạng, bao gồm quyền sử dụng đất, nhà xưởng, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải. Tuy nhiên, giá khởi điểm mà Agribank đưa ra cho đợt đấu giá chỉ là 260 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với tổng giá trị ghi sổ và chưa bao gồm thuế, phí liên quan. Trong khi đó, khoản nợ của Thép KDG Việt Nam phát sinh từ năm 2018, còn của Khang Duy là từ năm 2022.

Tương tự, Sacombank cũng vừa rao bán khoản nợ của công ty địa ốc Vạn Phát, với dư nợ gần 600 tỷ đồng, nhưng giá khởi điểm chưa đến một phần ba, chỉ 189 tỷ đồng. Đây cũng là mức giá ngân hàng này rao bán hồi đầu tháng 3/3025. Trước đó, trong năm 2024, Sacombank đã nhiều lần tìm cách thanh lý khoản nợ này nhưng chưa thành công.

Việc nhiều lần không thể bán được các khoản nợ giá trị lớn như vậy phần nào phản ánh thực trạng nợ xấu đang có xu hướng tăng cả về quy mô và mức độ rủi ro. Theo số liệu công bố, tính đến cuối năm 2024, Sacombank ghi nhận tổng nợ xấu đạt 12.957 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với đầu năm. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng nhẹ từ mức 2,28% lên 2,4%. Nợ nhóm 5, tức các khoản nợ có khả năng mất vốn, tăng mạnh tới 81%, lên mức 8.869 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ xấu của ngân hàng.

Nhiều ngân hàng khác như VietinBank, VIB… cũng rao bán các khoản nợ từ bất động sản đến dịch vụ, vận tải… nhưng rất ít khoản được mua lại hoặc xử lý dứt điểm.

Một nguyên nhân lớn là nhiều khách hàng không hợp tác trong việc bàn giao tài sản, khiến cho thủ tục thi hành án kéo dài. Trong khi đó, pháp luật hiện hành lại thiếu quy định rõ ràng về quyền thu giữ tài sản, khiến ngân hàng rơi vào thế bị động.

Theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu toàn hệ thống đã tăng thêm 34.000 tỷ đồng, nhưng chỉ xử lý được khoảng 15.000 tỷ, chủ yếu là nhờ trích lập dự phòng, chứ không phải thu hồi thực tế. Tình trạng này cho thấy, nếu không có khung pháp lý rõ ràng hơn, việc xử lý nợ xấu sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Nợ xấu ngân hàng: Gánh nặng cũ, thách thức mới- Ảnh 1.

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Tại tọa đàm "Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu", TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam chỉ ra, với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước tính khoảng 4 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trung bình 6 - 7%, tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng vốn chưa được sử dụng hiệu quả. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ 2 - 3%. Không chỉ nguồn vốn bị "đóng băng", những tài sản thế chấp đi kèm cũng không được khai thác do vướng mắc pháp lý.

Nợ xấu cao cũng buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng lớn hơn, gián tiếp đẩy lãi suất cho vay lên cao. Chi phí này không thể cắt giảm dù ứng dụng công nghệ hay cải cách quy trình, dẫn đến hệ lụy kéo dài đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế.

TS. Lê Duy Bình cũng lo ngại, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Nhưng một số quy định cốt lõi chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024. Vì vậy, công tác xử lý nợ xấu và thu hồi tài sản bảo đảm vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản pháp lý.

Cần khung pháp lý rõ ràng, nhưng không nên cứng nhắc

Để xử lý nợ xấu, từ góc độ pháp lý,  Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, ở nhiều quốc gia, quyền thu giữ tài sản thế chấp là quyền đương nhiên, được pháp luật bảo vệ. Việc giao kết hợp đồng tín dụng đã bao hàm sự đồng thuận dân sự và nếu bên vay vi phạm, quyền thu giữ sẽ được thi hành nhanh chóng thông qua hệ thống tư pháp hiệu quả. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ ở Việt Nam.

Do đó, cần luật hóa rõ ràng quyền thu giữ tài sản để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngân hàng, cổ đông, người gửi tiền. Việc các thủ tục như kê biên, thu giữ tài sản, quy trình xử lý rút gọn cần được quy định cụ thể, có giá trị pháp lý đủ mạnh để tránh tình trạng thỏa thuận mang tính hình thức.

Về phía các doanh nghiệp, TS. Lê Duy Bình cho rằng, họ cần nhận thức khi vay vốn là đang sử dụng tiền của người gửi tiết kiệm, chứ không phải "tiền của ông chủ ngân hàng", nên phải có trách nhiệm trả nợ đúng hạn.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực đầu năm 2024, nhiều quy định trong Nghị quyết này vẫn chưa được luật hóa.

Nợ xấu ngân hàng: Gánh nặng cũ, thách thức mới- Ảnh 2.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. (Ảnh: VGP)

Để khắc phục khoảng trống pháp lý này, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sửa Luật Các tổ chức tín dụng, luật hóa Nghị quyết 42. Dự kiến, dự thảo Luật này sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5 tới đây.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhấn mạnh, việc chuyển hóa các quy định mang tính thí điểm thành luật đòi hỏi phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp. Đặc biệt là có sự công bằng giữa các bên liên quan, bao gồm tổ chức tín dụng, khách hàng vay vốn và các chủ thể có quyền lợi liên đới khác.

Còn bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc luật hóa quyền thu giữ tài sản cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành để tránh xung đột pháp lý.

Nhất là trong bối cảnh nhiều nghị quyết đang được ban hành với các cơ chế đặc thù như quy định liên quan đến nhà ở xã hội, vành đai 4, hay Luật Thủ đô, thì việc đánh giá tính hợp hiến không nên theo công thức cứng nhắc, mà cần dựa trên tác động thực tiễn đối với người dân và nền kinh tế.

Về mặt kỹ thuật, các thủ tục rút gọn cần được thiết kế chi tiết, thực chất và có sự góp ý từ các cơ quan tố tụng như tòa án, viện kiểm sát, nhằm đảm bảo tính khả thi và tránh soạn thảo mang tính hình thức, theo bà Nguyên.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, luật cần quy định điều kiện cụ thể, rõ ràng khi ngân hàng được thu giữ tài sản, để tránh lạm quyền. Đồng thời, các cơ quan như chính quyền địa phương khi thi hành án cũng cần có trách nhiệm phối hợp.

Tại Tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 mới đây, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thừa nhận, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 không luật hóa một số quy định trong Nghị quyết số 42, như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, ảnh hưởng tới khả năng xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, sửa đổi Luật lần này nhằm lấp khoảng trống pháp lý, góp phần quan trọng hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật. Đây cũng là cơ hội tốt để sửa đổi đồng bộ các quy định pháp luật liên quan như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Tố tụng dân sự năm 2015…

Nợ xấu ngân hàng: Gánh nặng cũ, thách thức mới- Ảnh 3.

TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo ông Lực, có ba điểm cơ bản cần luật hóa khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Thứ nhất, cần bổ sung quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, giúp tổ chức tín dụng chủ động xử lý thu hồi nợ, thay vì phải khởi kiện ra Tòa án. Phương án này sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các bên có liên quan cũng như tiết kiệm, giảm lãng phí nguồn lực xã hội.

Thứ hai, về cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là vật chứng, tang chứng vụ án hình sự trước đây cũng được quy định tại Điều 14 Nghị quyết số 42. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản luật nào kế thừa, quy định về nội dung này, dẫn đến tài sản bảo đảm không được đưa ra xử lý kịp thời. Việc thu hồi nợ của tổ chức tín dụng bị kéo dài nhiều năm theo thời gian giải quyết vụ án hình sự, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nợ xấu, cũng như quyền lợi hợp pháp của các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính cho tổ chức tín dụng. Đây cũng là điểm cần luật hóa để kịp thời lấp khoảng trống pháp lý.

Nợ xấu là rủi ro khó tránh trong hoạt động cho vay. Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả, cần có những quy định pháp luật rõ ràng và phù hợp với thực tế. Các ngân hàng cũng không thể tự xoay xở một mình, mà rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Khi có sự đồng hành từ nhiều phía, việc xử lý nợ xấu sẽ không còn là vấn đề quá khó khăn hay kéo dài như hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top