Aa

Ông chủ nhà băng nói gì về rào cản xử lý nợ xấu?

Thứ Năm, 04/10/2018 - 08:01

Trong năm vừa qua, những chính sách mới của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ các ngân hàng rất nhiều trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, những vướng mắc, thiếu đồng bộ lại vô hình trung làm cho quá trình xử lý nợ xấu vẫn chưa được triệt để.

fhg

Tính đến 30/06/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,290 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42

Sau một năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1058/QĐ-TTg, các chính sách pháp lý này đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới về lĩnh vực này, tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng. Nhờ những thay đổi về hành lang pháp lý đó mà nhiều khoản nợ xấu tại ngân hàng được xử lý, góp phần củng cố năng lực tài chính, cải thiện chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Tính đến 30/06/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,290 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,040 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,230 tỷ đồng (chiếm 50.78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,590 tỷ đồng (chiếm 15.61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,460 tỷ đồng (chiếm 33.59%).

Trong Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Việc thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp, dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB), có thể thấy do quy định pháp luật về các ngành, lĩnh vực khác nhau còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc nếu áp dụng ở lĩnh vực này thì đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện, nhưng ở lĩnh vực khác lại vướng. Mặt khác, bản thân cách tiếp cận, cách hiểu của các cơ quan khác nhau về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm trong quá trình xử lý nợ xấu còn chưa nhất quán, hoặc theo thói quen là phải có hướng dẫn từ cơ quan cấp trên mới thực hiện, làm cho quá trình thực thi bị cản trở.

Đơn cử như trường hợp Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã quy định khi xử lý tài sản bảo đảm thì tiền thu được từ bán tài sản bảo đảm sẽ được bên nhận bảo đảm thu trước, nếu còn thì mới sử dụng để nộp thuế; tuy nhiên trên thực tế các cơ quan thuế vẫn thu thuế trước; đồng thời hệ quả của việc này là khi làm thủ tục sang tên cho người mua, các bên vẫn phải nộp thuế mới được ghi nhận quyền sở hữu tài sản. 

Hoặc pháp luật đã cho phép ngân hàng tự xử lý tài sản bảo đảm, nhưng do các cơ quan chức năng vẫn quen xử lý các giao dịch chủ sở hữu tài sản mua bán, chuyển nhượng với bên mua, nên khi ngân hàng là bên bán/chuyển nhượng thì cơ quan chức năng không đồng ý. 

Theo ông Hưng, thực trạng này làm cho quá trình ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm rất vướng mắc bởi kể cả khi đã bán đấu giá tài sản, bên mua vẫn không hoàn thành được thủ tục sang tên và ngân hàng vẫn phải tham gia vào quá trình xử lý mà không thu được nợ.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sau một năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, không chỉ tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng mà hoạt động mua bán nợ xấu trên thị trường cũng trở nên sôi động và công khai hơn khi hàng loạt ngân hàng rầm rộ công bố thông tin đấu giá tài sản đảm bảo.

Gần đây nhất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo bán đấu giá nhiều bất động sản lên đến hàng chục tỷ đồng, trong đó khu đất thuộc Dự án Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM với giá khởi điểm là 7,600 tỷ đồng, khu đất tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân và toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao Tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông với tổng diện tích khu đất hơn 500,000 m2 này được Sacombank rao bán với giá khởi điểm 6,698 tỷ đồng; và nhiều khu đất trung tâm tại quận 1,3,5…

Hồi đầu tháng 9/2018, các khoản nợ xấu được rao bán gồm khoản nợ xấu của CTCP Tập đoàn Đông Thiên Phú vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với giá khởi điểm hơn 220 tỷ đồng. VAMC đã thông báo bán đầu giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu của Công ty Thành phố Vàng (Agribank) đã bán nợ sang VAMC với mã trái phiếu đặc biệt VAMC B-0507622 là quyền sử dụng 7,851 m2 đất tại phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM với giá khởi điểm là 84,792 tỷ đồng vào ngày 09/08.

Cùng với đó, VAMC cũng thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn (công ty con của CTCP Thuận Thảo - GTT) và 95 khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ngày 27/07, VAMC thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm khoản nợ của Công ty cổ phần Xi măng Puzơlan Gia Lai tại SHB là toàn bộ máy móc thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất xi măng Puzơlan Gia Lai gắn liền với 44,814 m2 đất tại tỉnh Gia Lai với giá khởi điểm là trên 16 tỷ đồng.

Tương tự, hàng loạt chi nhánh của Agribank, VietinBank, Techcombank, MBB, NCB… cũng thông báo tăng cường thu hồi tài sản đảm bảo, bán đấu giá nợ xấu để thu hồi nợ.

Trước đó hồi cuối năm 2017, Sacombank công bố đã thành công trong việc xử lý tài sản đảm bảo bằng việc bán đấu giá và ký hợp đồng với các đối tác trong việc chuyển nhượng 3 tài sản bất động sản lớn tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An, với tổng trị giá hợp đồng là 9,200 tỷ đồng.

Nhờ vậy mà tính đến 30/06/2018, Sacombank đã thu hồi được hơn 3,600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 6 tháng đầu năm 2018. Kết quả kéo được tỷ lệ nợ xấu xuống còn 3.69% so với mức 4.67% hồi đầu năm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top