Aa

Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công Congnguyenthanhyb@gmail.com
Chủ Nhật, 19/05/2019 - 09:40

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phong cách nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức của Bác đã đạt đến trình độ mẫu mực để toàn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và làm theo.

Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, trong tác phẩm Đường cách mệnh Người đã khẳng định: Nói đi đôi với làm là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong xây dựng nền đạo đức mới. Đối với mỗi người, lời nói phải thống nhất và được thực hiện nghiêm túc thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân và cho xã hội. Nói đi đôi với làm không đơn thuần là phương châm và cách thức tu dưỡng đạo đức mà còn là cơ sở để phân biệt giữa đạo đức cách mạng với những thứ đạo đức khác.

Nói mà không làm là đặc trưng của giai cấp bóc lột, kiểu mệnh lệnh ép buộc, gian trá: “Hãy làm theo tôi nói, đừng làm theo tôi làm” hay “nói một đằng, làm một nẻo” của những kẻ cơ hội. Trái lại, lời nói đi đôi với việc làm, luôn tu dưỡng rèn luyện và phấn đấu là đạo đức của người cách mạng nói chung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên” (1).

Trong việc công, bản thân Người đã nhiều lần bàn đến việc tẩy sạch căn bệnh quan liêu, coi thường quần chúng của một số cán bộ, đảng viên: “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủMiệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ” (2).

Ở Bác, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Có một câu chuyện mà đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi còn sống, mỗi lần kể lại đều rút khăn tay lau nước mắt: Sau Cách mạng Tháng Tám, mọi người đều đói, nhân dân còn có người chết đói. Bác đã kêu gọi: Khi chúng ta bưng bát cơm lên mà ăn, hãy nghĩ đến những người còn đói khổ. Tôi kêu gọi đồng bào, cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa 1 bơ (một lon sữa bò), lấy gạo đó cứu đói. Tôi xin phép thực hiện trước.

Văn phòng Chủ tịch nước gương mẫu thực hiện, trong đó có Bác. Một buổi chiều, đúng vào ngày nhịn một bữa để cứu đói, gần cuối giờ làm việc, Văn phòng báo Bác có khách. Khách đến thăm Bác là một tướng lĩnh cấp cao trong quân đội của Tưởng Giới Thạch mới từ Trung Quốc qua. Người đã tổ chức bữa tiệc để thết đãi viên tướng đó. Tiệc xong, Bác về. Người mời đồng chí quản lý Văn phòng đến. Đồng chí quản lý hết sức ngạc nhiên, không hiểu tại sao giờ này Bác còn cho gọi tới. Khi đồng chí quản lý tới, Bác nói cho Người xin một bơ gạo. Đồng chí quản lý hiểu ý là chiều nay cả cơ quan nhịn ăn, trong đó có Bác. Nhưng Bác giải thích là Người đã đi dự tiệc.

Người chưa làm nghĩa vụ nhịn ăn như mọi người buổi chiều, nên bữa sáng mai, Người thực hiện nghĩa vụ, bù cho buổi chiều nay. Bơ gạo này, Người yêu cầu giao ngay cho cơ sở nấu cháo từ thiện (Lúc đó, đồng bào đói ở nhiều nơi dồn về Hà Nội để mong kiếm được miếng ăn, dù ít ỏi. Nồi cháo từ thiện được tổ chức ở một số giao lộ nhằm cứu đói). Một chuyện rất nhỏ, nhưng cho thấy sự nghiêm túc thực hiện trong một con người, một nhân cách lớn. Đúng là lời nói đi đôi với việc làm không hề sao nhãng.

Nêu gương về đạo đức là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa phương Đông. Nêu gương có vai trò quan trọng. Người nói: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (3). Bởi lẽ, cách tốt nhất để tạo dựng được niềm tin là sự thực ngay trước mắt. Và cách tốt nhất để khiến người ta làm theo, đó là sự thực, đó phải là cái hay, cái tốt, cái đẹp và đem lại lợi ích cho mọi người.

Nêu gương có vai trò hết sức to lớn đối với việc hoàn thiện đạo đức con người. Trong gia đình thì người con chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cha mẹ. Người anh, người chị phải là tấm gương đối với em. Trong nhà trường, thầy cô phải là tấm gương sáng đối với học trò.

Bác Hồ cùng mọi người ra sức lao động, sản xuất. Ảnh Tư liệu.

Bác Hồ cùng mọi người ra sức lao động, sản xuất. Ảnh Tư liệu.

Trong tổ chức, tập thể, những người lãnh đạo phải là tấm gương cho cấp dưới. Trong xã hội, tấm gương của các thế hệ trước đối với các thế hệ sau là đặc biệt quan trọng. Hồ Chí Minh rất coi trọng việc nêu gương, Người nói: “Ðối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (4).

Hình ảnh gần gũi, thân thương của Bác Hồ khi gặp gỡ bà con nông dân. Ảnh: Tư liệu

Hình ảnh gần gũi, thân thương của Bác Hồ khi gặp gỡ bà con nông dân. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực về nói đi đôi với làm, tự giác nêu gương. Theo Người, để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm.

Trong đó, mỗi đảng viên, cán bộ cũng như mỗi người, cần nắm vững và giải quyết tốt ba mối quan hệ chủ yếu: đối với mình, đối với người, đối với việc.

Đối với mình, phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày; Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc với thái độ khoan dung, độ lượng, trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng bào; Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trước việc tư), đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, Hải Dương (Tháng 5/1957)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, Hải Dương (Tháng 5/1957). Ảnh Tư liệu.

Trong Di chúc, Người đã viết: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Người mãi là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân học tập. Tấm gương của Người - tư tưởng Hồ Chí Minh có “hiệu ứng lan tỏa, sức lôi kéo mạnh mẽ”. Quả đúng là, nghĩ về Người lòng ta trong sáng hơn!./.

----------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 5, tr. 552;

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 6, tr. 292;

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 1, tr. 263;

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 558

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top