Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 19/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với 455/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,19% tổng số đại biểu Quốc hội.
Tại phiên họp, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Quốc hội tiến hành biểu quyết điện tử, kết quả cho thấy tỷ lệ tán thành cao, qua đó chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Toàn cảnh phiên họp. Nguồn ảnh: Quốc hội
Theo Nghị quyết, Dự án nhằm xây dựng một tuyến đường sắt hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa và liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Tuyến đường sắt này được kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, khai thác lợi thế của hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời bảo đảm kết nối hiệu quả với hệ thống đường sắt trong nước và quốc tế.
Dự án cũng hướng đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dự án có điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (TP. Hải Phòng), với tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km, tuyến nhánh khoảng 27,9km. Tuyến đường sắt đi qua 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Quốc hội quyết định sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 203.231 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về thẩm quyền điều chỉnh, trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trừ trường hợp tăng tổng mức đầu tư.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định điều chỉnh dự án trong các trường hợp khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến dự án do sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc các yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời gian bảo hiểm, hoặc khi chỉ số giá trong quá trình thực hiện cao hơn mức dự phòng trong tổng mức đầu tư.
Nghị quyết cũng quy định trách nhiệm giám sát của các cơ quan liên quan, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận với chủ trương đầu tư dự án, đồng thời giám sát quá trình thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát trong phạm vi quyền hạn của mình. Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm kiểm toán việc thực hiện dự án theo Nghị quyết này.
Về quy mô, toàn tuyến được đầu tư mới với đường đơn, khổ 1.435mm, phục vụ vận chuyển cả hành khách và hàng hóa, với tốc độ thiết kế tối đa 160 km/h trên tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, 120km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối TP. Hà Nội và 80km/h đối với các đoạn còn lại. Dự án được triển khai theo hình thức đầu tư công, áp dụng công nghệ đường sắt điện khí hóa, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có quy định Dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo Luật Đầu tư công.
Về thẩm quyền điều chỉnh, trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, trừ trường hợp tăng tổng mức đầu tư. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định điều chỉnh Dự án trong các trường hợp khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến Dự án, do sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc các yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời gian bảo hiểm, hoặc khi chỉ số giá trong quá trình thực hiện cao hơn mức dự phòng trong tổng mức đầu tư.
Nghị quyết cũng quy định trách nhiệm giám sát của các cơ quan liên quan, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận với chủ trương đầu tư Dự án, đồng thời giám sát quá trình thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát trong phạm vi quyền hạn của mình. Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm kiểm toán việc thực hiện Dự án theo Nghị quyết này.