Aa

Nước sông thành nước sinh hoạt sau… một lần lấy mẫu kiểm nghiệm thử

Thứ Tư, 28/07/2021 - 17:30

HueWaco đã lấy nước sông Thừa Lưu để xử lý thành nước sinh hoạt và cung cấp cho hàng vạn người dân thông qua mẫu nước tự mang đi kiểm nghiệm với kết quả chỉ có giá trị đối với mẫu thử.

Như Reatimes đã thông tin, những ngày gần đây, người dân Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (4 xã, thị trấn thuộc H. Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã phải dùng nước đục, nước bẩn, trong đó có nước từ nguồn lấy trên sông Thừa Lưu, nơi đặt nhà máy nước Chân Mây thuộc HueWaco.

Ngày 28/7 tình trạng nước sinh hoạt nhiễm bẩn vẫn tiếp tục được người dân Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô ghi nhận.

Nước sinh hoạt đục ngầu như nước sông chưa gạn lọc được người dân xã Lộc Thủy hứng qua vòi đêm 27/7 (Ảnh: Đình Toàn)

Kiểm nghiệm thử, triển khai thật!

Nhà máy nước Chân Mây của HueWaco hiện cấp nước cho toàn bộ các hộ dân tại 3 xã Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lộc Thủy và thị trấn Lăng Cô (ước khoảng 50 ngàn dân).

Nhà máy đi vào hoạt động năm 2001, trước đây sử dụng nguồn nước từ suối Voi và suối Bàu Ghè (núi vùng Thủy Dương, xã Lộc Tiến) xử lý, cung cấp cho người dân. Theo HueWaco, trước tình trạng biến đổi khí hậu gây nên các hiện tượng cực đoan làm chất lượng nguồn nước suy giảm và không đủ lưu lượng cung cấp cho nhà máy, vào mùa khô hạn, HueWaco sử dụng thêm nguồn nước sông Thừa Lưu (sông chính qua xã Lộc Tiến) hòa với nước nguồn từ Khe Mệ, Bàu Ghè nhằm tăng lưu lượng nước; để đảm bảo chất lượng nước đầu ra công ty đã lắp đặt thêm công nghệ châm PAC (tức Poly Aluminium Chloride, là hóa chất tạo bông, chất trợ lắng, keo tụ trong xử lý cấp nước, nước thải, nước nuôi trồng thủy hải sản… PV), than hoạt tính và javel đầu nguồn diệt khuẩn, khử mùi, oxy hóa các chất vô cơ, hữu cơ trong nước.

Đáng chú ý, theo HueWaco, về việc sử dụng nguồn nước sông Thừa Lưu, công ty này “đã có công văn gửi UBND huyện Phú Lộc, UBND các xã, Ban cấp nước an toàn của tỉnh. Về chất lượng nước, trước khi khai thác, HueWaco đã tiến hành lấy mẫu gửi các trung tâm kiểm nghiệm bên ngoài (Quatest 2 và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên - Huế) phân tích các chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật và chất lượng nước sau xử lý được Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả chất lượng nước sông Thừa Lưu đạt QCVN 08:2015/BTNMT (chất lượng nước mặt sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt); chất lượng nước sau xử lý đạt QCVN 01:2009/BYT (chất lượng nước ăn uống)”.

HueWaco sử dụng nước sông Thừa Lưu thay vì nước từ các khe ở thượng nguồn, rồi xử lý cung cấp cho người dân

Từ những thông tin trên cho thấy HueWaco đã có ý định sử dụng nước sông thay thế hoàn toàn hoặc bổ sung một phần cho nguồn nước khe suối thượng nguồn để xử lý, cung ứng cho gần 5 vạn con người ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Điều đáng nói là HueWaco đã tự ý, chủ động lấy mẫu, thu thập nước trên sông Thừa Lưu rồi đưa vào một “chai nhựa đậy kín” sau đó gửi đi kiểm nghiệm, sau đó cho rằng, mẫu nước QCVN 08:2015/BTNMT (chất lượng nước mặt sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt); chất lượng nước sau xử lý đạt QCVN 01:2009/BYT (chất lượng nước ăn uống).

Một trong những cơ sở mà HueWaco lấy làm căn cứ để giải thích với người dân - khách hàng cho yếu tố gọi là “đạt quy chuẩn Việt Nam” là tờ phiếu kiểm nghiệm số 21DV503 được ký ngày 7/6/2021 bởi bà Ngô Thị Thanh Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế . Tuy nhiên, theo ghi chú của đơn vị thực hiện kiểm nghiệm phiếu kiểm nghiệm số 21DV503 thì “kết quả kiểm nghiệm chỉ có giá trị với mẫu đem thử” (tức mẫu mà HueWaco tự thu thập), thế nhưng HueWaco lại lấy đây làm căn cứ bảo vệ cho cơ sở dùng nước sông Thừa Lưu - vốn được người dân địa phương xem là nguồn nước bẩn, nằm gần ruộng, trong vùng dễ ô nhiễm.

Đặc biệt, quy trình lấy mẫu, thu thập mẫu cũng không đảm bảo tính pháp lý bởi không có hội đồng khoa học, hội đồng chuyên môn với sự tham gia của chính quyền địa phương, người dân - khách hàng - đối tác, đối tượng thụ hưởng - để đánh giá chuyên môn và giám sát trước khi đưa vào sử dụng đại trà.

“Đây là quy trình làm việc, xử lý của doanh nghiệp trong lĩnh vực quan trọng là cung cấp nguồn nước ăn uống sinh hoạt cho nhân dân nhưng lại thể hiện sự cẩu thả. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ!”, ông H.N.C., một cán bộ tại xã Lộc Thủy, H. Phú Lộc, khách hàng của HueWaco bức xúc.

Xin lỗi vì “sự cố nước đục”

Theo thông tin từ Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWaco) phát đi chiều 27/7, ông Tôn Thái Hà, Phó Giám đốc Xí nghiệp Hương Phú thuộc HueWaco, đơn vị quản lý Nhà máy nước Chân Mây (đóng tại xã Lộc Tiến, H. Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã đến nhà một số người dân - khách hàng tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (H. Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) để xin lỗi về sự cố “nước đục” (từ dùng của HueWaco) xảy ra tại khu vực này trong vài ngày gần đây.

Nhân viên HueWaco đi vào vùng dịch xã Lộc Thủy, H.Phú Lộc xử lý “nước đục” cho khách hàng (Ảnh: HueWaco)

Theo HueWaco, ngày 26/7, công ty này nhận được 9 ý kiến phản ánh mạng cấp nước của một số khu vực của xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, H. Phú Lộc xảy ra tình trạng “nước đục”. Theo công ty này, Nhà máy nước Chân Mây (nơi cấp nước sinh hoạt cho người dân 3 xã Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô, thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) đi vào hoạt động năm 2001. Nhà máy hiện có 5 bể lọc, trong đó, có 1 bể lọc đã xuống cấp, mục rửa phần bê tông bên trong mép tường của đáy bể lọc, gây mất liên kết với phần đan lọc inox. Phần bông cặn chưa được lọc đã đi xuyên qua chỗ hỏng này vào bể chứa. Do phần hư hỏng này nằm ở đáy bể lọc với độ sâu 2m, nên đơn vị cấp nước không phát hiện kịp thời dẫn đến xảy ra “sự cố đáng tiếc này”.

Mặt khác, để đảm bảo cấp nước cho người dân trong mùa cao điểm nắng nóng, nên công ty chưa thể ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ. HueWaco còn cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua xảy ra thiếu hụt nguồn nước trong giờ cao điểm, lượng nước trong bể chứa cũng như lưu lượng nước cấp ra vì thế bị giảm đột ngột, xáo trộn trong hệ thống mạng lưới đường ống. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “đục nước cục bộ” tại một số vị trí. Ngay khi phát hiện công ty đã cho ngừng hoạt động bể lọc để khắc phục tạm thời sự cố.

HueWaco đã cử một số nhân viên khẩn trương kiểm tra chất lượng nước tại nhà khách hàng. Tại xã Lộc Thủy, do đang bị phong tỏa nên công ty đã phối hợp UBND xã, mặc đồ bảo hộ chuyên dụng để tiếp cận, tiến hành súc xả nước, theo dõi chất lượng nước. Ngoài ra, công ty cũng đã huy động nhân lực hoàn thành vệ sinh bể chứa lúc 19 giờ đêm 26/7 và tiến hành súc xả tuyến ống; công việc này sẽ tiếp tục. Trước mắt, HueWaco sẽ tiến hành súc xả đường ống (sau đồng hồ) cho khách hàng và lượng nước súc xả từ 3 - 5m3 sẽ do HueWaco chi trả. Đồng thời, huy động nhân lực làm 2 ca, lắp đặt khẩn cấp 2 bồn lọc áp cơ động và tạm thời ngưng hoạt động bể lọc bị sự cố để bảo dưỡng, sửa chữa; lắp đặt sensor đo chất lượng nước online 24/7.

Để đảm bảo cấp nước an toàn, bền vững, HueWaco sẽ xây dựng hệ thống quản lý rủi ro nhà máy, hiện đang điều chỉnh bổ sung quy hoạch, triển khai phương án lấy nước từ hồ Thủy Yên xây dựng Nhà máy công suất 12.500m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước cho Thị trấn Lăng Cô và vùng kinh tế trọng điểm Chân Mây - Lăng Cô.

Tuy nhiên về việc lấy nước sông, tự mang kiểm nghiệm và đưa vào cung cấp cho người dân thì HueWaco chưa có giải thích gì thêm. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top