“Nội chiến” vì một dự án nghìn tỷ?
Tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 1/4, Vinaconex đã thông tin về những mâu thuẫn nội bộ đang bùng nổ. Theo lý giải của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), nguyên nhân được cho là tạo ra sự bất đồng giữa các cổ đông lớn là bởi các bên chưa tìm được tiếng nói chung tại dự án Splendora (Hoài Đức, Hà Nội). Nói như ông Đào Ngọc Thanh, tân Chủ tịch HĐQT của Vinaconex, dự án nghìn tỷ trên đang rơi vào sự trì trệ, bế tắc.
Còn nhớ thời điểm đầu năm 2019, khi HĐQT mới được thành lập, ông Đào Ngọc Thanh lúc đó được bầu làm Chủ tịch, nhiều cổ đông trông chờ vào một sinh khí mới tại Vinaconex. Splendora cũng vậy, dự án nghìn tỷ này cũng đang chờ đợi những quyết sách mang tính đột phá, đúng như lời ban lãnh đạo công ty trước đó từng tuyên bố sẽ đưa khu đô thị này trở thành “cao cấp thực sự”.
Thế nhưng, ngay từ thời điểm ĐHĐCĐ bất thường (ngày 11/1/2019) nội bộ Vinaconex đã tiềm ẩn những xung đột về lợi ích. Ở đây, 2 đối trọng là nhóm cổ đông lớn là Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) - Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (Cường Vũ) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest).
Cuộc “nội chiến” bùng nổ khi nhóm cổ đông Cường Vũ và Star Invest gửi đơn kiện, Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vô hiệu hóa HĐQT mới. Chỉ tính trong 1 ngày (28/3) giá cổ phiếu VCG bốc hơi hơn 1.200 tỷ đồng.
Nhìn vào hệ quả của cuộc “nội chiến” ấy tại Vinaconex, giới đầu tư có lẽ đã hình dung ra bức tranh của doanh nghiệp ở thời điểm này. Họ rỉ tai nhau rằng, đây là “giọt nước tràn ly” khi xung đột lợi ích giữa hai nhóm cổ đông lớn lên đến đỉnh điểm. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp từng có giai đoạn đình trệ, lợi nhuận sụt giảm khi nhóm cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung và phủ quyết lẫn nhau.
Đặc biệt, với một doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản như Vinaconex, thì việc ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư các dự án là điều khó có thể tránh khỏi. Điều đáng bàn, nguyên nhân của việc xung đột lợi ích giữa hai nhóm cổ đông lớn của Vinaconex lại được cho là liên quan đến việc triển khai dự án Splendora.
Về vấn đề này, Chủ tịch Vinaconex cũng đã lên tiếng khẳng định “không có tranh chấp gì lớn”, mà chỉ là khác nhau ý tưởng triển khai dự án Splendora, trong đó có mâu thuẫn về hình thức xử lý hồ điều hoà trung tâm.
Xung đột ở chỗ quan điểm của nhóm cổ đông An Quý Hưng là giữ nguyên quy hoạch cũ, chỉ bổ sung thêm cây xanh và dịch vụ đi kèm. Nhóm cổ đông Phú Long lại muốn thay đổi quy hoạch xây hồ theo dạng bao quanh các căn biệt thự để tối đa hóa diện tích mặt hồ. Nhưng việc điều chỉnh quy hoạch khi dự án đã có 18ha mặt hồ ở dự án là không dễ. Hiện, hai nhóm cổ đông vẫn chưa tìm được tiếng nói chung tại dự án này.
“Đại gia” Hàn Quốc tháo chạy, vỡ mộng Splendora
Nhìn vào thực tế dự án Splendora, khoảng 10 năm trở về trước, đây được kỳ vọng là một điểm nhấn bất động sản tại khu vực phía Tây Hà Nội. Tuy nhiên, sau nhiều lần đổi chủ thì dự án vẫn đang bị chậm tiến độ.
Được biết, ban đầu chủ đầu tư dự án Splendora là Liên doanh Công ty TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) gồm 2 pháp nhân Tổng Công ty Vinaconex và Công ty Xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc) mỗi bên nắm 50%, khi đó tổng mức đầu tư được công bố dự tính là 2,57 tỷ USD.
Dự án Splendora được cấp chứng nhận đầu tư vào 8/12/2006, tổng diện tích lên tới hơn 264ha, nằm trên địa bàn các xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Tháng 2/2007, dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao đất và phê duyệt quy hoạch 1/500 vào tháng 8/2007.
Đến năm 2009, giai đoạn 1 khoảng 50ha (khu nhà ở cao cấp Splendora) được khởi công xây dựng và đã hoàn thành vào 2013 (quy mô 1.049 biệt thự, nhà liền kề và chung cư).
Nhìn nhận một cách khách quan, dự án khi triển khai trong giai đoạn thị trường bất động sản đi xuống, thậm chí có nhiều năm đóng băng đã gây không ít khó khăn khiến cho An Khánh JVC thua lỗ triền miên, nợ nần đầm đìa.
Các báo cáo của Vinaconex cho thấy, An Khánh JVC thua lỗ triền miên, con số luỹ kế lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Trong 4 năm đầu hoạt động (2008 - 2011) lỗ 220 tỷ, năm 2012 lỗ 13 tỷ và năm 2013 giảm lỗ còn 4 tỷ đồng. Sang đến năm 2015 - 2016, số lỗ mỗi năm tiếp tục đội lên 341 tỷ đồng và 334 tỷ đồng.
Trước khó khăn chồng chất và diễn biến bất lợi của thị trường bất động sản, đến tháng 6/2017, dự án mới triển khai giai đoạn 2 - khu biệt thự Lakeside Splendora quy mô gần 4,7 ha có tổng vốn đầu tư khoảng 32,4 triệu USD, bao gồm 77 lô biệt thự cao cấp.
Đáng chú ý, ngày 16/1/2018, An Khánh JVC đã tổ chức lễ ra mắt lãnh đạo mới. Theo thông tin từ cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, An Khánh JVC được thành lập vào 2/10/2008, và thay đổi giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 4 vào ngày 28/12/2017, với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.
Tính đến nay, vốn điều lệ của An Khánh JVC là hơn 680,5 tỷ đồng, gồm có 2 cổ đông là Tổng Công ty Vinaconex (sở hữu 50%) và Công ty CP Địa ốc Phú Long (sở hữu 50%). Như vậy, có thể thấy toàn bộ 50% vốn góp của Posco E&C tại An Khánh JVC đã được chuyển nhượng cho Công ty CP Địa ốc Phú Long.
Sau hơn 10 năm mắc cạn, “đại gia” Hàn Quốc Posco E&C đã "tháo chạy" và nhượng lại phần vốn góp 50% của mình cho Công ty CP Địa ốc Phú Long (thành viên thuộc Sovico Holdings của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo).
Số phận của dự án Splendora sau những biến cố bất ngờ trên là gì?
Theo ghi nhận, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng, đến nay Splendora mới chỉ hoàn thành một phần nhỏ khoảng trên 50ha vào 2013 (giai đoạn 1) là khu biệt thự và chung cư cao cấp, phần còn lại nhiều năm qua vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Đến lúc này, các cổ đông và giới đầu tư bất động sản quay đầu nhìn lại, họ hiểu rằng dự án nghìn tỷ Splendora chưa thể trong chốc lát thoát khỏi vũng lầy. Có lẽ, Splendora sẽ tiếp tục phải chờ đợi một thời gian dài để bước đến nấc thang “đẳng cấp cao thực sự”. Xa hơn nữa đó là cuộc “nội chiến” ở Vinaconex sẽ còn nhiều diễn biến khó lường và không biết đến bao giờ mới kết thúc.
Ngoài dự án Splendora, Vinaconex mới đây còn bị người dân Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) phản đối việc điều chỉnh quy hoạch ô đất có ký hiệu CN, xây tòa cao ốc 18 tầng tại ô đất có ký hiệu CN. Trong khi đó, khu đô thị mới này đang ngày một nhếch nhác, quá tải và chất lượng xây dựng các tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng.
Được biết, người dân đã gửi nhiều đơn kiến nghị đến các cơ quan ban ngành thành phố và đến nay cuộc tranh cãi vẫn chưa có hồi kết. Nhìn vào những mâu thuẫn trong cuộc “nội chiến” giữa các nhóm cổ đông lớn của Vinaconex và dự án Splendora, nhiều người không khỏi lo ngại việc điều chỉnh quy hoạch, xây tòa cao ốc 18 tầng sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân khu vực.
Quá trình cổ phần hóa, thoái hết vốn Nhà nước kết thúc chưa được bao lâu, câu chuyện xung đột nội bộ tại Vinaconex bây giờ lại “căng như dây đàn”. Dù ban lãnh đạo mới của Vinaconex đã cố gắng chấn an dư luận, minh chứng là thời gian gần đây, Vinaconex đã khởi động nhiều dự án như: khởi công một khách sạn cho Nhật Bản tại Đà Nẵng giá trị hợp đồng hơn 1.000 tỷ đồng, khởi động lại và thuê công ty tư vấn triển khai dự án Cái Giá - Hải Phòng sau thời gian dài bất động,... Thế nhưng, các cổ đông, nhà đầu tư vẫn có lý do để e dè trước bức tranh tương phản của “người anh cả” bất động sản Vinaconex.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.