Đầu tư vào nông nghiệp: Hữu xạ tự nhiên hương
Năm 2011, TH True Milk trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam tham gia lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao khi đầu tư khoảng 670 tỷ đồng cho mô hình sản xuất rau sạch công nghệ cao tại CTCP Sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế FVF tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Ngày 1/10/2015, Công ty VinEco công bố ra mắt thị trường mẻ rau sạch đầu tiên. Đây là mẻ sản phẩm ra đời sau đúng 6 tháng khi Tập đoàn Vingroup công bố tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên quy mô lớn (tháng 3/2015). Sau 3 năm hình thành và phát triển, VinEco đã có 14 nông trường hiện đại ở các tỉnh thành trên cả nước với tổng diện tích trên 3.000ha trải dài từ Bắc vào Nam, góp phần cung cấp cho thị trường khoảng 200 loại rau, củ, quả với tổng sản lượng trung bình 2.500 tấn/tháng.
Cũng trong năm 2015, Tập đoàn Hòa Phát chính thức tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp bằng việc thành lập Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên (trước đây là Công ty TNHH MTV Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát) với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, đầu tư nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên công suất 300.000 tấn/năm tại KCN Phố Nối A - Hưng Yên, KCN do Hòa Phát làm chủ đầu tư.
Có thể thấy, những doanh nghiệp nổi danh với nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao kể đến lại là những cái tên thuộc về doanh nghiệp bất động sản, là Vingroup với hệ thống Vineco, TH Group với chuỗi sản xuất và cung ứng rau quả sạch FVF, và mới đây, Tập đoàn GFS nổi lên là một doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực bất động sản nhưng lại đang “liều” mình đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo mục tiêu quốc gia, trước năm 2020, Việt Nam sẽ có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao với khoảng 200 doanh nghiệp.
Mục tiêu đặt ra là vậy, sức hút của nông nghiệp công nghệ cao vẫn đang rất nóng nhưng để đủ sức vóc đầu tư vào lĩnh vực này thì doanh nghiệp không chỉ cần có tiềm lực kinh tế, có tầm nhìn xa và kinh nghiệm thì còn cần nhiều hơn các yếu tố phụ trợ cũng như hành lang pháp lý phù hợp để doanh nghiệp không còn phải loay hoay khi bắt tay đầu tư, nâng cấp ngành nghề vốn là chủ đạo của nước nhà.
Số liệu thống kê cho thấy hiện chỉ có hơn 20 doanh nghiệp tham gia vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong một số lĩnh vực hạn chế. Dẫu vậy, không thể phủ nhận những nỗ lực lớn của doanh nghiệp và một số cá nhân trong việc đầu tư và phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần tăng năng suất, cung ứng được nguồn sản phẩm phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
"Hữu xạ tự nhiên hương" là điều có thể gắn với lĩnh vực mới mà lại chẳng mới này. Có lẽ bởi vậy mà những ông lớn trong ngành bất động sản đã mạnh bạo bẻ lái đầu tư phát triển nông nghiệp để không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn là nguồn lợi to lớn cho lĩnh vực nông nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Doanh nghiệp địa ốc và bước nhảy liều lĩnh vào thị trường nông nghiệp
Tại hội thảo "Tiếp cận Nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam" diễn ra năm 2018, bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: "Ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, xuất siêu thương mại ngày càng tăng, trong đó, năm 2017 đạt trên 8 tỷ USD và giải quyết việc làm chiếm trên 40% lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế".
Tuy nhiên, vị này cũng bày tỏ những băn khoăn: "Vấn đề đặt ra là tăng trưởng dựa vào yếu tố đầu vào truyền thống, công nghệ lạc hậu, năng suất, chất lượng thấp dẫn đến khó cạnh tranh. Nhưng nếu ứng dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp sẽ tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, dịch bệnh, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong từng khâu hay toàn bộ quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ", bà Luyến chia sẻ.
Trả lời cho những băn khoăn ấy, ngay trong năm 2018, Tập đoàn GFS - một trong những tên tuổi hàng đầu ở lĩnh vực đầu tư bất động sản tại Việt Nam đã gây bất ngờ cho giới đầu tư khi tập trung nhiều tài lực, vật lực vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.
Lý giải về nguyên nhân khiến doanh nghiệp "liều mình" đầu tư vào nông nghiệp, PGS,TS. Bùi Xuân Hồi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS cho hay: "Nếu vì mục tiêu lợi nhuận, GFS đã không lựa chọn lĩnh vực này để đầu tư vì phát triển nông nghiệp và đặc biệt nông nghiệp hữu cơ chưa bao giờ là lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao.
Thực tế đây là sự điều chỉnh mang tính chiến lược của GFS khi chúng tôi xác định tài nguyên thiên nhiên dù có lớn đến đâu cũng sẽ có ngày cạn kiệt nhưng giá trị sáng tạo của con người là không giới hạn, chỉ có khoa học mới có thể tạo nên sự đột phá và phát triển bền vững".
Theo đó, mục tiêu chiến lược mà tập đoàn này đặt ra trong 5 năm tới là sản phẩm từ khoa học, công nghệ sẽ đóng góp 70% doanh thu của Tập đoàn và 30% còn lại đến từ các dự án bất động sản và các lĩnh vực đầu tư khác.
Như vị lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi góp phần thực hiện sứ mệnh mà GFS lựa chọn và theo đuổi là tối ưu lợi ích, gia tăng giá trị cho khách hàng, cổ đông, đối tác, cán bộ nhân viên, xã hội và cộng đồng.
"Với hàm lượng công nghệ cao trong toàn chuỗi, chúng tôi kỳ vọng đó sẽ là nhân tố gia tăng giá trị và đảm bảo cho nông nghiệp hữu cơ phát triển hiệu quả, bền vững và có ý nghĩa lan tỏa", ông Hồi chia sẻ.
Được biết, hiện Tập đoàn GFS đã đầu tư phát triển Viện Công nghệ chuyên nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiệm vụ kết nối và tích hợp khoa học, công nghệ nhằm thực hiện các dự án nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao.