Aa

Ổn định mặt bằng lãi suất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ Hai, 06/12/2021 - 05:57

Ổn định mặt bằng lãi suất; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thanh khoản và các chi phí đầu vào; lưu ý đến phản ứng của thị trường tài chính, thể hiện qua biến động tỷ giá, lạm phát...

Đây là các nhận định, đề xuất được đại diện các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế đưa ra tại phiên chuyên đề 1 về: "Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế" diễn ra chiều 5/12. Phiên chuyên đề là sự kiện nằm trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.

Không chủ quan với lạm phát

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nêu rõ, từ năm ngoái đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng trung ương trên thế giới đều trong trạng thái hỗ trợ nền kinh tế. Chính sách tiền tệ của Việt Nam ở mức trung bình của thế giới.

Theo ông Hà, chính sách tiền tệ tác động ở hai khía cạnh là lượng và giá, 2 lĩnh vực này tương hỗ lẫn nhau. Về lượng, mục tiêu của hệ thống ngân hàng là bảo đảm duy trì thanh khoản của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng và cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, ở góc độ thanh khoản cho nền kinh tế, việc cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ nền kinh tế rất lớn; đã mua ngoại tệ khoảng 25 tỷ USD trong 2 năm qua. Ngân hàng Nhà nước cũng duy trì lượng thanh khoản tốt trên thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi cần tiếp cận vốn.

Về thanh khoản cho các doanh nghiệp, do dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn về trả nợ, cho vay mới. Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các Thông tư 01, 03 và 04, duy trì thanh khoản cho doanh nghiệp với điều kiện ngân hàng phải đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai, miễn giảm lãi suất cho khoản vay cũ và mới...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin, tính đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng tăng trên 10%, phù hợp mục tiêu đề ra là 12% trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tháng cuối cùng của năm 2021 nhằm bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế.

Bên cạnh việc duy trì khối lượng thanh khoản tốt trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, ngay từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành. Hiện nay, lãi suất điều hành giảm 1,5 - 2%; lãi suất huy động giảm 1,5%; lãi suất cho vay giảm 1,77% so với đầu năm 2020.

Nhìn nhận về thách thức trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà cho rằng, lạm phát đang là vấn đề toàn cầu. Các ngân hàng trung ương các nước đang thu lại biện pháp nới lỏng tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát về nguy cơ lạm phát hiện hữu để kiểm soát tiền tệ. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng. Do đó, cần lưu tâm vấn đề này trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

"Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Điều chỉnh linh hoạt cả thu và chi ngân sách Nhà nước

Liên quan đến chính sách tài khóa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khẳng định, Việt Nam đã điều chỉnh linh hoạt cả thu và chi ngân sách Nhà nước để có nguồn hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Về thu ngân sách Nhà nước, đã thực hiện miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí… hỗ trợ hộ kinh doanh và doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn, ước tính khoảng 130.000 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 con số này là 140.000 tỷ đồng. Chính sách miễn, giảm, giãn tập trung vào các ngành hàng, lĩnh vực chịu tổn thương nhiều do tác động dịch bệnh như vận tải, du lịch, khách sạn, giáo dục, y tế...

Về chi ngân sách, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động, các đối tượng yếu thế như người nghèo, hộ chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội… Riêng năm 2021 đã chi khoảng 76.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng miễn giảm tiền điện, cước viễn thông, học phí...

“Các chính sách này đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Qua đó, tạo thêm nguồn lực để ứng phó với dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nêu rõ.

Về điều hành, Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết, Việt Nam đã chấp nhận bội chi năm 2021 khoảng 4% GDP tính lại, đã tăng số vay nợ tuyệt đối lên rất nhiều so với giai đoạn trước.

Đối với chính sách trọng tâm thời gian tới, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh, tùy tình hình từng giai đoạn để có ứng phó phù hợp. Khi kiểm soát được dịch bệnh thì tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thanh khoản và các chi phí đầu vào khác.

Tập trung thực hiện chính sách tài khóa

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, cần có chính sách đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt.

Theo ông Thành, dư địa chính sách tài khóa hiện nay tốt hơn rất nhiều khi xét trên các chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách, cũng như sự thuận lợi trong huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Song, dư địa của chính sách tiền tệ có nhiều giới hạn khi bị giới hạn bởi tỷ lệ nợ tín dụng/GDP, lạm phát vẫn là "bóng ma", nguy cơ tăng nợ xấu. Do vậy, trong thời gian tới nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa.

Thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, độ trễ trong của chính sách tài khóa đã được cải thiện phần nào. Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành nhận định, sự đồng hành của Quốc hội nên thể hiện qua các kỳ họp bất thường, thay vì hai kỳ họp đầu và cuối năm theo Luật Tổ chức Quốc hội. Việc tổ chức kỳ họp bất thường có thể sẽ phải được Quốc hội thực hiện ít nhất trong 5 năm tới, do tình hình thế giới còn bất định, nhiều bất ổn và rủi ro hiện nay.

Ông Thành đề xuất, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và theo dõi tình hình để nhanh chóng điều chỉnh chính sách. Các nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế nếu có thay đổi trong quá trình thực hiện cần cho phép được chuyển hóa. Quốc hội xây dựng khung để Chính phủ chuyển hóa nhanh trong quá trình thực hiện.

Thực tế cho thấy, các chính sách tài khóa, tiền tệ thường tác động đến tiêu dùng, đầu tư, lạm phát, sản lượng (GDP), tỷ giá, lãi suất, với mức độ khác nhau. Vì thế, bên cạnh sự giám sát thường xuyên và phối hợp trong triển khai chính sách, cần lưu ý đến phản ứng của thị trường tài chính, thể hiện qua biến động tỷ giá, lãi suất, lạm phát./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top