Nửa đầu năm 2021, ngân hàng niêm yết ước lãi tăng 58%
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 27 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với kết quả kinh doanh tích cực.
Tổng thu nhập lãi thuần của 27 ngân hàng này đạt 90.562 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10% so với quý I/2021. Lũy kế 6 tháng, chỉ tiêu này của các ngân hàng tăng đến 35% so với cùng kỳ và đạt 172.920 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần trước trích lập tự phòng rủi ro tín dụng quý II/2021 đạt 80.697 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ và 9,3% so với quý I/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đạt 154.500 tỷ đồng, tăng 50%.
Lợi nhuận sau thuế quý II/2021 của nhóm ngân hàng niêm yết đạt 37.364 tỷ đồng, giảm 11% so với quý I/2021 nhưng con số này vẫn tăng đến 41% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế tăng 58% so với cùng kỳ và đạt mức 79.239 tỷ đồng.
Quán quân về lợi nhuận quý II/2021 thuộc về Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) với lợi nhuận sau thuế 4.807 tỷ đồng, tăng 66,4% so với quý II/2020 và 7,4% so với quý I/2021. Lũy kế 6 tháng, Techcombank đạt 9.283 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 72% so với nửa đầu năm 2020.
Tương tự, lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng tiếp tục tăng trưởng vượt bậc với lợi nhuận sau thuế quý II/2021, tăng lần lượt 36,1% so với cùng kỳ và 25,4% so với quý I/2021 lên mức 4.016 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, ngân hàng này đạt 7.128 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 37% so với nửa đầu năm ngoái.
Trong khi đó, lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đi xuống với 3.960 tỷ đồng, giảm lần lượt 14,2% và 43%. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh rất tốt ở quý I/2021, thì tính chung 6 tháng đầu năm, ngân hàng này vẫn là quán quân lợi nhuận của ngành với 10.967 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 23,5% so với 6 tháng đầu năm ngoái.
Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận rõ nét nhất là ở nhóm ngân hàng nhỏ. Cụ thể như Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank)… đều tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần. Cá biệt là trường hợp của Viet Capital Bank với lợi nhuận quý II tăng 1.237% so với cùng kỳ và đạt 148,3 tỷ đồng, hay như NCB đạt lợi nhuận gần 79 tỷ đồng, tăng 1.138% so với cùng kỳ.
Như vậy có thể thấy rằng, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngân hàng là đơn vị không mấy chịu ảnh hưởng, thậm chí tình hình kinh doanh còn tăng trưởng mạnh hơn trước rất nhiều. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 14/6/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng.
Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Luỹ kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ 23/1/2020 đến 14/6/2021 là 18.279 tỷ đồng. Trong đó, số tiền lãi đã miễn, giảm thực tế là 13.679 tỷ đồng; số tiền sẽ miễn, giảm theo cam kết là 4.600 tỷ đồng. Số tiền cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số luỹ kế đạt 3.700.754 tỷ đồng cho 506.151 khách hàng.
Thống kê cho thấy, tiền gửi của khách hàng đối với 27 ngân hàng tại thời điểm 30/6/2021 đạt 7.069 tỷ đồng, tăng lần lượt 4,3% và 3,06% so với cuối năm 2020 và cuối quý I/2021. Diễn biến này cho thấy dù lãi suất luôn duy trì ở mức thấp trong nửa đầu năm 2021 nhưng các ngân hàng vẫn huy động được một lượng tiền lớn từ khách hàng.
Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến lượng tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi đó, kênh gửi tiết kiệm dù không có lợi nhuận lớn như các kênh đầu tư khác nhưng có tính an toàn cao nhất. Chính điều này lý giải việc lãi suất đi xuống nhưng huy động vốn của các ngân hàng thương mại vẫn tăng trưởng tốt, thanh khoản của hệ thống dồi dào.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vẫn đi lên trong thời gian qua. Tăng trưởng tín dụng của 27 ngân hàng ở mức 7,8% sau 6 tháng.
Tuy nhiên, theo một thống kê của CTCP Chứng khoán SSI, lãi suất huy động đã giảm khoảng 2 - 2,5% trong năm qua, trong khi lãi suất cho vay mới giảm từ 1 - 1,5%. Điều này có thể thấy lãi suất cho vay giảm vẫn còn khiêm tốn trong bối cảnh dịch bệnh đang làm khó doanh nghiệp.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê hôm 29/6 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó bao gồm 35.600 đơn vị tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7% và 9.900 công ty hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo BCTC mới được công bố, nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận đi xuống so với cùng kỳ đặc biệt là các đơn vị thuộc ngành dịch vụ, vận tải… như CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC), CTCP Tập đoàn Danh Khôi (NRC)…
Tại một cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng với lãnh đạo 16 ngân hàng lớn diễn ra giữa tháng 7 vừa qua, các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Trong buổi tọa đàm mới đây được tổ chức bởi CTCP Chứng khoán SSI, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là chính sách giảm lãi suất được NHNN ban hành sẽ phần nào tác động gây giảm lợi nhuận của các ngân hàng trong tháng 7, tháng 8. Tuy nhiên sang đến quý IV/2021, khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định, hứa hẹn lợi nhuận sẽ tăng trưởng trở lại.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng nợ xấu của các ngân hàng nói trên ở mức 97.251 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và 3,7% so với quý I/2021. Trong đó, nợ xấu của một số ngân hàng top đầu như Vietcombank hay Vietinbank đều tăng rất mạnh so với cuối năm ngoái, lần lượt là 31% và 52%.
Được biết mới đây, Ngân hàng Nhà nước chính thức đề nghị xây dựng Luật xử lý nợ xấu, trong bối cảnh Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu sắp hết hiệu lực. Theo đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) đến ngày 15/8/2022 sẽ hết hiệu lực thi hành.
Khi đó, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo nghị quyết này đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD, VAMC sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.