Sáng 30/6/2025, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn. Sự kiện diễn ra vào lúc 8h sáng, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong tiến trình cải cách bộ máy chính quyền địa phương tại Quảng Ninh.
Theo Nghị quyết số 1679/NQ-UBTVQH15, tỉnh Quảng Ninh tiến hành sáp nhập, điều chỉnh 171 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 54 đơn vị mới, bao gồm 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu: Vân Đồn và Cô Tô. Đây là lần đầu tiên hai đơn vị hành chính đặc thù mang tên "đặc khu" được thành lập trong cơ cấu hành chính cấp xã tại tỉnh này.
Mục tiêu của việc sắp xếp là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo nền tảng để các địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Bản đồ địa giới 54 đơn vị hành chính trong đó có 2 đặc khu của Quảng Ninh. Ảnh QMG.
Ngay sau lễ công bố, Quảng Ninh đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền tại 54 đơn vị mới. Sáng 1/7, đồng loạt các địa phương đã tổ chức kỳ họp HĐND để bầu ra các chức danh chủ chốt như Thường trực HĐND, UBND và các ban chuyên trách, đảm bảo bộ máy chính quyền mới đi vào hoạt động thông suốt.
Theo Nghị quyết, Đặc khu Cô Tô được thành lập trên cơ sở giữ nguyên toàn bộ địa giới hành chính hiện tại của huyện Cô Tô. Việc giữ lại tên gọi "Cô Tô" không chỉ thể hiện sự trân trọng với giá trị lịch sử – văn hóa lâu đời từ năm 1889, mà còn nhằm bảo tồn thương hiệu du lịch đã được khẳng định trên bản đồ quốc gia và quốc tế.
Sau sắp xếp, Đặc khu Cô Tô có diện tích 5.368ha, dân số hơn 7.150 người. Cơ cấu tổ chức gồm Đảng bộ Đặc khu, Chính quyền Đặc khu và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Việc duy trì địa giới và tên gọi cũ tạo điều kiện thuận lợi để địa phương tiếp tục xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Cô Tô không chỉ được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, mà còn là vùng đất giàu giá trị lịch sử - chính trị. Đây là địa phương duy nhất trong cả nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép dựng tượng khi Người còn sống.
Ngày 9/5/1961, Bác Hồ lần đầu đặt chân lên đảo Cô Tô. Trước sự quan tâm đặc biệt ấy, quân và dân trên đảo đã xin phép dựng tượng Bác để đời đời tưởng nhớ. Được sự đồng ý của Bác, năm 1968, tượng Bác đầu tiên được dựng bằng thạch cao. Đến năm 1976, tượng được thay bằng phiên bản bê tông cốt thép, cao 4,5m. Năm 1996, tượng tiếp tục được làm mới bằng đá granite với quy mô hoành tráng, trở thành một trong những tượng đài đẹp và lớn nhất vùng Đông Bắc.
Đặc biệt, ngày 18/1/2022, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, trở thành điểm đến linh thiêng, thu hút du khách và là nguồn động lực tinh thần to lớn đối với quân dân địa phương.

Một góc Cô Tô. Ảnh: Internet
Những năm gần đây, Cô Tô liên tục ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đạt từ 15-16%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng hiện đại, trong đó dịch vụ - du lịch chiếm tới 67,5%. Năm 2024, địa phương đón hơn 310.000 lượt khách, với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 135 triệu đồng, cao hơn 1,5 lần so với mức trung bình toàn tỉnh Quảng Ninh.
Không chỉ có du lịch phát triển, đời sống người dân trên đảo cũng không ngừng được cải thiện. Đáng chú ý, Cô Tô đã xóa hoàn toàn hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh.
Việc thành lập Đặc khu Cô Tô không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính, mà còn là động lực lớn để địa phương bứt phá, vươn lên trở thành trung tâm kinh tế biển – du lịch tầm cỡ của Quảng Ninh và khu vực Đông Bắc.
Với lợi thế về vị trí chiến lược, tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, bề dày lịch sử và bản sắc văn hóa đặc sắc, Cô Tô đang được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, du lịch và dịch vụ của Việt Nam, khẳng định vai trò tiên phong trong bảo vệ chủ quyền quốc gia và phát triển bền vững vùng biển đảo.