Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay tại các thành phố lớn có thể kể đến như tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, chủ yếu là ô nhiễm bụi và tập trung chủ yếu ở các nút, trục giao thông, nơi có lưu lượng phương tiện lớn hoặc khu vực có hoạt động công nghiệp. Trong thời gian qua, môi trường không khí tại Hà Nội còn chịu tác động bởi hoạt động cải tạo, xây dựng mới các tuyến hạ tầng giao thông, xây dựng các khu đô thị... Các hoạt động này đã phát tán một lượng bụi lớn vào môi trường, gây ô nhiễm nhiều khu vực lân cận.
Tại Hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội - Thực trạng và định hướng giải pháp” do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây đã công bố một nghiên cứu về chất lượng không khí trong nhà ở và ngoài trời tại Hà Nội, chỉ ra nhiều thông tin đáng lo ngại. Theo đó, nhóm nghiên cứu chọn 6 điểm đo ở ngoài trời và 6 điểm đo ở trong nhà là các căn hộ chung cư tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, tại 6 điểm đo ngoài trời, nồng độ bụi siêu mịn trong giờ cao điểm lên tới 27.000 - 31.000 hạt/cm3.
Trong đó, điểm đo Linh Đàm có giá trị cao hơn hẳn các nơi khác. Nguyên nhân được nhóm nghiên cứu đưa ra là do Linh Đàm gần đường vành đai 3 - nơi có mật độ giao thông lớn. Mặt khác, Khu đô thị Linh Đàm, với dân số rất đông cũng là nơi có mật độ giao thông lớn, góp phần làm tăng ô nhiễm.
Bên cạnh ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải cũng là vấn nạn tại nhiều khu đô thị hiện tại. Chỉ riêng rác thải sinh hoạt, mỗi ngày Hà Nội thải ra ước tính đã khoảng 6.500 tấn. Tuy nhiên, rác thải của Hà Nội hiện nay được chôn lấp đến 89%, hầu như chưa hề có các nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao, và đây chính là nguồn cơn của nỗi nhức đầu vì rác.
Đặc biệt, câu chuyện mới nhất là nguồn nước của nhà máy nước sạch Đông Đà bị nhiễm dầu thải, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân Thủ đô. Nhiều hộ gia đình không dám sử dụng, phải mua nước đóng chai hoặc nước cung cấp từ xe téc.
Vấn đề ô nhiễm đô thị đã phần nào ảnh hưởng đến xu hướng tím kiếm và giá bất động sản. Trong báo cáo thị trường bất động sản quý III/2019 nhiều đơn vị đã chỉ ra những diễn biến thú vị về mức tăng giá của hai phân khúc nhà mặt phố và nhà riêng tại thị trường Hà Nội. Đặc biệt có một nghịch lý khá thú vị, đó là giá nhà mặt phố, nhà riêng chỉ tăng nhẹ tại các quận nội thành, trong khi các phân khúc này tại các quận, huyện ngoại thành lại đạt mức tăng cao hơn.
Thực tế cho thấy, tại khu ven Hà Nội gồm Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, mức tăng cao nhất của phân khúc nhà phố thuộc về Gia Lâm với mức tăng đạt khoảng 64%, từ khoảng giá 30 triệu đồng/m2 năm 2015 lên khoảng giá 60 triệu đồng/m2. Nhà mặt phố Bắc Từ Liêm, tăng giá từ 85 triệu đồng/m2 lên mức 100 triệu đồng/m2, tương đương mức tăng 19%.
Theo ghi nhận, với phân khúc nhà riêng, từ năm 2015 - 2018, quận Hoàn Kiếm tiếp tục giữ ngôi vương với mức tăng khoảng 7 - 10%, từ 110 - 120 triệu đồng/m2, các quận còn lại dao động từ 1 - 7%.
Trong khi đó, nhà riêng tại các quận ven và huyện ngoại thành luôn có mức tăng ấn tượng. Từ năm 2015 đến 2018, nhà riêng Bắc Từ Liêm tăng giá 16%, từ mức 60 triệu đồng/m2, tiệm cận gần 70 triệu đồng/m2, nhà riêng Long Biên tăng giá 13%, từ mức khoảng 55 triệu đồng/m2 lên mức gần 65 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho hay: “Hiện nay, do giao thông phát triển nên các khu đô thị ngoại ô, ngoại thành thường quy hoạch tốt hơn, đường xá rộng rãi, có chỗ đỗ xe, kinh doanh được nên giá cả đang tăng cao. Ví dụ như Mỹ Đình, Tây Mỗ, Đại Mỗ có khu đô thị đang bán 100 triệu/m2 trong khi vài năm trước đây rất rẻ chỉ 20 - 30 triệu/m2”.
Nói về xu hướng dịch chuyển ra vùng ven, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cho hay: "Câu nói của người Việt Nam tác động rất nhiều tới thị trường bất động sản, đó là “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, càng gần trung tâm thì giá càng đắt. Trong khi đó, ở nước ngoài, những người giàu có thường sống càng xa trung tâm. Bởi ở nước ngoài hạ tầng, giao thông công cộng rất tốt, về bản chất họ đã đô thị hoá 100% nên khoảng cách đi lại với họ không phải là vấn đề mà là chất lượng của môi trường sống. Còn tại Việt Nam đô thị mới đang bắt đầu xây dựng, đang bắt đầu phát triển.
Tuy nhiên một số khu đô thị đang dần chứng minh câu chuyện những người có tiền, có đủ vật chất họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để có chất lượng sống tốt hơn và giao thông di chuyển phục vụ đời sống hàng ngày đi học đi làm vẫn tốt. Hình thành những đô thị xanh ngoài vùng ven là hướng đi đúng của thị trường bất động sản, do đó vùng ven đương nhiên có thể nắm bắt cơ hội này”.