Aa

Nới hạn mức tín dụng ngân hàng: Khơi thông các dòng vốn

Chủ Nhật, 11/09/2022 - 16:30

Có khá nhiều chính sách tích cực từ đầu tháng 9 đang ủng hộ hoạt động tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đồng loạt nới hạn mức tín dụng cho 15 ngân hàng, trong năm nay. Đây là lần đầu tiên, NHNN mạnh tay nới room tín dụng với mức điều chỉnh cấp thêm từ 1 - 4% cho các NHTM.

Một tin tốt gần nhất là ngay sau kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, NHNN đã có động thái thực hiện phân bổ room tín dụng còn lại trong khoảng hơn 4% của tổng chỉ tiêu tín dụng toàn ngành năm nay, 14%, cho các ngân hàng theo tiêu chí về sức khỏe tài chính, quy mô tín dụng, hỗ trợ cơ cấu TCTD. Theo đó, tạm thời nỗi lo đứt mạch vốn khi các ngân hàng cạn room, không thể giải ngân cho vay và làm ăn khó khăn hơn, khó có thể đảm bảo nghĩa nợ trả nợ theo tính dây chuyền… cũng phần nào được xóa bỏ. 

Đại diện Ngân hàng tư vấn chính sách hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: Mỹ Phương

Bên cạnh đó, với nguồn “vốn mồi” từ tín dụng, khả năng hoạt động thanh lý, phát mãi tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay mà các ngân hàng đưa ra thị trường, dễ dàng được hấp thu, giúp ngân hàng thu hồi vốn nhanh hơn. Nhà đầu tư cũng sẽ có cơ hội lựa chọn để đầu tư tìm kiếm lợi nhuận chênh lệch từ tài sản thanh lý khi thị trường có dòng vốn chảy nhanh hơn.

Ở một khía cạnh khác, cho đến hiện nay, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn đang phải chờ chính sách mới. Cụ thể đó là Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020. Nếu tính từ cả năm trước đến năm nay thì thời gian khoảng 10 tháng cho một dự thảo lấy ý kiến thị trường, đi kèm là các Nghị định phải liên tiếp sửa đổi từ 2020 - 2021, cho thấy cơ quan quản lý dang đặt mục tiêu chính sách phải đón trước thị trường và đảm bảo đúng định hướng phát triển ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, với một số quy định trong dự thảo mà nhiều góp ý chưa được sửa đổi, số phận nhiều doanh nghiệp, dự án đang mắc kẹt. Bởi nếu doanh nghiệp thực thi không được phát hành trái phiếu để góp vốn đầu tư cổ phần, lập công ty… cơ bản hầu như họ đã mất đi một nguồn trung và dài hạn có tính ổn định cao, chi phí thấp.

Với thị trường nợ, quy định này nếu được áp dụng, cũng tựa như nút thắt cổ chai trong hoạt động phát mãi tài sản, thanh lý thu hồi nợ. Bởi quy định này sẽ phần nào đi ngược lại mục tiêu khuyến khích thu hút các nhà đầu tư, tham gia vào thị trường nợ, trên cơ sở xây dựng nền tảng giao dịch nợ xấu, chứng khoán hoá nợ xấu, giao dịch thứ cấp/cấp ba. Qua đó, gián tiếp thu hẹp lối vào với các thỏa thuận chuyển nợ thành vốn góp và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp.

Do đó, song song với những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tăng tốc những tháng cuối năm đã và đang được triển khai như nới room tín dụng, tăng cường giải ngân gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2%, doanh nghiệp cũng mong đợi ngay trong tháng 9 này, Nghị định sửa đổi Nghị định 153 sẽ được ban hành. Đây không chỉ là nền tảng rất quan trọng để thị trường giao dịch tập trung sớm đi vào vận hành, còn là một trong những điều kiện để kênh dẫn vốn tín dụng “thông đường”, giúp giảm tiềm ẩn nguy cơ đối với các khoản đầu tư TPDN sẽ làm tăng áp lực về nợ xấu phát sinh tại một số ngân hàng.

Ghi nhận đầu năm 2022 đến nay, một số ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng nợ xấu cao 2 chữ số (VPB (+53%), CTG (+21,3%), TPB (+25,2%), MBB (+17,3%) -BT), điều này cũng sẽ hạn chế vốn tín dụng của các nhà băng này dành cho doanh nghiệp những tháng còn lại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top