Aa

Nửa đầu năm 2025, tín dụng tăng trưởng gấp 2,5 lần cùng kỳ

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 08/07/2025 - 15:15

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 10% so với cuối năm 2024, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước với lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế rất lớn.

Cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 18,47%

Sáng 8/7, tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, nửa đầu năm nay, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo phương châm linh hoạt, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác.

Đến hết tháng 6 năm 2025, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024, là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất từ năm 2023 đến nay. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc duy trì lãi suất điều hành ổn định, kết hợp với các chính sách tín dụng được triển khai một cách chủ động và có trọng tâm.

Cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, công nghệ và nhà ở xã hội. Đồng thời, NHNN cũng siết chặt kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản cao cấp và đầu cơ tài sản.

Số liệu của NHNN cho thấy, tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng hơn 23%, lĩnh vực xây dựng chiếm 5,53%, bán buôn bán lẻ chiếm 23,74%, kinh doanh bất động sản chiếm 18,47%...

Bên cạnh đó, để hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế, nhiều gói tín dụng mục tiêu quy mô lớn đã được triển khai. Nổi bật như gói 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ; gói 500.000 tỷ đồng hỗ trợ hạ tầng và chuyển đổi số; gói 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Các chương trình này không chỉ tạo động lực tăng trưởng cho các lĩnh vực then chốt mà còn góp phần ổn định xã hội và đảm bảo an sinh.

Nửa đầu năm 2025, tín dụng tăng trưởng gấp 2,5 lần cùng kỳ- Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại họp báo. (Nguồn: SBV)

Cùng với đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, coi đây là một trong những giải pháp căn cơ giúp giảm chi phí vận hành, từ đó có thể giảm lãi suất cho vay.

Đặc biệt, trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế. Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 6,29%/năm, giảm 0,64%/năm so với cuối năm 2024. Như vậy, doanh nghiệp và người dân đang tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn trước đây.

Chính sách tiền tệ nửa cuối năm hướng tới tăng trưởng và ổn định

Tại họp báo, đại diện NHNN cho biết trong nửa cuối năm sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Thứ nhất, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay.

Thứ hai, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Nửa đầu năm 2025, tín dụng tăng trưởng gấp 2,5 lần cùng kỳ- Ảnh 2.

Toàn cảnh họp báo. (Nguồn: SBV)

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

Thứ năm, tập trung triển khai thực hiện các Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; phối hợp triển khai có hiệu quả các kế hoạch của ngành ngân hàng về chuyển đổi số, về triển khai Đề án 06, về triển khai Nghị quyết số 57.

Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Đặc biệt, liên quan đến triển vọng tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết thêm: Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% hoặc cao hơn trong năm 2025, NHNN đã phân tích kỹ các yếu tố phản ứng chính sách và dự báo lạm phát năm nay trong khoảng 4,5 - 5%. Trên cơ sở đó, NHNN đánh giá vẫn còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.

Dù tín dụng tăng mạnh, đúng trọng tâm, nhưng NHNN vẫn lưu ý việc không thể chủ quan với nguy cơ lạm phát và sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả, từ đó có các điều chỉnh kịp thời.

"Trong trường hợp lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tín dụng tiếp tục được mở rộng lành mạnh, chất lượng tín dụng và nợ xấu được kiểm soát hiệu quả, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng (room) phù hợp trong năm 2025 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", ông Phạm Chí Quang nói.

Nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách để bỏ hoàn toàn room tín dụng

Về bỏ room tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Quang thừa nhận rằng đây là một giải pháp hành chính và NHNN đang trong lộ trình loại bỏ dần. Đầu năm 2025, NHNN đã gỡ bỏ room tín dụng cho nhóm ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Hiện tại, việc áp dụng room tín dụng chỉ còn với các ngân hàng thương mại.

Ông Quang giải thích rằng việc bỏ hoàn toàn room tín dụng cần có lộ trình và sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo xử lý tổng thể các hệ lụy từ quá khứ, đồng thời phải phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.

"Thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách để có thể bỏ hoàn toàn room tín dụng", ông Quang khẳng định.

Những kết quả và định hướng này cho thấy sự chủ động và linh hoạt của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2025./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top