Đường núi tháng 4, nắng và mây trắng đẹp nhất trước mùa mưa. Ở phố đã hơn 2 năm trời, người ta tiêu thời gian quá nhiều cho âu lo dịch bệnh, trong ngôi nhà bê tông, trong những hiệu thuốc, cùng với ngó nghiêng khi test lên hai vạch. Sau rất nhiều bất an, là nắng đầu mùa ở những ngôi nhà cao chất ngất, những con đường bé như chiếc khăn và đoàn người y như bầy kiến nhích lên từng bước khi tắc đường. Tháng 4 này, có ba chàng trai rời phố lên núi, để tiêu thời gian cho mây trắng. Sau rất nhiều lý do, sau ly hôn, họ bình tâm trở lại với bao nhiêu sự giằng xé nội tâm của mỗi phận người sau đại dịch.
Đến nhà nghỉ homestay ở thung lũng mây, dù có nói nhỏ mấy, người nằm cách nhau một tấm phên nứa hay một cái ri đô bằng vải đều nghe rất rõ. Tôi đọc sách ở đầu hồi, chợt nghe chàng trai tên Cương gọi Đồng và bảo: "Hôm nay lái xe gầm cao đi núi, thấy cậu tay lái lụa. Phục!
Lái xe thì có khó bằng lái máy bay chiến đấu như Chan không?
Chan - chiến sỹ lái máy bay, nghe nói cũng bình thường, chỉ có hiệu lệnh thì các cậu trai tráng thành phố không hiểu được đâu. Phải chính xác từng giây và sống căng đấy. "Các cậu nhìn ảnh vợ cũ của tớ trẻ quá, nàng rất xinh. Gái xinh thời bình mà chờ chồng lính bay cả năm, kể ra cũng khổ. Hai lần đòi ly hôn, lần này sau 2 năm dịch. Thôi, tớ sẽ đồng ý. Chỉ có điều day dứt nhất, tớ thương cu Mật ở nhà, đồng ý để ông bà nội nuôi vậy. Thương ông bà hết nuôi con lại đến nuôi cháu”.
“Lính bay, thì mỗi năm về phép một lần, hai năm dịch không về. Lần này về ly hôn”. Lại bâng quơ. “Lính bay chiến đấu chẳng biết số phận sẽ đi tới đâu”. “Thôi ngủ sớm, mai lên núi, cậu uống thêm gì không?". Chan nói: “Ngày mốt tôi bay vào Cần Thơ, còn lâu ba thằng mới gặp lại”.
Đồng không uống, mai còn lái xe tiếp. Nó đặt lưng đã ngáy rồi kìa.
Lúc Đồng ngủ, Cương vừa nói nhỏ với Chan: “Đồng làm chủ một cửa hiệu đồ uống và bánh ngọt, mẹ Đồng là đầu bếp giỏi của khách sạn 5 sao tại Hà Nội, về hưu bà ủng hộ con mở cửa hàng”. Chuyện làm ăn cũng đủ sống nếu không vấp 2 năm dịch, vì hiệu bánh là của nhà nên không mất tiền thuê cửa hàng. Nhưng hai năm dịch, Đồng cũng đánh mất tình yêu, lý do không phải vợ chết hẳn mà nó chết trong tâm thức hắn. Đồng bảo: "Cậu không hiểu được đâu, không có gì khổ bằng phải nuôi đứa con của mình mà lại không yêu vợ mình". Hỏi vì sao? Vì một lần trong lúc hai đứa uống say. Say thì lên giường. Nào cùng xoắn lấy nhau như hai cái dây thừng bện lại, đến lúc buông nhau ra dây thừng lại duỗi trở về như cũ. Nhìn lại, thấy hai đường thẳng không chạm đích của hai sợi dây thừng.
Nàng ta bỏ về nhà mẹ ở quê Hà Nội 2 trước Tết. Hai năm trước, lúc mới lên Hà Nội 1, vợ Đồng còn ở nhà thuê, thì tìm mọi cách chiếm lấy lòng Đồng. Lúc đã không phải ở trọ, nàng làm móng tay giả, nhuộm tóc trắng vàng, mới đầu để chạy bàn, rồi khi có con, có tiền tiêu pha rủng rỉnh, nàng thay đổi rất nhanh, cặp với một doanh nhân, và nàng bỏ chồng. Khi có tiền, có tý nhan sắc, nàng lại nhìn người nghèo có vẻ khinh miệt ra mặt. Đồng không chịu được, bỏ vợ rồi lại thấy nhẹ người, chỉ hay dấm dứt nhìn đứa trẻ hay gọi bố bố: “Mẹ i âu ông về”. Đấy là chuyện của Đồng. Đồng ít nói, hay đi xe đạp, không to ve tỏ vẻ bao giờ, ngay cả lái ô tô cũng điệu nghệ đường núi cao, dốc đứng mà không thể hiện. "Tớ rất gờm hắn", Cương nói với Chan.
Đồng kể hôm Tết, cô vợ về bế con hôn hít một lúc rồi đi, con bé cũng khóc, rồi tính nết cũng giống mẹ, mặc chiếc váy đẹp là thôi không khóc nữa. Đàn ông như Đồng lại bỗng sợ phải nuôi đứa con của người đàn bà mà mình không yêu cả đời. Chan hút điếu xì gà, làm một hơi dài rồi bỏ đó. Đồng và Chan đều tuổi hổ và cùng li dị năm ngoái. Nhìn lại vợ Chan, một cô vợ trẻ, ngày cưới ở khách sạn 5 sao, đẹp lung linh; một cậu con trai kháu khỉnh cũng đang ở với bà nội. Bố Chan mất sớm trong chiến dịch Mậu Thân, mẹ Chan ở vậy nuôi con và bà chỉ chăm chăm lo nuôi thằng cháu đích tôn. Mục tiêu của bà là chăm cháu mà cô vợ thì không đồng ý để bà chăm vì kêu bà chăm sóc cháu không khoa học. Động tý vợ Chan kêu bẩn. Nàng quát tháo mẹ chồng, nghe không ổn tý nào.
"Tớ vào đơn vị, sau ly hôn, để mẹ ở Hà Nội, một mình, thương mẹ chưa biết tính sao. Dịch giã năm ngoái cũng lo cho mẹ và để thuận theo mệnh giời vậy. Mẹ tớ năm nay yếu đi và không biết bà làm gì cho hết ngày nếu không có đứa cháu để à ơi. Tớ lo nhất mẹ bị trầm cảm, lo cậu con giai vắng bố không biết sẽ ra sao? Nếu mẹ nó đi tiếp hôn nhân tập hai, bố dượng liệu có yêu nó không? Và đời lính của mình...", Chan cứ tự hỏi mình thế. Không lời đáp. "Ban chiều, nhìn mây trắng, hai đứa bạn thích chứ tớ chả thấy mây trôi còn đẹp nữa. Lòng đã trĩu nặng thì chả có gì trôi đi cả. Ngày mai Chan lái xe đỡ cho Đồng, thôi bỏ rượu nhé".
"Hay ta đi kiếm bát cháo hoa đi, cứ để cho Đồng ngủ". Chan và Cương xuống dưới nhà sàn. Đồng đã ngáy kho kho. Một cô bé chừng mười lăm đang chúm môi thổi lửa, tung thêm nắm trấu vào nồi xôi đang đồ trên chõ gỗ.
“Cháu có thể nấu cho bọn chú bát cháo hoa không?”. Cô bé má ửng hồng gật gật: "Để em đi cho nắm gạo vào nồi, xôi vừa chín mai còn đồ lại, em sẽ nấu cho hai anh nồi cháo". "Tốt rồi, cảm ơn cháu nhé. Chú là bộ đội, cứ gọi chú bộ đội, chú sẽ lại ăn cháo". "Dạ vâng, em chào anh, cháu chào chú".
Chan và Cương cùng so vai cười. Cô bé gọi Chan bộ đội là chú, thầy giáo trẻ là anh. Cương là thầy giáo dạy Anh Văn cho trẻ ở một trung tâm dạy tiếng Anh thật lớn ở Hà Nội. Cương dạy trẻ và hát cùng con trẻ, lại tự học ghi ta, mới đầu chơi đàn so dây cũng phập phùng làm bọn trẻ cười bò trong giờ ngoại khóa. Sau hai năm dịch, thầy Cương đã tự học chơi được 5 bài tủ, và bọn trẻ vỗ tay rầm rập, rầm rập. "Thầy chơi quá được, chơi hay, thầy ơi đánh tiếp bài con kênh xanh xanh, hay bài Hà Nội trái tim hồng đi”…
Còn đang tíu tít với lũ học trò tinh quái, hết giờ học thì lúc xuống tới tầng 1, học trò tên Anh Hào cao lớn, mới tuổi 13 đứng chờ thầy.
- Sao con lại chưa về?
- Thưa, con có chuyện muốn hỏi thầy?
- Con nói đi thầy nghe.
- Là con thích một bạn ở lớp Y, bạn ấy viết thư cho con, bảo rằng bạn ấy muốn nhờ con chỉ cho mấy bài tập, nhưng thầy đừng nói cho mẹ con biết đấy, bí mật này thầy giữ cho con nhé.
- Đồng ý. Nhưng là cùng bảo nhau làm bài tập ở lớp thôi, có đi ăn kem với nhau chưa?
- Dạ có một lần tan học sớm, con có đủ tiền mua được hai que kem.
- Chắc chiếc kem đó ngon lắm
- Vâng, ngon nhưng con mải nói chuyện, kem chảy hết xuống tay áo con, bạn gái dùng cả giấy ăn lau áo cho con đấy
Thầy gật gù, mỉm cười, tình yêu của con trẻ, sau này sẽ nhớ cho đến già. Thầy nghĩ thế, và Cương lại để tâm sang chuyện của bạn. Mai, mốt, Chan sẽ vào Cần Thơ với đồng đội, lại chính xác giờ bay và kỷ luật quân sự. Lòng sẽ trĩu nặng với lần về phép ly hôn và ôm chặt con trai. Lần hai đứa trả lại tự do cho nhau. Vợ Chan nhuộm tóc trắng, môi đánh đỏ sậm như không hề có chuyện gì xảy ra. Kinh tế bên nhà ngoại vốn đầy đủ, cho nàng một cuộc sống không phải lo nghĩ, và nàng càng nông cạn hơn trong tâm lý với người chồng là lính trận. Lính lái máy bay chiến đấu chứ không phải chuyện đùa. Và Chan sẽ chịu đựng nỗi chia tay trong cái nắng gắt ở phương Nam. Còn Đồng thì vẫn là ông chủ nhà hàng bánh ngọt và nước giải khát, cà phê, nước trái cây, mùa nào hoa quả đó. Riêng thầy giáo Cương vẫn thất nghiệp khi nhường xuất dạy online cho cô giáo có hoàn cảnh con nhỏ khó khăn hơn mình.
Tâm trạng của ba người đàn ông, trai tráng, cả ba vóc dáng cao ráo đẹp đẽ lại có những ưu phiền riêng của lứa tuổi trưởng thành, trải nghiệm với tình yêu, và cả những vấp váp. Và họ chọn cách tiêu thời gian ở nơi mây trắng, họ đi nghỉ dân dã để được ngồi bên bếp lửa, rồi để mai đi sớm đón bình minh và săn mây trên núi.
Tháng 4 của ba chàng trai, một lính bay, một thợ làm bánh, một giáo viên. Thầy giáo Cương kể với Chan mối tình của mình với cô giáo cùng trường, Cương đã chia tay từ năm ngoái, lúc dịch đang căng, khi hay tin nàng đã yêu được một đại gia, mừng cho nàng. Nhưng cũng ít lâu sau, nghe nói chàng đại gia bỏ nàng và nàng không rõ đã đi xin việc ở đâu, xa hơn Hà Nội thì phải. Ba chàng trai mỗi người một mất mát, sau dịch giã. Họ sẽ nhìn mây trắng uống rượu ở một nhà hàng dân tộc và nói hết với nhau về những nỗi niềm để mai về phố thị. Hoa loa kèn đang nối nhau trên xe đạp của những người bán dạo, nhưng họ không để ý hoa loa kèn. Họ đang nghĩ đến chiến sự ở Nga và Ukraina với nhiều trái tim bà mẹ mất chồng và mất con; riêng ở Quảng Trị, mùa khô mà nước lũ tràn đến mất trắng hoa màu; đâu đó những căn bệnh biến thể của dịch giã cướp đi sinh mệnh của con cái, người thân và sự đau đớn vẫn còn ẩn khuất trong cánh cửa mỗi gia đình.
Mây trắng vẫn bay trên bầu trời nước Việt gần nửa thế kỷ độc lập tự do, và những mất mát của thời bình lại rẽ sang một cách khác, mất mát khác của dịch bệnh, lũ lụt, thiên tai. Và có những vết thương còn chưa nhìn thấy hết trong lòng người, thời bình và cả thời loạn. Nhưng lên núi nhìn mây, nhìn đá xám, con người tĩnh tâm trở lại, hình như lấy lại được sự can đảm của chính mình, tự tin hơn để sống. Và những chàng trai tiêu thời gian cho mây trắng, họ phải đối mặt trực diện với cuộc đời để sống tiếp cho một nửa thời gian ban ngày ở phố, ở phố rất ít khi nhìn thấy mây bay. Chỗ nào cũng toàn nhà cao như hộp diêm, cao ngất, rất ít khi nhìn thấy mây trắng trước mặt./.