Aa

Nỗi niềm cận Tết của các doanh nghiệp bất động sản

Thứ Sáu, 12/01/2024 - 14:22

Theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất ở năm 2023 và gần như đã xác định được đáy. Doanh nghiệp ngành này đang trong giai đoạn hồi sức và bước vào cuộc đua mới.

Doanh nghiệp chờ khỏa lấp nỗi buồn năm cũ

Năm 2024 với những chính sách tích cực được kỳ vọng khỏa lấp những nỗi buồn của năm cũ.

Vừa qua, Tổng cục Thống kê công bố số liệu năm 2023, cho biết nhóm ngành bất động sản đứng đầu lĩnh vực có doanh nghiệp đóng cửa nhiều nhất, tăng khoảng 8% so với năm 2022, ở mức gần 1.300 đơn vị. Như vậy, mỗi tháng có trung bình 107 doanh nghiệp BĐS phá sản. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 giảm 45% so với những những năm trước. Điều này càng chứng tỏ doanh nghiệp trong ngành đã trải qua một năm đầy vất vả.

Chưa hết, theo Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản trong năm qua luôn ở tình trạng khan hiếm trên mọi phân khúc. Trong khi thanh khoản suy giảm ở mức báo động trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong quý III/2023, lượng giao dịch BĐS trên toàn thị trường chỉ bằng khoảng 41% năm 2022.

Thị trường bất động sản năm 2023 kém sắc, hàng loạt dự án, công trình chậm triển khai tác động xấu khiến doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng lại trải qua một năm làm ăn thua lỗ. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính chung doanh thu của các doanh nghiệp trực thuộc bộ này (đơn cử như các "ông lớn" như HUD, Coma, Lilama, Vicem…) giảm 16% so với năm trước đó. Lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này cũng giảm 66%, chỉ đạt 1.380 tỷ đồng.

Nỗi niềm cận Tết của các doanh nghiệp bất động sản- Ảnh 1.

Nguồn cung bất động sản trong năm qua luôn ở tình trạng khan hiếm (Nguồn: Kinh tế đô thị)

Bên cạnh sự khó khăn của doanh nghiệp, lực lượng môi giới nhà đất chuyển nghề hoặc phải rời ngành ngày càng tăng. Theo công bố của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), đã có 70% môi giới nhà đất chuyển nghề hoặc bỏ ngành trong thời gian qua.

Năm 2023 là bức tranh thị trường u ám, phản ánh tiêu cực lên tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là giai đoạn cận Tết Nguyên đán. Đơn cử, Tập đoàn Danh Khôi đã cho toàn bộ khối kinh doanh (Sàn Danh Khôi miền Nam) thông báo nghỉ Tết từ ngày 29/12 và dự kiến 1/3 dương lịch đi làm trở lại (nghỉ 2 tháng). Công ty hiện chỉ duy trì hoạt động của bộ phận hành chính cho tới gần Tết.

Một doanh nghiệp tại Long An đã tăng gấp đôi ngày nghỉ so với mọi năm vì không còn nhiều việc để làm khi họ chưa triển khai được các dự án. Theo kế hoạch làm việc mùa cuối năm, nhân viên khối văn phòng của công ty này được nghỉ từ 24/12 - 17/1 (âm lịch), khối kinh doanh nghỉ từ 5/12 - 21/1 (âm lịch).

Doanh nghiệp không có dự án mới, lượng không đủ trả nhân viên, môi giới nhà đất thất nghiệp, thưởng Tết đìu hiu… tạo ra bức tranh toàn cảnh cho thị trường BĐS năm 2023 không mấy dễ dàng. Đây là hệ quả của giai đoạn khủng hoảng kéo dài từ hồi bùng dịch Covid - 19 cho tới vấn đề trên thị trường trái phiếu.

Hầu hết các công ty địa ốc tại TP. HCM đều có chung hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm, dự án không bán ra… ảnh hưởng đến nguồn thu hoạt động, không đạt chỉ tiêu doanh số khiến kế hoạch thưởng Tết cho nhân sự bị bỏ ngỏ.

Chia sẻ về việc thưởng Tết năm nay, đại diện một doanh nghiệp BĐS tại quận Tân Bình (TP. HCM) cho biết, với tình hình khó khăn như hiện tại, nếu cố hết sức thì doanh nghiệp cũng chỉ lo được lương tháng thứ 13 cho nhân viên nhằm duy trì nguồn lực lao động cho năm sau. Phải tạm quên đi chuyện thưởng Tết vì 2 năm gần đây thị trường BĐS không thuận lợi, doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu kinh doanh, nhân sự sụt giảm nhiều…

Vị này cho hay: "Thị trường đang có dấu hiệu tích cực, hy vọng năm nay công ty có thể triển khai được một vài dự án để nhân viên có các khoản cộng thêm, công ty cũng thu về nguồn tiền để bù đắp phúc lợi cho người lao động".

Những kỳ vọng mới trong năm 2024

Anh Xuân An - Nhân viên kinh doanh của Tập đoàn Pi Group, vào ngày cuối cùng năm 2023 đã chia sẻ về lễ giới thiệu dự án mới tại Dĩ An (Bình Dương) lên trang cá nhân. Làm việc tới ngày cuối cùng của năm khi nhiều đồng nghiệp đã nghỉ Tết, thậm chí nghỉ việc không lương, thì anh An cho rằng đây là tín hiệu tốt cho thấy thị trường đang bắt đầu đi lên, mở ra cơ hội công việc trong năm mới.

Nỗi niềm cận Tết của các doanh nghiệp bất động sản- Ảnh 2.

Thị trường địa ốc cuối năm 2023 đã có một vài tín hiệu tích cực (Nguồn: Nhịp sống thị trường)

Thông thường, cuối năm âm lịch là giai đoạn chạy nước rút của ngành BĐS, có thể là mùa cao điểm khởi đầu cho một năm mới suôn sẻ. Nhiều doanh nghiệp còn mạnh tay nắm bắt cơ hội này để khởi động những kế hoạch còn đang dang dở của năm cũ.

Công ty Nam Long vừa qua đã ký kết hợp tác với hệ thống 20 đại lý phân phối chiến lược, tập trung vào kế hoạch tung 16.000 sản phẩm đa phân khúc ra thị trường trong vòng 3 năm tới.

Sau một thời gian tạm dừng, vừa qua Tập đoàn Doanh Khôi tái khởi động dự án Astral City, Thuận An (Bình Dương) đã tái khởi động dự án Astral City, Thuận An, Bình Dương, dự kiến tung ra sản phẩm mới trong năm nay.

Vào những ngày cuối năm 2023, Gamuda Land động thổ một dự án tại thành phố Thủ Đức sau khi mua lại từ Công ty bất động sản Tâm Lực. Năm ngoái, Bất động sản An Gia đã bàn giao hết 2.000 căn hộ tại một dự án ở huyện Bình Chánh, TP. HCM và chuẩn bị kế hoạch năm 2024 với việc mở bán dự án mới tại Bình Dương.

Năm nay, thị trường địa ốc dù vẫn còn tiềm ẩn lo ngại về nguồn cung, thanh khoản, tài chính doanh nghiệp và pháp lý dự án. Nhưng giới chuyên gia vẫn kỳ vọng vào một năm bản lề cho sự chuyển mình của thị trường địa ốc, kỳ vọng phục hồi từ quý II với sự hỗ trợ từ các chính sách, lãi suất ngân hàng và giá nhà về đúng giá trị thực.

Hai bộ luật sửa đổi đã được thông qua là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Dự án Luật Đất đai sửa đổi dự kiến được thông qua trong năm nay, đây là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của kinh tế đất nước, khơi thông nguồn lực đất đai, tạo khuôn khổ pháp lý, bảo đảm quan hệ bình đẳng trên thị trường trong việc sử dụng đất đai cho các doanh nghiệp.

Theo ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group, thị trường BĐS đã trải qua một năm ảm đạm và thiếu tích cực. Từ đó mà thấy được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường BĐS bền vững.

Bức tranh thị trường năm 2024 có thể có những gam màu sáng hơn, nhiều giao dịch thành công hơn. Bởi, thị trường đã tìm thấy đáy thì doanh nghiệp cũng dễ dàng lên kế hoạch tái cấu trúc theo chiều hướng tích cực.

Nỗi niềm cận Tết của các doanh nghiệp bất động sản- Ảnh 3.

Bức tranh thị trường năm 2024 có thể có những gam màu sáng hơn ( Nguồn: Vietnamnet)

Song, chìa khóa quan trọng nhất vẫn là thay đổi được tâm lý người mua bất động sản. Vì nếu người mua vẫn có tâm lý chờ giảm giá thêm thì thị trường vẫn khó thanh khoản. Ông Phúc cho rằng, nguồn cung trên thị trường hiện vẫn có, nhưng nếu người dân không mua thì cũng "tắc". Để thanh khoản được, thì giá BĐS phải về ngưỡng hấp dẫn nên nguồn cung phải đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực.

Do đó, để khỏa lấp "nỗi buồn" của năm cũ, thì năm 2024, doanh nghiệp phải quyết liệt hơn trong việc cơ cấu sản phẩm và xác định được phân khúc cần hướng tới là nhà ở vừa túi tiền. Ông Trần Xuân Ngọc – Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long gần đây đã chia sẻ rằng, nhà ở vừa túi tiền sẽ đóng vai trò chủ đạo trong 10 năm tới, tỷ trọng chiếm khoảng 10 - 15% doanh số công ty.

"Nhà vừa túi tiền là sản phẩm mang tính bền vững trong trục tăng trưởng của doanh nghiệp trong hàng chục năm qua dù thị trường thăng hoa hay "ngủ đông". Phân khúc này đã là một phần lịch sử khi đưa doanh nghiệp bứt ra khỏi chu kỳ khủng hoảng 10 năm trước. Đến nay nó tiếp tục là niềm hy vọng để doanh nghiệp rút ngắn quá trình phục hồi trong năm tới" - Ông Ngọc cho hay.

Năm 2024, doanh nghiệp có xu hướng chung là tránh nhắc tới chuyện suy giảm, việc tái cấu trúc doanh nghiệp là bắt buộc để thoát đáy. Đây là giai đoạn các chính sách ngấm dần, lãi suất giảm ở mức thấp, các bộ luật mới được thông qua, doanh nghiệp kỳ vọng lớn về sự tích cực của thị trường và gác lại những chuyện u ám của năm cũ ở phía sau.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top